Chuyện dòng họ 'xé rào' cho phép con gái vào trình Tổ

Ngày 24/02/2015 14:37 PM (GMT+7)

Đưa tên con gái vào gia phả, trình Tổ cho các bé gái trong ngày Chạp tổ - một nghi thức tối quan trọng trong họ tộc; thậm chí, con gái được phép chống gậy, đáp lễ trong đám hiếu cha mẹ…

“Bước tiến” này của dòng họ Bùi Nguyên (xã Thụy Dương, huyện Thái Thụy, Thái Bình) không chỉ nhận được sự hưởng ứng của các thành viên họ tộc mà còn được các dòng họ lớn khác trong xã học tập làm theo.

Chuyện dòng họ xé rào cho phép con gái vào trình Tổ - 1

Bà Bùi Thị Tố và cháu nội Bùi Thị Yến Nhi bên từ đường dòng họ. Bé Yến Nhi là một trong những bé gái đầu tiên của dòng họ Bùi Nguyên được yết cáo trình tổ trong ngày Chạp Tổ năm 2012. Ảnh: Võ Thu

Trình Tổ cho con gái

Từ quốc lộ 39, chúng tôi đi thẳng vào xã Thụy Dương. Khắp hai bên đường vào xã thoang thoảng mùi hương trầm Lai Triều đang được bà con phơi dọc lối đi để chuẩn bị phục vụ Tết.

Đón chúng tôi từ đầu thôn Đoài (làng Dương Thanh, xã Thụy Dương), anh Bùi Nguyên Hoàng – cán bộ chuyên trách Dân số xã hồ hởi kể: “Là xã đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới nên đường vào từng xóm, từng nhà đã đổ bê tông, sạch sẽ, không còn đường đất nữa đâu nhà báo ạ!”.

Khi biết chúng tôi có ý định tìm hiểu về sự mạnh dạn “xé rào” của dòng họ Bùi Nguyên, anh Hoàng không giấu sự tự hào, vừa dẫn chúng tôi đến ngay từ đường dòng họ, vừa “tranh thủ” giới thiệu: Dòng họ Bùi Nguyên là một trong những dòng họ lớn nhất xã với 140 hộ, hơn 500 khẩu, tính đến nay đã được 18 đời.

Trong gian từ đường thơm mùi hương trầm Lai Triều nổi tiếng, ông Bùi Nguyên Roát (68 tuổi), Phó ban Hội đồng gia tộc Bùi Nguyên, lần giở cuốn gia phả cũ kỹ đã sờn gáy, trầm ngâm: “Cả dòng tộc, quý nhất là gia phả. Vì quý nên phải được bọc kỹ, giao cho vị trưởng tộc gìn giữ từ đời này qua đời khác, không mấy khi được mang ra ngoài như vậy đâu!”.

Nói rồi, ông Roát chỉ vào những trang gia phả được chép bằng chữ Hán, thủng thẳng nói: “Giờ không mấy ai biết chữ này, vả lại, lần giở nhiều sợ làm tổn hại đến “gia sản”, nên từ năm 2010, anh em trong họ bàn nhau chép ra một cuốn mới bằng chữ ta, in máy vi tính cho sạch đẹp. Năm nào bổ sung năm đó. Nhưng trong cuốn gia phả “gốc” này thì không có chuyện tên con gái trong họ được chép vào”.

Anh Bùi Nguyên Lợi (38 tuổi) là Trưởng tộc Bùi Nguyên, người đang được dòng tộc giao phó trách nhiệm trông coi từ đường, cho hay: Ngày trước, trong gia phả chỉ ghi tên những suất đinh, tuyệt nhiên không có tên con gái cũng bởi quan niệm “nữ nhân ngoại tộc”. Con gái lớn lên, lấy chồng, làm dâu lo cơ nghiệp nhà chồng sẽ không còn thuộc họ tộc nữa mà thuộc về gia phả nhà chồng. Các cụ cho rằng, nếu đưa tên con gái vào gia phả sẽ “phá tục” xưa, kéo dài không cần thiết chi tộc…

Chuyện dòng họ xé rào cho phép con gái vào trình Tổ - 2

Cận cảnh gia phả mới của dòng họ Bùi Nguyên với rất nhiều tên của con, cháu là nữ được ghi đầy đủ. Ảnh: Võ Thu

Trước đây, cũng như các dòng họ khác trong xã, dòng họ Bùi Nguyên không cho phép con gái được trình Tổ (yết cáo tổ tiên). Đây là một nghi lễ rất quan trọng trong cuộc đời một con người. Với họ Bùi Nguyên, nghi lễ này được thực hiện hàng năm vào ngày mùng 1 tháng Chạp âm lịch (gọi là ngày chạp Tổ hoặc chạp họ). Từ trước năm 2012, những bé trai sinh ra trong năm đó sẽ được các vị chức sắc trong họ làm lễ, viết sớ yết cáo tổ tiên, xin phép gia nhập họ, ghi tên vào cây gia phả.

“Không ít cặp vợ chồng vì sinh con một bề là gái nên chưa bao giờ biết đến nghi lễ này. Trước đây, mỗi khi dòng họ có cỗ bàn, những người sinh con gái hay bị khích bác, lời qua tiếng lại, nẩy sinh lòng tự ái. Dần dần họ trở nên mặc cảm, ít lui tới nhà thờ tổ, tình cảm anh em họ tộc bị sứt mẻ phần nào”, ông Bùi Nguyên Roát bùi ngùi.

Thực tế này khiến những người như anh Hoàng, anh Lợi, ông Roát phải nhiều lần họp bàn với cả họ tộc để đưa ra quyết định “phá lệ tiền nhân”. Ông Roát là một trong những người có công lớn trong việc vận động anh em họ hàng chi tộc đồng ý cho phép con gái trình Tổ.

Kể về quá trình vận động này, ông Roát cười, nói: “Nói thật với nhà báo, không hề mê tín nhưng nhiều người vẫn băn khoăn chuyện tâm linh. Họ đưa ra lý do “phá tục” sẽ bị tổ tiên oán trách, làm ăn không khá lên được” (?!).

Nhưng lập luận mà ông Roát cũng như một số thành viên Hội đồng gia tộc Bùi Nguyên đưa ra, là: Phải còn anh, còn em, còn công bằng nam nữ nữa chứ, nhất là trong xã hội hiện đại như ngày nay! Nếu chỉ vì con gái sau này lấy chồng không còn thuộc họ nữa, chúng tôi nói với mọi người rằng vẫn cho các cháu nhập họ, trình Tổ; lúc các cháu đi lấy chồng lại có lễ trình Tổ một lần nữa để xin phép đi lấy chồng. Điều đó thể hiện sự chu đáo, tận tâm vẹn cả đôi đường. Làm như vậy không “mất” mà chỉ “được”!.

Lễ “Chạp Tổ” đáng nhớ

Năm 2012 là năm đầu tiên họ Bùi Nguyên đưa con gái vào trình Tổ. Kể với chúng tôi ấn tượng về ngày đặc biệt này, bà Bùi Thị Tố (81 tuổi), dâu trưởng dòng họ Bùi Nguyên, nheo nheo đôi mắt mờ đục, chỉ sang bé Bùi Thị Yến Nhi (SN 2012) cười bảo: “Cô cháu nội của nhà tôi là một trong chín bé gái đầu tiên được trình Tổ đấy!”. Bà Tố cho hay, gần 60 năm làm dâu họ Bùi Nguyên bà sẽ không bao giờ quên lễ trình Tổ năm 2012.

“Là dịp đặc biệt nên lễ trình Tổ năm đó làm to lắm! Bình thường lễ khá đơn giản, nén hương, cơi trầu, chén rượu cũng xong, thường là kết hợp lễ tế Tổ hàng năm mà yết cáo chung cùng một lượt cho tất cả con cháu trong họ. Nhưng năm đó, lần đầu tiên làm lễ trình Tổ cho các cháu gái, nên rất đông người đến chứng kiến. Có cả người họ khác đến nữa, người thì tò mò, người xúc động, người cười, người khóc, đủ cả”, bà Tố nhớ lại.

Ngồi kế bên bà Tố, anh Bùi Nguyên Hoàng góp lời: “Không chỉ trình Tổ cho các cháu gái sinh ra trong năm 2012 mà thậm chí có cả bé gái 11-12 tuổi cũng được bố mẹ dắt đến từ đường làm lễ trình Tổ lần đầu”.

Chỉ tay vào từng trang gia phả mới chép lại với rất nhiều tên cháu gái, ông Bùi Nguyên Roát phấn khởi nói: “Ở họ này, công đóng góp của phụ nữ lớn lắm! Không nói đâu xa, từ đường xây dựng lại năm 1998, hồi đó bác trưởng tộc (bố của anh Bùi Nguyên Lợi) đã mất, bác Bùi Thị Tố - dâu trưởng - đã đứng lên một tay chu toàn, cất đặt phân công anh em lo liệu, xây ngôi từ đường này. Chúng tôi không ai chê trách điều gì. Bởi dòng họ này đã thống nhất rằng: Vô nam dụng nữ, vô tử dụng tôn” (không có nam thì dùng nữ, không có con thì dùng cháu).

Không có cụ bà sao có con cháu đầy đàn?

Chuyện dòng họ xé rào cho phép con gái vào trình Tổ - 3

Ông Đoàn Năng Tinh – Trưởng tộc Đoàn Năng cho hay: “Chủ trương”đưa con gái vào trình tổ của dòng họ phần nào đã “mở đường” cho rất nhiều con cháu, đặc biệt là cháu gái ở phương xa về ủng hộ, đóng góp xây dựng từ đường dòng họ

Về xã Thụy Dương, huyện Thái Thụy (Thái Bình) những ngày cuối năm Giáp Ngọ 2014, khắp các dòng họ đang náo nức chuẩn bị cho lễ “Chạp Tổ”. Với dòng họ Đoàn Năng – một trong những dòng họ lớn nhất xã, có lẽ đây là lễ chạp Tổ ấn tượng bởi sự mới lạ nhất từ trước đến nay: Ba bé gái sinh trong năm 2014 sẽ được trình Tổ.

“Chúng tôi tham khảo mô hình bên họ Bùi Nguyên, vì họ làm hay thì phải học tập. Chúng tôi đã lên danh sách các cháu gái, bao gồm tên, tuổi, thứ bậc trong gia đình, dòng họ, chuẩn bị sẵn sàng tấu sớ yết cáo tổ tiên”, ông Đoàn Năng Tinh (SN 1950), Trưởng tộc Đoàn Năng chia sẻ.

“Trước đây gia phả họ Đoàn Năng chỉ ghi tên con trai. Gia đình nào không sinh được con trai coi như tuyệt tự. Con dâu, con gái, cháu gái tuyệt nhiên không được ghi vào gia phả”, ông Đoàn Năng Tinh nói. Dòng họ Đoàn Năng tại xã Thụy Dương có 130 hộ với hơn 300 suất đinh (nam giới).

Ông Tinh kể, trước đây, chuyện phụ nữ, con gái xuất hiện ở từ đường là rất hiếm hoi bởi “có được vào họ đâu mà tới từ đường”. Nhưng gần đây, khi dòng họ có việc chung thì gái trai, dâu rể đều tích cực đóng góp, hưởng ứng theo điều kiện của gia đình. Ngay cả khi khánh thành từ đường (tháng 8 năm Giáp Ngọ 2014), rất nhiều con cháu là cháu gái của dòng họ Đoàn Năng từ khắp mọi miền đã gửi tiền công đức đóng góp xây dựng.

Chỉ vào bảng quy ước họ tộc Đoàn Năng lập từ năm 2008 được treo trang trọng trong gian truyền thống từ đường họ, ông Đoàn Năng Tinh tươi cười cho hay: “Bảng quy ước này chưa quy định việc con gái cũng được trình Tổ đâu! Sang năm Ất Mùi 2015, họ Đoàn Năng sẽ họp để thành lập hội đồng gia tộc, soạn lại bảng quy ước, nhất định sẽ bổ sung chi tiết này. Thành phần Hội đồng gia tộc cũng phải có hai phụ nữ lo việc cho cả dòng họ. Phụ nữ rất quan trọng nhà báo ạ! Ngay như chuyện rước linh, tấu sớ tên các cụ bà mời về từ đường, chúng tôi cũng phải “đấu tranh” đấy! Không có các cụ bà thì làm sao có được con cháu đầy đàn như bây giờ!”.

Chia sẻ cùng ông Đoàn Năng Tinh và chúng tôi, anh Bùi Nguyên Hoàng phấn khởi cho hay, năm 2015, dòng họ Đoàn Đắc và Bùi Quang cũng ở xã Thụy Dương cũng sẽ áp dụng mô hình này.

Cái tết của đoàn viên, niềm vui

Nói chuyện Tết Nguyên đán, những người con thuộc dòng họ Bùi Nguyên nhớ lại: Tết năm 2012 rất sôi nổi, hân hoan lắm. Họ Bùi Nguyên có không ít gia đình sinh hai con gái, trước nay khi có việc họ, anh em có phần e ngại, nhưng nay con gái được vào trình Tổ, nhiều người mạnh dạn hơn, đóng góp nhiệt tình hơn vào việc chung. Tết nhất vì thế rôm rả hẳn lên. “Với quan niệm “phải có họ”mới được phép vào từ đường nên nhiều chị em con cháu gia tộc Đoàn Năng muốn vào từ đường trong các dịp Tết, lễ rất khó. 

Giờ thì khác rồi, Tết Ất Mùi 2015 sẽ là dịp sum họp ấm cúng, ý nghĩa. Con cháu dòng họ, nhất là các cháu gái ở nơi xa, đã thông tin với tôi là sẽ cùng dâu, rể, con cái về quê Tết này. Từ đường họ vừa được khánh thành tháng 8  năm Giáp Ngọ, Tết này đúng là Tết của đoàn viên”, ông Tinh  xúc động nói.

Thói quen, không phải luật lệ

Chuyện dòng họ xé rào cho phép con gái vào trình Tổ - 4

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ Ảnh: Chí Cường

“Do coi việc được thờ cúng sau khi mất là tối quan trọng, quan niệm xưa cho rằng, gia đình nào không có con, không sinh được con trai thì phải xin con nuôi hoặc lấy vợ khác để sinh bằng được con trai. Thậm chí có nơi, người vợ phải đi hỏi vợ lẽ cho chồng để kiếm một mụn con trai nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên. Mặt khác, người dân Việt xưa kia vẫn có thói quen tích trữ của cải dù có khó khăn đến đâu, một phần là bởi số của cải này sẽ để lại cho con (thường là con trai).

Đó là quan niệm của người xưa. Ngày nay, việc con gái thờ tự cha mẹ là chuyện bình thường, là sự thỏa thuận giữa những người trong gia đình. Bởi đó là thói quen chứ không phải luật lệ. Không ít gia đình thờ cả ông bà nội – ngoại trong gian thờ của gia đình. Xét đến cùng, thờ cúng là một nghi thức để con cháu cùng nhau hướng đến nguồn cội.

Bằng kinh nghiệm thực sinh cá nhân, tôi lại thấy một điều, các bà vợ thực ra lại rất quan trọng trong việc cúng tế, thờ tự. Ngày xưa gọi họ là “nội tướng”. Họ rất nhớ các ngày giỗ chạp và thậm chí chu đáo hơn cả đàn ông. Ở đời, ông Lưu Bị chắc gì được người ta thán phục hơn ông Khổng Minh? Các bà mới là Khổng Minh trong việc này. Giàu vì bạn sang vì vợ là như vậy. Để có hạnh phúc một gia đình mà ai cũng đòi quyền về mình là hỏng hết!”.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ

Theo Võ Thu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan