Chọn thực phẩm sạch: Chuyên gia cũng 'bó tay' khi đi chợ

Ngày 31/03/2016 14:19 PM (GMT+7)

Nếu chỉ bằng mắt thường, khi ra chợ nhìn vào mớ rau, miếng thịt không thể phân biệt được đâu là rau sạch, đâu là rau nhiễm hóa chất.

Từ ngày 1/7/2016, Bộ Luật Hình sự được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2015 sẽ bắt đầu có hiệu lực. Tại Điều 317, quy định các tội Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, có chế tài xử phạt người vi phạm các quy định về việc sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm sẽ bị phạt tù từ 1-5 năm. Đặc biệt, đối với một số tình tiết nghiêm trọng, có tình tiết tăng nặng, mức phạt tù có thể lên tới 20 năm tù giam, thay vì chỉ bị phạt hành chính như trước đây.

Không thể phân biệt thực phẩm bẩn và sạch

Trước thông tin thực phẩm bẩn liên tục được đăng tải trên các thông tin đại chúng, đặc biệt những loại thực phẩm này lại rất quen thuộc và được sử dụng thường xuyên trong các gia đình như: thịt lợn chứa chất tạo nạc, rau nhiễm thuốc trừ sâu, trồng nơi ô nhiễm… khiến người dân rất hoang mang, lo lắng.

Nắm bắt tâm lý này, không ít các công ty truyền thông, các trang web bán thực phẩm “sạch”, thậm chí là các tờ báo chính thống đã đăng tải những “mẹo” hoặc “bí quyết” giúp người dân chọn thực phẩm an toàn.

Việc đưa ra những gợi ý giúp người dân chọn được mớ rau, miếng thịt an toàn là rất đáng khích lệ, nhưng theo các chuyên gia khi người dân áp dụng những “bí quyết” đó, liệu có thực sự chọn được thực phẩm sạch hay không? Đó là câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất.

Chọn thực phẩm sạch: Chuyên gia cũng bó tay khi đi chợ - 1

GS Đức khẳng định, không thể lựa chọn thực phẩm sạch bằng mắt thường.

Chia sẻ với phóng viên về vấn đề làm sao để chọn được thực phẩm sạch, giáo sư Nguyễn Bá Đức – Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam khẳng định: “Tôi là người Việt Nam, bạn cũng là người Việt Nam khi đi ra chợ nhìn vào miếng thịt, mới rau liệu có phân biệt được đâu là thực phẩm sạch hay không?

Tôi khẳng định, việc chọn thực phẩm an toàn thì rất khó, bằng mắt thường không biết được đâu là thực phẩm sạch, kể cả các chuyên gia, nhà khoa học. Trừ khi đưa thực phẩm đó vào phòng định lượng thì mới có thể biết được đâu là thực phẩm bẩn, thực phẩm có chứa hóa chất”.

Theo đó, những gợi ý, thậm chí là những hướng dẫn của các chuyên gia đối với người dân chỉ là những kiến thức dựa vào kinh nghiệm thường ngày để lựa chọn, chứ không thể khẳng định dựa vào đó là đã chọn được thực phẩm sạch.

Ý thức làm ăn đang giết dần người Việt

Các chuyên gia cũng cho biết, người dân hiện nay đang “dị ứng” với cái gọi là thực phẩm bẩn và luôn mong muốn chọn được thực phẩm sạch, đó là nhu cầu tất yếu. Nhưng để làm được điều đó, trước hết phải phân định thực phẩm bẩn là gì. Theo đó, thực phẩm bẩn được hiểu theo hai nghĩa, đó là thực phẩm bẩn theo đúng nghĩa đen của nó, chính là những thực phẩm như: thịt mùi ôi, cá ươn, rau héo úa…

Nhưng đối với người dân Việt Nam, họ lại hiểu thực phẩm bẩn là những loại thực phẩm đang rất tươi và bắt mắt. Đó chính là những loại thực phẩm chứa hóa chất, tồn dư thuốc trừ sâu, nhưng chỉ bằng cách ngửi và sờ vào thực phẩm thì chắc chắn một điều sẽ không thể phát hiện ra được.

Một chuyên gia về ngành thực phẩm cũng phải thốt lên rằng: “Thực phẩm đang là mối quan tâm hàng đầu hiện nay, người dân như đang lọt vào mê cung thực phẩm mà không biết đâu là sạch đâu là bẩn”. Theo vị chuyên gia này, việc phát hiện số vụ thực phẩm bẩn là một thực tế, nhưng phải khẳng định rằng đó không phải là tất cả.

“Thực tế, nếu người dân thấy lợn 'bẩn' tẩy chay lợn, rau 'bẩn' tẩy chay rau… thì những hộ chăn nuôi, trồng trọt chân chính sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng nếu cứ mua bừa và ăn bừa thì sức khỏe họ sẽ ra sao? Bởi vậy, theo tôi trách nhiệm không chỉ là cơ quan quản lý mà chính là ý thức làm ăn của người Việt đang giết chết người Việt”, vị chuyên gia này phân tích.

Chọn thực phẩm sạch: Chuyên gia cũng bó tay khi đi chợ - 2

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong kêu gọi người dân hãy nâng cao ý thức kinh doanh, làm ăn trong lĩnh vực thực phẩm.

Còn về phía cơ quan quản lý, TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thẳng thắn chia sẻ với phóng viên: “Thực tế hiện nay, hễ có vụ thực phẩm bẩn nào bị phanh phui, nhiều người lại quy trách nhiệm cho Cục. Thực tế, Cục chỉ là cơ quan quản lý về mặt nhà nước, không thể đủ nhân lực để đi đến tận làng, tận xã để kiểm tra họ rửa rau, giết lợn như thế nào.

Mà tại các địa phương, người đứng đầu các xã phường phải là người chịu trách nhiệm cao nhất, họ nắm được rất rõ hoạt động trên địa bàn, hơn nữa chúng tôi đã phân quyền cho họ về vấn đề kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu phát hiện ra tổ chức, cá nhân nào ở địa phương vi phạm họ hoàn toàn có thể xử lý lập biên bản tại chỗ và thậm chí xử phạt hành chính”.

Cuối cùng, ông Phong kết luận: “Nhìn chung vẫn là ý thức kinh doanh, làm ăn của người dân phải đàng hoàng, phải có tâm thì mới giải quyết tận gốc được vấn đề này, còn vấn đề xử phạt cũng chỉ phần nào nhằm mục đích răn đe, làm gương cho các trường hợp khác”.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kinh hoàng thực phẩm bẩn