Chết cười với bài toán bán bò lớp 3 khiến cả gia đình cãi nhau 4 ngày chưa xong

Ngày 01/08/2017 16:36 PM (GMT+7)

Bài toán tính tiền lãi bán bò đang làm náo loạn mạng xã hội mấy ngày qua đã khiến cho 1 gia đình cãi nhau đến 4 ngày vẫn không thống nhất ý kiến.

Mạng xã hội náo loạn vì... con bò

Cả tuần vừa qua, mạng xã hội bỗng dưng bị chia rẽ nội bộ khi xuất hiện bài toán lớp 3 tưởng cực dễ nhưng lại khó không ngờ. 

Đề bài cho biết: Mua con bò 10 triệu, bán 12 triệu xong lại mua con bò với giá 15 triệu rồi bán 17 triệu. Hỏi người đó lời hay lỗ bao nhiêu?

Bài toán "hot" đến mức đi đâu mọi người cũng đem ra để đố nhau. Và điều buồn cười là dù trong hoàn cảnh nào thì bài toán cũng mang lại kết quả đau lòng: Cãi nhau không hồi kết. Có rất nhiều đám án được đưa ra như lời 4 triệu, 2 triệu, có người còn cho rằng hòa vốn, thậm chí là -2.

Chết cười với bài toán bán bò lớp 3 khiến cả gia đình cãi nhau 4 ngày chưa xong - 1

Hai sinh viên du học Hàn cãi nhau vì bài toán tiểu học.

Chết cười với bài toán bán bò lớp 3 khiến cả gia đình cãi nhau 4 ngày chưa xong - 2

Ở cửa hàng cũng cãi nhau.

Cả gia đình cãi nhau 4 ngày chưa xong

Dân mạng mới đây không khỏi ôm bụng cười khi truyền tay nhau clip về một gia đình tranh cãi nảy lửa cũng chỉ vì bài toán cỏn con này. 

Chết cười với bài toán bán bò lớp 3 khiến cả gia đình cãi nhau 4 ngày chưa xong - 3

Chia sẻ với chúng tôi, bạn Hà Lu (ở Hương Sơn, Hà Tĩnh), người đăng tải clip cho biết, khoảng 9h tối ngày 29/7 khi ăn cơm xong cả nhà ngồi quây quần bên nhau, anh em bạn đã đem bài toán ra đố. Mẹ của Hà Lu nhất quyết cho rằng đáp án là lời 1 triệu, trong khi đó con cháu, dâu rể nói là 4. 

Thậm chí, bạn Hà Lu còn lấy giấy bút ra diễn giải nhưng cả nhà vẫn không thống nhất ý kiến.

"Hôm nay là ngày thứ 4 rồi nhưng mọi người vẫn cãi nhau. Hàng xóm nhà mình sang chơi mang ra đố lại cãi nhau tiếp", Hà Lu tươi cười chia sẻ.

Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh cho biết, kết quả đúng là 4 triệu.

Thạc sĩ lý giải như sau: mua 10 bán 12 sau đó vay 3 để mua 15 và bán 17. Trả nợ 3 và cất vốn 10 thì sẽ lãi 4 triệu. 

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ đơn thuần như vậy, đây là bài toán kinh tế, còn phải xem đến yếu tố giá trị của 15 triệu lúc sau và 10 triệu lúc đầu có bằng nhau không (tỷ lệ trượt giá). Nhìn tốc độ trượt giá từ 12 triệu lên 17 triệu thì phải tính tỷ lệ lạm phát để từ đó có số lời thực tế.

Vị này bày tỏ, bài toán không phù hợp với học sinh tiểu học vì nếu tư duy kiểu như vậy dễ lãi giả lỗ thật. Giống như vàng giá 5 triệu, bán 2 cây vàng mua con bò, sau đó vàng lên 10 triệu, bán con bò được 17 triệu có vẻ lãi 7 triệu nhưng thật ra là lỗ vì không bảo toàn vốn 2 cây vàng. Vì vậy, không nên cho học sinh làm những bài kiểu này sẽ làm hỏng tư duy kinh doanh về sau khi các em được học đúng về lợi nhuận trong kinh doanh.

Theo thạc sĩ Phúc Thịnh, đề bài không nên hỏi lãi hay lỗ vì không chính xác mà nên hỏi là so với lúc đầu, số tiền bác nông dân có sẽ tăng hay giảm (tăng nhưng chưa hẳn đã lãi).

Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h