Dạy thêm, học thêm: Chuyện của trẻ hay vì túi tiền người lớn?

Ngày 30/08/2016 04:09 AM (GMT+7)

"Giáo viên nước khác cũng nhiều khi không đủ ăn. Họ cũng buồn bực và lo âu. Nhưng chiến đấu để ép trẻ đi học thêm vì túi tiền của mình, xin lỗi, tôi chẳng thấy nơi nào làm ngoài Việt Nam", Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho biết.

Quy định cấm dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra trong mấy năm qua đến nay vẫn nhận được ý kiến trái chiều. Nhiều bậc phụ huynh tán đồng việc cấm dạy thêm học thêm, tuy nhiên không ít người trong đó đa số là thầy cô giáo phản đối quy định này.

Mới đây, tại buổi khảo sát của Ban Văn hóa xã hội - HĐND TP.HCM về tình hình dạy thêm, học thêm trên địa bàn quận 3, thầy Nguyễn Văn Lợi, hiệu trưởng trường TH Thực hành sư phạm Phan Đình Phùng đã cho rằng: "Khi phụ huynh không đón con kịp mà nếu giáo viên cũng không được dạy như vậy cho các em thì các em phải làm sao, sẽ rất thiếu an toàn cho trẻ. Chúng ta nên tính đến phương án quản lý sao cho tốt chứ đừng vì quản không được mà cấm. Tại sao bác sĩ được mở phòng khám ngoài giờ, ca sĩ chạy sô kiếm tiền được mà giáo viên lại không thể sống bằng chính nghề của mình thì còn nỗi buồn nào hơn?".

Không đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ với nội dung sau:

Mấy hôm nay, thông tin bác nào đó khóc và kêu gào đòi lại quyền lợi cho giáo viên: "Bác sĩ được mở phòng mạch, sao giáo viên không được dạy thêm?". Tôi đọc mà bực mình và cảm thấy chua chát. Như vậy, cuối cùng, dạy thêm là để tăng thu nhập cho người lớn và trẻ nhỏ là công cụ để kiếm tiền của giáo viên đúng không?

Dạy thêm, học thêm: Chuyện của trẻ hay vì túi tiền người lớn? - 1

Vậy quyền lợi của trẻ ở đâu?

Học thêm là việc mà trẻ được tiến hành khi việc học chính không thể đầy đủ do 1 nguyên nhân nào đó. Ví dụ, em bé đó ốm, thời gian học trên lớp không đủ, việc học thêm nhất định phải diễn ra tại nhà mới đủ để bé theo được bài học trên lớp.

Đối tượng phục vụ của trường lớp nói chung và vấn đề dạy thêm, học thêm là trẻ nhỏ. Nhưng thời gian gần đây, tại Việt Nam, bọn trẻ chẳng còn có quyền được sử dụng những gì của chúng nữa. Tất cả được gom vào túi tiền và tham vọng của người lớn.

Này nhé, bọn trẻ đi học là 1 sự cạnh tranh vô cùng lành mạnh. Nhưng bố mẹ chả thích thứ bậc lành mạnh mà con đem về. Để xứng tầm với tham vọng của bố mẹ, các con được yêu cầu học thêm. Lúc này việc học hành của con không phải phục vụ mục tiêu thu nhận kiến thức, rèn luyện kĩ năng và trau dồi đạo đức nữa. Mọi vấn đề xoay quanh việc: Con người ta hôm nay đạt thành tích thế nào và con sẽ đạt thứ bậc nào trong lớp.

Làm chút bài tập về nhà để ôn luyện cũng đã bị bóp méo thành luyện để giỏi hơn con người ta. Tôi đã chứng kiến rất nhiều lần cảnh các cha mẹ cậy cục nhờ giáo viên giao thêm bài cho con họ vì cháu nó ngại cô chứ bố mẹ giao, nó không làm.

Vì học để lấy thành tích nên giáo dục Việt Nam hiện giờ nặng về rèn luyện kĩ năng giải bài tập các môn. Kiến thức các con học rất mỏng manh. 

Tôi lấy ví dụ nhé: Trẻ lớp 5 ở Úc đã học về số âm nhưng trẻ Việt còn đang mải chiến đấu với mấy bài tập toán khó lòi mắt từ những kiến thức số học đơn giản hơn. Chẳng hiểu bác nào bảo trẻ Việt học nặng lắm, thế giới không học nhiều thế, nhưng tôi chẳng thấy điều đó. Thay vì mở rộng tầm hiểu biết đủ loại, trẻ Việt lao đầu vào các bài tập của các môn học. Lý do đơn giản thôi, xem các con làm bài tập thì dễ đánh giá trình độ các con hơn rất nhiều là việc kiểm tra kiến thức.

Vì thế, biết bao nhiêu thế hệ trẻ Việt tối mặt luyện rèn kĩ năng làm bài tập để rồi sau này sử dụng làm gì trong cuộc sống thì chẳng mấy trẻ biết.

Quay lại vấn đề học thêm, các giáo viên đang chiến đấu cho quyền lợi của mình thân mến, chắc chắn các bạn phải đồng ý với tôi rằng: Nếu các bạn không để học thêm thành vấn nạn thì cũng chẳng ai động đến nó khiến cho Bộ Giáo dục phải ra lệnh cấm cả. Các bạn và phụ huynh chẳng thèm quan tâm đến quyền của bọn trẻ nên xã hội mới lên tiếng với các bạn.

Các bạn và các phụ huynh có muốn tớ liệt kê những quyền bọn trẻ bị tước bỏ về vụ này không? Đây nhé:

1. Quyền phát triển khả năng tự học, tự tìm kiếm kiến thức cho mình tại thư viện, sách báo và các tài liệu khác nhau.

2. Quyền được học trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh.

3. Quyền được học nâng cao môn mình thích chứ không phải môn cha mẹ hay thầy cô muốn.

4. Quyền được từ chối học thêm, gia sư khi không cần thiết.

5. Quyền được nghỉ hè đầy đủ, đúng nghĩa.

6. Quyền được chạy chơi tự do sau giờ học......

Tất cả những quyền đó rất nhiều trẻ Việt đang bị tước mất ít hoặc nhiều. Là giáo viên, là người lớn, nhưng các bạn cư xử như vậy có phải đang bắt nạt kẻ yếu hơn chỉ vì lý do kiếm ăn của chính các bạn.

Giáo viên nước khác cũng nhiều khi không đủ ăn. Họ cũng buồn bực và lo âu. Nhưng chiến đấu để ép trẻ đi học thêm vì túi tiền của mình, xin lỗi, tôi chẳng thấy nơi nào làm ngoài Việt Nam. Hãy cư xử sao để giữ cho trẻ sự kính trọng thầy cô, đừng để xã hội này loạn hơn nữa.

Tào Nga (ghi)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h