Cảm động ông lão mù bán vé số nuôi vợ bị bệnh tim

Ngày 05/04/2015 08:19 AM (GMT+7)

Gần 20 năm trời, với đôi mắt bị mù một bên, ông Võ Văn Sáu (58 tuổi, ngụ đường An Dương Vương, TP Huế) vẫn dùng đôi chân trần của mình để dò dẫm đường đi bán vé số dạo.

Ông miệt mài lao động từng ngày, từng giờ để kiếm tiền nuôi vợ bị bệnh tim và 2 đứa con nhỏ dại. Hình bóng nhỏ thó, đen đủi, tội nghiệp của ông Sáu làm cảm động biết bao người dân thuộc khu vực phường An Đông.

Trong nỗi buồn số phận

Loay quanh một hồi, cuối cùng tôi cũng tìm được ngôi nhà nghèo khó của vợ chồng ông Sáu. Thấy có người hỏi thăm, ông Sáu lần mò từng bước ra cửa để đón khách. Ông nở một nụ cười nhưng không giấu được cái vẻ héo hon, hốc hác trên gương mặt. Bà Tống Thị Xê (52 tuổi, vợ ông Sáu) nằm co ro trong góc giường. Thấy khách đến, cố gượng ngồi dậy nhưng chỉ một lúc lại khó thở và lả đi. Bà Xê khẽ thở dài: “Từ ngày phát bệnh đến nay, tôi thấy mình bất lực lắm, làm khổ chồng con trăm bề. Nhưng tôi cũng không còn cách nào khác ngoài việc tự mình cố gắng vượt qua!”. Nói rồi, bà lặng lẽ khóc. Ông Sáu ngồi bệt dưới sàn nhà, tay mân mê vạt áo của vợ, gương mặt lộ rõ vẻ lo âu. “Lúc trước tôi không có nhà để ở đâu. Nhờ bà con hàng xóm và phường quyên góp giúp đỡ, chúng tôi mới có thể thuê được căn nhà mười mấy mét vuông này để ở. Thế là tươm tất với vợ chồng tôi lắm rồi!”, ông Sáu xúc động kể.

Có lẽ chẳng mấy ai số phận lại buồn và cực khổ như đôi vợ chồng ấy. Ông vốn là một chàng trai gầy còm vì bệnh tật từ tấm bé, đôi mắt bị mù bẩm sinh nhưng được cái thật thà, chất phác. Ông Sáu chẳng nhớ mình sinh ra ở đâu, lớn lên thế nào nữa. Bởi, tuổi thơ của ông chỉ là những chuỗi ngày tối tăm mịt mù, là những buổi mưa gió rét mướt lăn lê trên hiên nhà khi cha mẹ đi làm đồng vắng. Ông cứ lớn lên như cỏ dại hoa đồng, như lẽ tự nhiên nhất của cuộc sống. Khi ông hơn mười lăm tuổi, cha mẹ ông lần lượt qua đời trong cơn bạo bệnh, để lại “gia tài” là nỗi lo lắng không ai chăm sóc đứa con bệnh tật tội nghiệp và những lời căn dặn con phải cố sống tốt hơn.

Cảm động ông lão mù bán vé số nuôi vợ bị bệnh tim - 1

Ông Sáu ngày ngày đi bán vé số kiếm tiền nuôi vợ con.

Thương đến quặn lòng

Biết hoàn cảnh của ông bà, những người lao động ở khu trọ nghèo này đều vô cùng cảm thông, chia sẻ. Lúc chúng tôi ghé thăm, vừa nhắc đến tên ông, bà Nguyễn Minh Hà (sống cùng kiệt) khẽ thở dài: “Vợ chồng ông bà ấy tính tình hiền lành, sống thân thiện, hòa đồng với mọi người từ xưa tới nay nhưng khổ lắm. Từ ngày vợ bệnh, hai vợ chồng có khi không còn gạo mà ăn. Chúng tôi ở đây, ai cũng nghèo nên chẳng giúp được tiền bạc, chỉ có thể chia sẻ với vợ chồng ông ấy con cá, mớ rau, cái bánh. Ông ấy bị mù lòa, người xanh xao vì thiếu ăn thiếu ngủ vậy mà chăm làm lắm. Thấy ông ngày ngày đi bán vé số bất kể nắng mưa, chúng tôi thương quắt lòng nhưng chẳng còn cách nào khác!”.

“Cha mẹ mất sớm, người thân cũng chẳng có ai, mà có thì chắc gì người ta đã nhận mình về khi mình chỉ là một “cục nợ” không hơn không kém” - ông Sáu ngậm ngùi nói thế. Để mưu sinh qua ngày, ông Sáu đành chọn nghề bán vé số dạo. Đến khi có vợ, cuộc sống vật chất chẳng khá hơn là bao, nhưng ngày ngày hai người dựa vào nhau, chia sẻ vui buồn khiến ông Sáu cảm thấy đời mình đã được ông trời bù đắp. Thế nhưng, tai họa ập đến cách đây 5 năm, khi người vợ là bà Tống Thị Xê (52 tuổi) mắc phải căn bệnh tim co giãn quái ác. Kể từ đó, cuộc sống gia đình ông rơi vào ngõ cụt khi chồng bị mù bẩm sinh, vợ bị bệnh tim chỉ ngồi một chỗ, không thể làm lụng được. Mọi gánh nặng cơm áo đều đổ lên đôi vai gầy còm, khắc khổ của ông Sáu. Từ khi nhập viện, căn bệnh của bà Xê đã “ngốn” gần 70 triệu đồng tiền thuốc. Đó là toàn bộ số tiền mà cả gia đình chắt chiu dành dụm được mỗi tháng để lo cho sức khỏe của bà Xê.

Để duy trì cuộc sống, ông Sáu ngày ngày lại đưa thân dáng gầy còm, với một xấp vé số, bước chân liêu xiêu dò dẫm qua những con phố để bán. Ông không dám nghỉ, dù nhiều ngày trong người mệt đến rã rời, đôi chân đã sưng tấy, bầm tím. Bởi đằng sau những tờ vé số là áo cơm của cả một gia đình, là thuốc thang cho vợ, sách vở cho con. Trải qua bao biến cố cuộc đời, ông Sáu vẫn phải gồng mình lo toan, dù có lúc ông thấy mình bất lực vì chẳng còn biết bấu víu vào đâu. Trong tâm trí ông, tình yêu đối với vợ con vẫn vượt lên tất cả, giúp ông chiến thắng tất cả khoảnh khắc nản lòng buồn tủi. Đã hơn 20 năm, ông mải miết trên từng con phố, đến mức dù bị mù, ông vẫn nhớ chính xác từng con đường, từng ngõ hẻm. Bà Xê, dù không thể đi làm, vẫn ở nhà giúp đỡ chồng chăm sóc con cái, làm các công việc vặt vãnh. Chỉ đơn giản như thế, nhưng ông Sáu đã có một chốn bình yên để trở về.

Phía sau cơn bĩ cực là tình yêu vô bờ

Có thể nói, tình yêu với bà Xê là một điều kỳ diệu mà số phận ban cho ông. Ông Sáu bộc bạch: “Hồi còn trai trẻ, tôi băn khoăn mãi về chuyện lập gia đình vì bản thân tật nguyền, nghề nghiệp lại không có. Nhưng khi gặp bà Xê, ở tuổi 40 tôi đã thay đổi suy nghĩ và quyết cưới bà ấy làm vợ. Vợ tôi lúc đó không có việc làm ổn định nên tôi cũng lo mình sẽ không nuôi nổi vợ, rồi cô ấy khổ. Cuối cùng, vượt qua mọi định kiến, mặc cảm và sợ hãi, chúng tôi cưới nhau. Tất cả có lẽ là duyên phận”. Về bệnh tình của bà Xê hiện giờ, ông Đạt tỏ ra vô cùng thấu hiểu: “Với tôi, đôi mắt có thể bị mù, nhưng đôi chân tôi không bao giờ ngưng nghỉ. Nếu nó nghỉ, đồng nghĩa với vợ con mình đói. Từ một người khỏe mạnh bỗng chốc như thế, tôi biết vợ mình rất đau lòng. Với tôi, một ngày vợ chồng đã nên nghĩa trăm năm. huống chi chúng tôi đã gắn bó mười mấy năm ròng, có với nhau hai mặt con. Bởi vậy, cực khổ mấy tôi cũng chịu đựng được, chỉ mong có phép mầu giúp vợ tôi khoẻ mạnh trở lại”.

Cảm động ông lão mù bán vé số nuôi vợ bị bệnh tim - 2

Lúc về nhà, ông Sáu dùng thời gian còn lại để chăm sóc người vợ bệnh tật của mình.

Nghe chồng nói, bà Xê lại bật khóc. Bà bảo, do cái nếp nghĩ mộc mạc mà chân thành đó của ông nên bà càng không cho phép mình gục ngã. Bà nuôi trong mình hy vọng về một ngày bản thân hoàn toàn khỏe lại, cùng chồng bán vé số hoặc làm thuê làm mướn nuôi con. Đôi vợ chồng tội nghiệp nhẩm tính: nếu bán hết vé số trong một ngày, ông kiếm được từ 40 - 50 nghìn đồng, số tiền này dành để mua thức ăn, quần áo, lo cho con học hành; nhưng cũng có những ngày ông Sáu “gặp xui” như bị xe đụng, bị người ta lừa lấy hết vé số khiến vợ chồng ông bà vừa thất thu, vừa phải đền vé cho đại lý, đồng nghĩa cả gia đình phải nhịn đói. Những lúc ấy, vợ chồng con cái lại nhìn nhau cười như mếu, rồi lại động viên nhau về một ngày mai tươi sáng hơn.

Từ khi bà Xê đổ bệnh, ông Sáu vừa cắm cúi kiếm tiền, vừa kề cận chăm sóc vợ không một chút nề hà. Ông bộc bạch: “Tôi cũng có bệnh trong người lâu rồi mà không dám đi khám. Đến khi đau không chịu thấu tôi mới vào bệnh viện. Hay tin mình bị gai cột sống cổ, tôi lo lắm. Tôi cần có sức khoẻ, không thể gục xuống lúc này vì phải làm chỗ dựa cho vợ, con. Tuy nhiên, vé số bây giờ bán khó hơn chứ không như ngày xưa. Người bán cũng đông hơn, tôi lại di chuyển chậm và khó nên lượng vé số bán được ngày càng giảm. Cũng lo lắm! Tôi ăn gì cũng qua bữa, chỉ lo cho vợ tôi thôi”. Nhắc đến bữa ăn, ông giọng như chùng lại: “Thật ra, buổi trưa xem như tôi nhịn, sáng thì ăn qua loa gì đó và tối cũng vậy thôi. Vợ tôi cần có chất để bồi bổ mới đủ sức khỏe mà trị bệnh. Có gì ngon, tôi nhường vợ hết. Nhiều đêm tận 11-12 giờ, thậm chí 1 giờ sáng tôi còn ráng mò mẫm qua mấy khu quán nhậu để bán vì ở đó đông người. Nhưng việc điều trị kéo dài khiến chúng tôi hoàn toàn khánh kiệt. Nhưng tôi không thể ngưng điều trị cho vợ. Các cụ bảo “còn nước còn tát”mà!”. Nghe chồng nói, bà Xê lại sụt sùi thương chồng. Ông bà thương nhau đến mức, số tiền nhỏ chúng tôi dành tặng cũng đùn đẩy nhau dùng. Ông bảo để bà mua thuốc, mua đồ ăn tươi tẩm bổ; bà lại nhường ông lấy tiền đi khám bệnh. Ai cũng sợ người kia mệt mỏi hơn trong những lúc trái nắng trở trời.

Lúc tiễn chúng tôi về, ông Sáu bảo số phận ông xem như đã an bài, chẳng mong gì tới ngày khá hơn. Thế nhưng, dù thế nào ông cũng phải sống, đối diện và thích nghi với hoàn cảnh mới. Ông Sáu thổ lộ với chúng tôi về ước mong nhỏ bé của mình, rằng chỉ cầu trời cho sức khỏe, để ông đủ sức đi bán vé số kiếm tiền nuôi vợ, nuôi con. Nhưng cuối cùng, ông khẽ thở dài: “Bán tới giờ này mà vẫn chưa hết vé chú ơi. Ngày ni tui lời không được bao nhiêu, tối nay lại ăn cơm với mắm rồi!”, Chúng tôi nhìn xấp vé số trên tay ông, rồi lại nhìn ra ngoài trời. Tối nay trời mưa và rét lắm…     

Theo Hữu Kiệt
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Việc tử tế