Đạo hiếu trong gia đình con trai 85 tuổi vẫn cõng mẹ đi chơi

Ngày 12/10/2014 15:45 PM (GMT+7)

Trong xã hội hiện đại, người cao tuổi thường phải chịu sự trống trải, quạnh hiu khi con cái quá bận rộn.

 Ý thức được điều ấy nên bao năm nay, ông Năm Đức (xã An Thạnh, huyện Thạnh Phú, Bến Tre) chưa bao giờ để mẹ phải chạnh lòng. Gia đình ông Đức cũng là tấm gương về đạo hiếu nổi tiếng khắp xứ dừa.

Chữ “Hiếu” làm đầu

Chia sẻ với chúng tôi về nếp sống trong gia đình, bà Phạm Thị Trù cho biết từ khi về làm dâu, 60 năm sống chung dưới một mái nhà nhưng chưa bao giờ mẹ chồng nặng lời với bà. Trong nhà con cháu làm việc gì không vừa ý, cụ Nguy chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng. Đối với họ hàng, làng xóm cụ cũng luôn đặt cái tình, cái nghĩa lên trên hết. Hễ trong thôn ai có việc cần, cụ chẳng ngại xắn tay góp sức vào làm. Chính vì vậy ông Đức cũng rất thần tượng mẹ, luôn nghe lời và sống theo sự răn dạy của mẹ. “Hồi trẻ cụ mê làm lắm, ông nhà tôi cũng giống cụ nên tuy đã nhiều tuổi nhưng vẫn rắn rỏi và sức khỏe rất tốt. Cách đây mấy năm, mẹ tôi bị cao huyết áp lúc nửa đêm, vì lo quá nên ông ấy cõng mẹ đi bộ gần chục cây số đến trạm y tế xã”, bà Trù cho hay. 

Từ trung tâm huyện Thạnh Phú về xã An Thạnh, không khó để chúng tôi tìm đến nhà ông Năm Đức (Nguyễn Văn Đức). Bởi, ở đây chỉ cần nhắc đến tên ông hoặc hỏi “gia đình thượng thọ” thì già trẻ ai cũng biết. Ông Đức năm nay bước sang tuổi 85, vợ ông  - bà Phạm Thị Trù - cũng ngấp nghé bát tuần. Vì các con đều sinh sống ở xa nên trong nhà chỉ còn ông bà thay nhau chăm sóc người mẹ già đã 113 tuổi. Người ta biết đến gia đình này không chỉ bởi cụ Trần Thị Nguy (mẹ ông Đức – PV) là một trong những cụ già sống thọ nhất Việt Nam, mà còn bởi truyền thống đạo hiếu - một nét đẹp mang giá trị nhân văn đã bị phai nhạt không ít trong xã hội hiện đại. Chúng tôi tới đúng lúc ông Đức đang ngồi bón từng miếng cơm cho mẹ. Những cử chỉ nhẹ nhàng, ân cần của ông đối với bậc sinh thành khiến chúng tôi thực sự cảm động.

Dưới khu vườn thanh tịnh, mướt mát cây trái, buổi trò chuyện về bí quyết gìn giữ gia phong gia đình giữa chúng tôi và ông Đức diễn ra hết sức thú vị. Ông cho biết, cụ Nguy có lẽ là người thọ nhất tỉnh hiện tại. Điều thú vị là, dù đã sống qua hơn một thế kỷ nhưng cụ vẫn khỏe mạnh, không có bệnh tật gì đáng kể. Trong sinh hoạt hàng ngày, cụ vẫn hay tự làm những việc có thể. Ông Đức kể: “Cha tôi mất cách đây gần 10 năm, thọ 96 tuổi. Còn mẹ tôi tuy đã hơn trăm tuổi nhưng chỉ mới ngừng lao động 5 năm trở lại đây thôi. Vì đi lại khó khăn nên giờ cụ chỉ quẩn quanh nhà”. Nghe ông Đức trò chuyện với khách, cụ Nguy từ trong nhà cũng đứng dậy chống gậy lom khom đi ra bàn uống trà. Thật bất ngờ, dù đã qua tuổi bách niên nhưng da dẻ của cụ vẫn hồng hào, giọng nói rõ ràng, minh mẫn. Cụ hỏi chúng tôi: “Sao đi hồi nào mà trưa mới tới, các con đã ăn gì chưa, chắc giờ đói lắm rồi? Người Sài Gòn hèn chi sang trọng quá”. Cụ bà nói xong rồi nheo đôi mắt cười tươi, khuôn mặt trông rất phúc hậu.

Theo ông Năm thì dù mẹ ông tuổi đã cao nhưng có thể đếm chính xác tiền triệu, bởi khả năng thị giác và thính giác của cụ vẫn còn rất tốt. Thường ngày cụ thức dậy từ lúc 7h sáng đến 5h chiều, cụ đã ăn tối và đi ngủ sớm. Cụ ăn mỗi bữa hơn một chén cơm và thêm rau, ăn ít nhưng đều bữa. Khi được hỏi bí quyết sống lâu, sống khỏe, cụ Nguy cười tếu nói: “Tui không có bất kỳ bí quyết gì. Từ lúc sanh ra chỉ biết làm lụng, có lẽ nhờ thế mà tôi được rèn luyện sức khỏe dẻo dai mỗi ngày. Ăn uống mỗi bữa cũng chỉ vài cọng rau đồng hoặc tự trồng, cá thì xuống sông rạch bắt”. Bữa cơm của cụ bà mấy chục năm qua vẫn đạm bạc như chính cuộc sống hồn hậu của người dân vùng sông nước Nam bộ. Món khoái khẩu của cụ là cá lóc đồng, tép rang khô ăn cùng cơm trắng. Nắm được sở thích của mẹ nên ông Đức luôn chú ý tới món ăn này để cụ ăn được ngon miệng. Ông chia sẻ: “Vì hiểu tính mẹ nên mỗi bữa ăn tôi đều chưng mắm cá lóc. Dù ăn cơm hay canh cụ cũng muốn nêm vào vị mắm đấy. Ăn mấy chục năm nay rồi, nếu không có món này cụ ăn không vừa miệng”. Đang dở dang câu chuyện, ông Đức đã vội đứng dậy đưa cụ Nguy vào phòng, không quên giải thích với chúng tôi: “Phải cho cụ ăn ngủ đúng giờ giấc chứ không tối cụ lại dậy nửa chừng. Chăm cụ bây giờ phải thật cẩn thận”.

Đạo hiếu trong gia đình con trai 85 tuổi vẫn cõng mẹ đi chơi - 1

Ông Đức ân cần chăm sóc mẹ.

Căn phòng nơi cụ Nguy ở rất tươm tất, nền nhà, các vật dụng đều sạch sẽ, giường chiếu thơm tho. Mọi thứ đều nhờ bàn tay của con trai và con dâu cụ. Cụ có bốn người con, giờ chỉ còn lại con trai thứ nay đã 87 tuổi và ông Năm Đức. Người con thứ điều kiện kinh tế rất khá giả, nhiều lần cũng muốn được đón mẹ về phụng dưỡng nhưng cụ bà chỉ “nán” lại vài ba ngày rồi về với người con út. Cụ bảo ở đâu quen đó, con nào cũng là con, quan trọng chữ hiếu làm trọn là bậc làm mẹ cha như cụ thấy mãn nguyện. Ông Đức cho biết, việc chăm sóc mẹ già bao năm nay ông lấy làm đầu, đi đâu, làm gì cũng nhớ tới mẹ. Và điều ông quan tâm nhất vẫn là sức khỏe của mẹ. Tính ông vốn chu đáo, biết thuốc Tây không tốt lắm cho người già nên ông đã cất công sưu tầm và trồng nhiều loại thảo dược quanh nhà. Mỗi lần thấy cụ than mệt, ông lại lấy một chén rượu thuốc đã ngâm sẵn từ lâu trong hũ cho cụ uống. “Thuốc Nam rất tốt nên mỗi tối tôi thường cho cụ uống, trước là để giúp máu huyết cụ được lưu thông, tốt cho tiêu hóa, cải thiện sức khỏe, sau là giúp tâm lý người già tránh được lo âu, bất an”, ông Đức chia sẻ.

Tự tay chăm mẹ từng miếng ăn giấc ngủ

Ông Đức cho biết, bản thân luôn sống gương mẫu, phụng dưỡng mẹ già để các con noi theo. Các con ông đều thành đạt, khá giả, thừa sức thuê người phục vụ cho vợ chồng ông và mẹ già nhưng ông kiên quyết từ chối. Ông muốn tự tay chăm sóc mẹ như đã làm mấy chục năm nay. Mỗi sáng, ông tự tay lấy nước muối cho mẹ súc miệng, rồi rửa mặt bằng nước ấm, sau đó lau người, thay quần áo rồi đến cho cụ ăn. Hàng xóm ai nấy đều cảm kích trước tấm lòng thơm thảo của người con trai ngoài bát tuần dành cho mẹ. “Ở sát vách nhà cụ từ nhỏ tới lớn, tôi chưa bao giờ nghe thấy mọi người trong nhà to tiếng với nhau. Ngày nào ông Đức cũng đạp xe ra chợ mua đồ ăn, rồi về chăm chút từng muỗng cơm cho mẹ. Còn bà Trừ luôn bên cạnh để quạt và cho cụ uống nước”, chị Vũ Thị Oanh, Cán bộ phụ nữ xã cho biết.

Mỗi ngày lo cho mẹ ăn xong, đợi đến quá trưa ông Đức mới đạp xe ra ruộng cách nhà chừng vài cây số để chăm lúa. Hơn 1ha ruộng đều một tay ông làm từ nhổ cỏ, cào đất đến bón phân, năm nào cũng cho vụ mùa bội thu. Xong đâu vào đấy, ông lại xắn tay áo cải tạo gần chục công đất nuôi tôm. Vất vả với đủ loại công việc “trăm thứ bà rằn” như vậy nhưng ông chưa khi nào quên nghĩ tới mẹ. Những lúc rảnh rỗi, ông lại ngồi nắm đôi tay tần tảo với những vết chai sạn của mẹ trò chuyện cho cụ khuây khỏa. Hôm nào thấy trong người vui khỏe, cụ Nguy hay bảo con cõng đi lòng vòng quanh xóm để thăm hỏi người quen. Chẳng thế mà lâu dần, ngoài ông Đức bón cơm cụ không chịu ai. Lo cho mẹ già nên ông chẳng bao giờ yên tâm đi đâu, hôm nào có cỗ bàn, giỗ chạp phải đi, ông cũng chỉ tranh thủ một lát rồi tất tả chạy về, sợ mẹ cần mình mà không thấy. “Đồ ăn mua về, tôi nấu còn ông thì cho cụ ăn. Giờ không thể đi đâu xa, nếu sáng hôm đó có chuyện gấp phải đi thì ông cũng chu đáo chuẩn bị sẵn một khay bún nhỏ, chiếc chén và đôi đũa đặt trong phòng để cụ ăn lót dạ vào lúc 10h. Trong khoảng một tiếng sau là chồng tôi đã có mặt ở nhà để cho mẹ ăn bữa chính”, bà Trừ cho hay.

Ông Đức cho biết, đạo hiếu cũng là điều mà ông muốn các con nhìn vào cha mẹ để noi theo. “Các con tôi đều đã trưởng thành, có gia đình riêng và đi làm ăn xa, nhưng mỗi lần đến dịp lễ sum họp lại tụ về đầy đủ. Chứng kiến từ đời ông bà đến đời cha mẹ, gia đình luôn đầm ấm, còn vợ chồng tôi luôn săn sóc đấng sinh thành chu đáo, chúng sẽ lấy đó làm tấm gương để sống cho phải đạo”, ông tâm sự.

Theo Lê Thoa
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot