Chia sẻ của bác sĩ nhi khoa dành cho các mẹ ngày Tết

Ngày 22/02/2015 00:08 AM (GMT+7)

“Có đứa trẻ bị viêm phổi thôi, bệnh này hoàn toàn có thể chữa khỏi nhưng cuối cùng đã chết chỉ vì kháng kháng sinh. Tôi chỉ muốn cảnh tỉnh các bà mẹ hãy tỉnh táo, đừng tự ý cho trẻ dùng thuốc, bởi để trẻ chết khi mà đáng nhẽ có thể cứu được thì chúng ta đã có tội”.

Đây là tâm sự của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai một ngày cuối năm. Mấy chục năm công tác trong ngành y, lại là chuyên khoa nhi, ông bảo điều làm ông trăn trở nhất chính là phải chứng kiến những đứa trẻ bị nhờn thuốc, từ bệnh nhẹ thành bệnh nặng, thậm chí là không qua khỏi.

Kháng sinh – con dao hai lưỡi

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi cho biết, tác dụng của kháng sinh trong điều trị bệnh là vô cùng to lớn nhưng nó giống như con dao hai lưỡi, bên cạnh hiệu quả chữa bệnh còn có nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Tác dụng phụ đầu tiên mà tất cả các thầy thuốc  cũng phải sợ là dị ứng. Di ứng gây sốc phản vệ, nó diễn ra vô cùng nhanh và có thể gây chết người ngay mà không thầy thuốc nào tiên đoán trước được.

Chia sẻ của bác sĩ nhi khoa dành cho các mẹ ngày Tết - 1

PGS.TS Dũng nhận định, lạm dụng kháng sinh ở trẻ em rất nguy hiểm

Ngay cả với dị ứng chậm cũng vô cùng nguy hiểm, gây nhiễm độc kháng sinh nặng và dẫn đến tử vong sau 1-2 tuần. Biểu hiện của dị ứng kháng sinh muộn là lở loét da, lở loét niêm mạc, gây viêm thận, nhiễm trùng máu…

Tác dụng phụ thứ hai của kháng sinh là tiêu chảy. Đây là tác dụng hay gặp nhất.

Tác dụng phụ thứ ba ít người biết đến là tình trạng nhờn thuốc, kháng thuốc. Trong mấy năm gần đây có thể nhiều người cũng nghe nói về tình trạng kháng thuốc, nhờn thuốc nhưng người dân vẫn chưa thực sự hiểu rõ tác hại của việc kháng thuốc, nhờn thuốc. Kháng kháng sinh sẽ khiến kháng sinh không còn có tác dụng trong quá trình điều trị. Người bệnh mắc các bệnh nhiễm trùng dù được điều trị bằng mọi liệu pháp tốt nhất cũng rất khó khỏi bệnh.

Gần đây, người ta tìm ra thêm một tác dụng phụ của kháng sinh nữa là ảnh hưởng của nó không chỉ đến chính bản thân người bệnh đang dùng kháng sinh mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh. Theo đó, vi khuẩn kháng thuốc từ người đang mang bệnh sẽ lây sang người thân ở xung quang họ dù họ chưa dùng đến kháng sinh bao giờ.

Lạm dụng kháng sinh, trẻ lĩnh đủ

PGS.TS Dũng chia sẻ, trẻ con là người phải chịu nhiều hệ quả nhất từ việc lạm dụng kháng sinh của người lớn. Qua nhiều năm nghiên cứu và khám bệnh cho trẻ em, vị trưởng khoa này cảnh báo tình trạng lạm dụng kháng sinh ở trẻ em Việt Nam đang ở mức báo động.

Chia sẻ của bác sĩ nhi khoa dành cho các mẹ ngày Tết - 2

Nhiều ca bệnh phải điều trị dài ngày, khó khỏi do đã nhờn kháng sinh

Xã hội hiện nay phát triển, thông tin nhiều và nhanh hơn mang lại sự hiểu biết cho người dân những cũng có những cái hại. Thông tin nhanh, nhiều nên có thông tin đúng và có cả thông tin chưa đúng, thậm chí là sai hoàn toàn.

"Đã có một nghiên cứu ở Anh cho ra rằng: trong 10 thông tin về y tế trên mạng thì có đến 8 thông tin là không sử dụng được, 1 thông tin lúc sử dụng được, lúc lại không sử dụng được. Chỉ duy nhất một thông tin là có thể sử dụng chính xác", PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói.

Các bà mẹ hiện nay thường có thói quen tra cứu thông tin trên mạng, khi thấy con ốm, thay vì đưa đi khám bệnh lại tự tìm hiểu và tự chẩn bệnh cho con: với các biểu hiện đó con mắc bệnh gì và có thể dùng thuốc gì hoặc chia sẻ tìm kiếm lời khuyên của các bà mẹ khác.

“Như vậy, đủ để thấy việc các bà mẹ trở thành bác sĩ trên mạng tự chẩn đoán và chữa trị cho con nguy hiểm thế nào.  Ví dụ, là bệnh tim có thể dùng thuốc này nhưng không có nghĩa là thuốc đó được dùng cho tất cả mọi người. Để đưa ra quyết định sử dụng thuốc gì bác sĩ phải khám lâm sàng, làm các xét nghiệm, đây là cả một núi kiến thức”, PGS.TS Dũng nói.

Theo PGS.TS Dũng, muốn dùng được kháng sinh, người bác sĩ phải cần chẩn đoán đúng tên bệnh,: đó là bệnh gì, thuộc loại nhiễm trùng hay không nhiễm trùng? Nếu do nhiễm trùng thì do vi khuẩn hay siêu vi khuẩn. Ví dụ cùng sốt nhưng có thể sốt do nhiễm virus thì không cần dùng kháng sinh. Nhưng nếu do viêm phổi, viêm đường tiết niệu … thì bắt buộc phải dùng kháng sinh.

Tiếp đến muốn dùng kháng sinh thì phải là kháng sinh gì. Để kê được một đơn thuốc có kháng sinh người thầy thuốc phải học hỏi rất nhiều, cả một núi kiến thức và không phải học một sớm một chiều mà học trong suốt cả quá trình hành nghề chữa bệnh cứu người.

 Để không có tình trạng lạm dụng kháng sinh, PGS.TS Dũng cho biết, mọi người cần làm đúng chức năng của mình: người dân có bệnh cần đi khám bác sĩ, muốn dùng kháng sinh phải có chỉ định của bác sĩ; dược sĩ, người bán thuốc chỉ được bán kháng sinh theo đơn của bác sĩ.

“Các bậc cha mẹ cần tuyệt đối không cho trẻ dùng kháng sinh bằng cách tra cứu thông tin trên mạng. các bà mẹ không thể tra google trở thành bác sĩ làm thay việc thầy thuốc. Nếu các bậc cha mẹ có thể tự kê đơn thuốc cho con thì tội xã hội phải tốn kém bao công sức tiền của để đào tạo bác sĩ nữa. Để có những đứa trẻ khỏe mạnh, không mắc bệnh hoặc nếu có mắc thì bệnh nhẹ, diễn biến nhanh khỏi thì cần phải chấm dứt tình trạng lạm dụng kháng sinh”, PGS.TS Dũng chia sẻ.

PGS.TS Dũng đã phải thốt lên rằng: Người Việt có một văn hóa chữa bệnh rất tai hại: ốm đau không đi khám bệnh ngay mà ra hiệu thuốc tự mua thuốc theo tư vấn của dược sĩ hoặc mua theo lời tư vấn của bạn bè, người thân. Bất cứ người dân nào cũng có thể tự chữa bệnh bằng kháng sinh ngay tại nhà. Kháng sinh được bày bán tràn lan ở tất cả các hiệu thuộc, từ lớn đến nhỏ, người dân nào cũng có thể mua kháng sinh mà không cần đơn thuốc có chỉ định của thầy thuốc. Chính vì thế lạm dụng kháng sinh diễn ra mọi cáp độ từ người bệnh, người bán thuốc và cả người kê đơn.

Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan