Chuyện mùa cải táng: Bi hài chuyện “bốc mộ thiếu xương”

Ngày 16/01/2016 12:37 PM (GMT+7)

Việc bốc mộ thường diễn ra lúc nửa đêm khiến không ít người bốc do sơ ý đã nhặt sót xương, hoặc để “lạc” mất vài chiếc răng của người quá cố...

Người quá cố đòi... răng?

Chia sẻ về công việc bốc mộ, ông Vũ Văn Hải (62 tuổi, ở xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội) tâm sự: “Việc bốc mộ thường diễn ra vào ban đêm vì ban ngày có ánh mặt trời chiếu vào sẽ làm hỏng xương. Vì thế nhiều đêm đông mưa phùn gió rét nhưng được ngày giờ tốt nên gia chủ vẫn thuê người bốc mộ. Do vậy chỉ cần sơ ý, chúng tôi có thể để sót lại những chiếc xương hoặc chiếc răng của người quá cố”.

Ông Hải kể: “Khoảng 10 năm trước, chuyện bốc mộ sót xương rất hay gặp. Nguyên do trước đây, người ta chỉ đặt thi thể người quá cố vào trong quan tài rồi chôn chứ không đệm lót cầu kỳ như bây giờ. Nhiều ngôi mộ còn bị sập ván thiên khiến đất, nước và xương dính lẫn nhau nên khi bốc mộ rất khó khăn. Nếu người làm công việc này không tinh ý kiểm tra cẩn thận sẽ gây hoang mang cho gia chủ. Có gia đình sau khi đã chôn tiểu sành chứa xương cốt vào lăng mộ rồi nhưng do có “điềm báo” nên vẫn phải đào lại huyệt kiểm tra xem đủ xương cốt chưa”.

Chuyện mùa cải táng: Bi hài chuyện “bốc mộ thiếu xương” - 1

Đối với nhiều người Việt chuyện cải táng là việc hệ trọng... Ảnh: Cao Tuân

Gắn bó với nghề mấy chục năm, bây giờ chỉ cần nhìn qua là ông Hải có thể biết được người đã khuất còn thiếu đốt xương nào. Một lần, tình cờ đi ngang đám bốc mộ, vì “bản năng nghề nghiệp”, ông ghé vào xem. Khi nhìn bộ xương đã xếp vào trong tiểu sành, ông Hải cam đoan rằng còn thiếu 2 chiếc xương bánh chè. Thấy mọi người không tin, ông xắn quần lội xuống huyệt, mò được 2 chiếc xương này. Lúc đó, gia đình mới giật mình và cảm ơn ông rối rít.

Chuyện mùa cải táng: Bi hài chuyện “bốc mộ thiếu xương” - 2

Ông Vũ Văn Hải tâm sự: “Trước đây nhiều người do sơ ý dẫn đến việc để thất lạc một vài mẩu xương hoặc răng của người chết khiến gia chủ hoang mang phải làm lễ xá tội”.

Đến bây giờ, bà Phạm Thị Yến (63 tuổi, ở xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) vẫn còn nhớ câu chuyện cải táng cho chồng. Hôm ấy, sau khi đã nhờ thấy cúng xem ngày giờ cẩn thận, bà thuê một phu mộ ở xã bên tiến hành công việc bốc mộ cho chồng. “Khoảng 3h sáng, khi công việc đã hoàn tất, tôi mời mọi người về nhà ăn cháo đêm và nghỉ ngơi. Xong xuôi công việc, tôi tranh thủ chợp mắt thì mơ thấy chồng ngồi bên đầu giường nói lớn: “Răng tôi đã yếu rồi mà giờ thiếu 3 cái thì làm sao ăn uống được”. Tôi giật mình tỉnh dậy, biết là mình nằm mơ nên đi ngủ tiếp, nhưng giấc mơ như vậy lặp lại đến 3 lần khiến toàn thân tôi mệt mỏi, đau nhức”, bà Yến kể lại.

Cả buổi sáng hôm ấy, bà Yến cứ lấn cấn trong lòng, nửa muốn nói ra, nửa muốn giữ kín vì dù sao cũng chỉ là giấc mơ. Đến bữa ăn trưa có đông đủ anh em, họ hàng… bỗng dưng bà Yến nói lớn: “Ông Tấn (tên người chồng quá cố của bà) bị thiếu 3 chiếc răng...”. Cả nhà nghe vậy im bặt. Linh cảm có điều chẳng lành, ông Hoàng Văn An (trưởng họ) bảo hai thanh niên khỏe mạnh trong dòng tộc quay lại khu đất chôn ở nghĩa trang.

Lúc này, một số người hiếu kỳ cũng đi theo. Do sáng sớm hôm ấy gia đình chưa san lấp huyệt cũ nên hai thanh niên lội xuống tìm thì bất ngờ phát hiện có 2 chiếc răng còn sót. Mọi người tiếp tục cào, bới thì phát hiện chiếc răng thứ ba. Ngay trong buổi trưa hôm đó, gia đình bà Yến quyết định “khai quật” lại phần mộ mới xây để bổ sung những chiếc răng vào tiểu sành, sau đó cẩn thận chôn lại.

Những câu chuyện như bà Yến kể xảy ra khá nhiều. Ông Nguyễn Xuân Thái (76 tuổi, ở xã Đại Sơn, huyện Phục Hòa, Cao Bằng) cho biết: “Làng tôi thường bốc mộ vào lúc tắt mặt trời. Một số gia đình đã cẩn thận thuê máy nổ để có đủ ánh sáng cho người bốc mộ, nhưng chuyện bốc thiếu xương, nhất là đốt ngón chân, ngón tay vẫn xảy ra. Mặc dù huyệt đã hoàn thổ nhưng con cháu phải đào xới lại khu đất để tìm xương. Có nhà thuê người tìm kiếm cả ngày trời mới thấy, có nhà ôm nỗi ân hận kéo dài vì không tìm được xương cốt đầy đủ cho người quá cố”.

Ông Thái kể về trường hợp của gia đình ông Nguyễn Hoàng Tân cùng ở xã Đại Sơn. Sau hôm cải táng cho mẹ, ông Sơn mơ thấy người mẹ già đi tập tễnh.

Nghĩ rằng lúc bốc có thể sót xương, ông Tân đã họp bàn với anh em trong dòng họ quyết định đào lại khu đất bốc mộ để tìm. Thế nhưng, do khu đất đã được san lấp để trả lại mặt bằng cho nghĩa trang nên việc tìm kiếm rất vất vả mà không cho kết quả. Lo lắng quá nhiều khiến ông Tân lâm trọng bệnh. Vợ ông Tân hoảng sợ phải nhờ thầy cúng về làm lễ. Chỉ riêng việc thuê hai thầy cúng và sắm đồ làm lễ cũng chi tốn của gia đình ông Sơn đến 34 triệu đồng.

Thầy cúng “hiến kế”

Chuyện mùa cải táng: Bi hài chuyện “bốc mộ thiếu xương” - 3

Ông Nguyễn Trọng Tứ cho hay, theo quan niệm dân gian, khi bốc mộ mà để thiếu xương thì người quá cố sẽ quở trách.

Để tránh việc bốc sót xương, ông Nguyễn Trọng Tứ (52 tuổi, một thầy cúng ở xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa) cho rằng, theo kinh nghiệm dân gian, khi bốc mộ xong thì đổ rượu xuống đáy quan tài để kiểm tra. Nếu còn sót những mẩu xương thì xương sẽ tự động nổi lên (?).

Ông Tứ cho biết thêm: “Để cẩn thận hơn, con cháu hãy giám sát thợ bốc mộ xem họ làm có sót xương không. Ngoài ra, phải yêu cầu thợ lộn tất tay, tất chân của người chết một cách tỉ mỉ và cẩn thận để tránh sót xương. Có một cách mà dân gian thường sử dụng để kiểm tra, đó là: Sau khi “đãi cốt” xong, người ta thường cắm một bó hương to giữa lòng đáy huyệt. Nếu làn khói quyện lại, bay thẳng lên có nghĩa đã hết cốt. Nếu làn khói tỏa xuống, lởn vởn trong lòng huyệt có nghĩa là xương cốt của người chết chưa hết, cần phải kiểm tra lại(?). Những năm gần đây, khi khâm liệm, các gia đình dùng tấm lưới đặt dưới quan tài để lúc cải táng, bốc mộ không còn lo bị sót hoặc thất lạc xương cốt của người quá cố”.

Xếp nhầm xương và chuyện luân hồi

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH về những câu chuyện trên, nhà nghiên cứu văn hóa tâm linh Phan Hùng Sơn chia sẻ: “Trước đây, việc bốc mộ để sót xương là có thật, bây giờ thì người ta chú trọng hơn ngay từ lúc khâm liệm người chết, tuy nhiên những thủ tục về cải táng vẫn khá phức tạp. Theo kinh nghiệm của dân gian, khi bốc mộ, sau khi nhặt hết cốt, rửa sạch, người ta trải tấm ni lông ở dưới, tấm vải đỏ ở trên và lần lượt xếp xương theo thứ tự của người. Riêng cái sọ phải dùng trà hoặc vải kê để cho mặt hướng lên trên. Mọi thứ xương phải kiểm tra cho đủ, không được phép thiếu. Việc xếp xương cốt của người quá cố vào tiểu sành cực kỳ quan trọng. Người xưa tâm niệm, người ta sinh ra thế nào thì khi cải táng vào xếp các bộ phận cơ thể vào tiểu sành y như thế, như vậy mới có kiếp luân hồi. Nếu xếp lộn xộn hoặc hài cốt bị thiếu mất vài bộ phận thì khi đầu thai sẽ bị dị tật”.

Theo C.Tuân – N.Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot