Chuyện về những thầy cô giáo kỳ lạ ở vùng đất "5 không"

Ngày 07/09/2015 09:05 AM (GMT+7)

Điểm trường làng Đắk Bối (xã Mường Hoong-Đắc Glei-Kon Tum) nằm ở một ngôi làng xa và nằm biệt lập. Đường lên hết sức hiểm trở và khó khăn, nhưng ở đó vẫn có những thầy cô ngày ngày “thắp sáng” cho mầm non tương lai.

Kỳ lạ niềm đam mê với nghề

Những ngày này, núi rừng Tây Nguyên đón cơn mưa nặng hạt, khiến cho con đường lên điểm trường làng Đắk Bối trở nên lầy lội và vô cùng khó khăn. Tối hôm đó, chúng tôi “đơn phương độc mã” lần theo tiếng kêu của những con thú rừng để tìm đến với làng Đắk Bối. Câu chuyện về làng Đắk Bối chúng tôi đã được những tay phượt và người dân nơi đây kể nhiều về sự khó khăn, vất vả, đường lên thì hết sức hiểm trở nhưng chưa một lần được đến nơi này.

Câu chuyện về con dốc “tình yêu” một lần nữa lại tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi, theo dân làng dưới xuôi kể rằng: “Làng Đắk Bối là một làng xa nhất của xã Mường Hoong, ở đây nằm tách biệt với bên ngoài, đường lên đó hết sức hiểm trở, nếu lỡ không may sẩy chân xuống vực thì coi như bỏ mạng.

Chuyện về những thầy cô giáo kỳ lạ ở vùng đất quot;5 khôngquot; - 1

Nhưng lạ thay, hồi đấy có 2 thầy cô dưới xuôi mặc sức can ngăn của mọi người vẫn tình nguyện lên điểm trường trên Đắk Bối để đem con chữ đến cho con em đồng bào vùng cao trên đấy. Vì đường lên đấy chỉ có hố sâu, vực thẳm nên vừa đi 2 thầy, cô vừa chọc ghẹo, hát bài hát tình yêu để xua tan đi nỗi khó khăn, vất vả. Vậy là từ dạo ấy, con dốc “tình yêu” được buôn làng ca mãi cho đến tận bây giờ. Có lẽ rằng, con dốc “tình yêu” ấy đã đi vào giai thoại của buôn làng Đắk Bối, họ vẫn nhớ mãi không nguôi về câu chuyện cảm động ấy cho đến bây giờ”.

Rồi, sau 3 giờ đi bộ, leo qua những vách núi dựng đứng, những mỏm đá to bằng mấy người ôm, chúng tôi cũng đã đến được với điểm trường Đắk Bối. Ngôi trường khác xa so với những suy nghĩ ban đầu của chúng tôi.

Nói là ngôi trường cho nó sang thế thôi, chứ ngôi trường hết sức hoang sơ, cơ sở vật chất hết sức thiếu thốn, chỉ có vài cái bàn gỗ được kê ẩm thấp để thầy và trò có chỗ học tập. Trò chuyện với chúng tôi, thầy giáo Nguyễn Văn Tiềm (1991, quê Hà Tĩnh), nhớ lại: “Năm 2012 tôi ra trường và tình nguyện cắp sách, vở lên bản này dạy chữ cho con em đồng bào, mặc sức can ngăn của bố mẹ, người thân.

Có nhiều đêm mẹ tôi khóc hết cả nước mắt, vì sợ con mình lên đấy khổ. Ngày lên đây thì trường cũng đã có mái tôn rồi, chứ ngày trước các thầy, cô phải lên rừng lấy cây rừng để về ghép lại thành lớp học. Những hôm mưa gió, gió lùa qua khe khiến cho cả thầy, trò rét đến sun người”.

Mỗi khi nhắc đến con đường từ xã Mường Hoong lên điểm trường Đắk Bối thì đây luôn là nỗi ám ảnh đối với thầy, cô nơi đây. Con đường chỉ toàn vực sâu, núi cao dựng đứng nhưng vì tình yêu với nghề, muốn đem con chữ đến với con em đồng bào vùng cao nên các thầy, cô luôn tự nhủ với bản thân mình sẽ cố gắng vượt qua. Thầy Tiềm, cho biết: “Hiện thầy đảm nhiệm 2 lớp ghép, là lớp 1+2, gồm 9 em học sinh, còn thầy Cao Xuân Tuấn chủ nhiệm lớp 3. Cả trường chỉ có 20 em học sinh”.

Nói là khổ về đường xá, cơ sở vật chất nhưng cũng không khổ bằng việc các em không chịu đến lớp. Do các em là người đồng bào nên cả bố mẹ lẫn các em chưa ý thức được việc học, các em thường theo bố mẹ chúng lên nương đến khi mặt trời khuất sau khỏi chân núi thì các em mới lọ mọ về. Những lúc như vậy, các thầy lại phải đốt đuốc đến từng gia đình để vận động bố mẹ cho con em mình đến trường.

“Mù” thông tin ở vùng đất "5 không"

Trò chuyện với chúng tôi, thầy Nguyễn Văn Tiềm vẫn nhớ như in, giống như là chuyện vừa xảy ra mới đây, thầy nhớ: “Do thầy là người khỏe mạnh, cũng yêu trẻ em vùng cao nên lên đây dạy chữ, chứ có nhiều thầy, cô do sức khỏe yếu, lại được phân công lên vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” nên không ít thầy, cô đã tủi thân ngồi khóc giữa đường lên trường”.

Nói đến chuyện tiếp cận thông tin bên ngoài, thầy Tiềm, cho hay: “Ở đây được ví như vùng đất “5 không”. Không điện, đường, trường, trạm, sóng điện thoại nên mọi thông tin bên ngoài đều mù mịt. Nhiều lúc muốn dạy bài trên máy tính cho các em dễ hiểu, dễ tiếp thu nhưng đành bó tay vì ở đây không có điện.

“Ở làng này đặc biệt không có sóng điện thoại, nếu muốn gọi về cho người thân thì phải đợi đến cuối tuần lặn lội xuống xã mới có sóng. Còn nếu muốn có sóng thì chí ít cũng phải băng qua mấy quả đồi cao dựng đứng thì mới có sóng được”, thầy Tiềm cho biết thêm. Thầy Tiềm nói vui với chúng tôi rằng: “Do không có sóng nên đến bây giờ thầy vẫn chưa có người yêu”.

Thầy A Hao, Hiệu trưởng trường tiểu học Mường Hoong, kể: “Điểm trường Đắk Bối là một điểm trường xa và khó khăn nhất, muốn lên được điểm trường Đắk Bối không còn cách nào khác là phải đi bộ, vượt qua nhiều thung lũng sâu hoắm, núi cao dựng đứng thì mới lên được. Nhiều lúc có việc gấp, muốn gọi điện lên cho các thầy trên đó nhưng cũng đành chịu vì không có sóng, mỗi lúc như vậy thầy cô phải băng rừng để lên. Biết là khó khăn, vất vả nhưng vì con em đồng bào, vì con chữ nên các thầy, cô phải tự khắc phục để vượt qua”.

Chuyện về những thầy cô giáo kỳ lạ ở vùng đất quot;5 khôngquot; - 2

\Nói về con đường, già A-Lê-Na, cho biết: “Người già khổ đã đành, nhưng các cháu học sinh lại khổ hơn rất nhiều. Học hết lớp 3, nhiều em học sinh phải đi bộ mấy tiếng đồng hồ mới xuống được trường xã Mường Hoong để học. Có nhiều cháu, khi con gà vào chuồng, con thú rừng đi ngủ thì lúc đấy mới thấy về nhà. Nhiều lúc bố mẹ chúng ở nhà thấp thỏm lo sợ nên không muốn cho chúng đi học. Giờ dân làng Đắk Bối chỉ xin con đường để đi lại, trao đổi thông tin với bên ngoài để học hỏi người Kinh dưới xuôi cách làm ăn, trồng trọt, có như thế thì đời sống người dân mới ổn định, không lo đói”.

Cám cảnh thay, con trai đầu của già làng A-Lê-Lối, cũng làm cán bộ đoàn, để tiện việc họp hành dưới xã nên gia đình cũng đã chắt bóp mua được chiếc điện thoại, nhưng rồi chiếc điện thoại cũng mua chỉ để nghe nhạc, bởi không có sóng để liên lạc xuống xã.

Dẫu bao khó khăn là vậy, nhưng với niềm yêu nghề, yêu trẻ và muốn đưa con chữ lên với đồng bào vùng cao luôn thôi thúc trong mỗi trái tim người thầy, người cô. Ở những đại ngàn bao la, biệt lập luôn có những bông hoa rừng, ngày đêm “thắp sáng” cho ước mơ tương lai của các cháu vùng bản cao. Rồi những ngày tháng sau này, khi ước mơ của các em được chắp cánh bay xa, những người thầy, người cô vẫn luôn được ca mãi trong giai thoại của người đồng bào Xê-Đăng.

Theo Du Nghĩa
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan