Đừng để thầy thuốc chơi vơi trong công cuộc cứu người

Ngày 22/11/2017 14:55 PM (GMT+7)

Đến nay, vụ việc 4 trẻ sơ sinh tử vong ở Bắc Ninh vẫn chưa có kết luận chuyên môn cuối cùng. Nhưng đâu đó những lời phát biểu đang đè nặng lên đôi vai người thầy thuốc, khiến họ thấy mình chơi vơi trong công cuộc cứu người.

Những ngày qua dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ 4 trẻ tử vong ở Bắc Ninh. Vì không là người trong ngành y nên tôi không rành về chuyên môn, nhưng có 2 điều trong vụ này tôi cứ băn khoăn.

Thứ nhất, khi vụ việc còn chưa điều tra, Hội đồng chuyên môn chưa kết luận gì mà Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh đã dọa khởi tố nếu có dấu hiệu vi phạm. Việc làm này của khác gì dội nước lạnh vào các thầy thuốc còn đang ngơ ngác trước vụ việc đau lòng. 

Phát ngôn này ở một vị lãnh đạo cấp tỉnh có vẻ hơi vội vàng bởi lúc này, các thầy thuốc ở bệnh viện đang phải chịu áp lực dư luận, người thân bệnh nhân rất lớn nên rất cần sự động viên tinh thần để yên tâm chữa trị cho các bệnh nhân khác. Vì thế, trong mọi chỉ đạo, Bộ Y tế đều yêu cầu phải động viên các thầy thuốc yên tâm làm nhiệm vụ, vì tinh thần họ rất quan trọng để chẩn đoán và điều trị. 

Đừng để thầy thuốc chơi vơi trong công cuộc cứu người - 1

Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh nơi xảy ra vụ việc 4 trẻ sơ sinh tử vong vào cùng một ngày

Trường hợp này, vị lãnh đạo tỉnh hoàn toàn có thể điềm tĩnh trả lời mọi người hãy yên tâm chờ đợi các cơ quan chức năng làm rõ, ai sai đến đâu sẽ bị xử lý nghiêm đến đấy. Đằng này, với phát biểu đó, các thầy thuốc dù không sai cũng nhụt hết tinh thần. 

Thứ hai, tôi băn khoăn khi lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng đây là sự cố "bất bình thường". Nói như vậy dễ dẫn đến hiểu là trách nhiệm thuộc về thầy thuốc. Tuy nhiên, với hiểu biết ít ỏi cùng với thực tế ở các bệnh viện mà tôi chứng kiếm thì vụ việc không hề bất thường. 

Theo PGS.TS. Trần Minh Điển - Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, người đã có đề tài nghiên cứu về tỉ lệ tử vong của trẻ sơ sinh, thì trẻ sinh con có hệ thống miễn dịch yếu, thường bị nhiễm khuẩn huyết. Đẻ non đã khó nuôi, mà còn bị bệnh nữa thì việc chữa trị rất nan giải. Nếu nhiễm khuẩn huyết kèm sốc nhiễm khuẩn, tỷ lệ tử vong là 40-60%, tỉ lệ này ở nhiều nước đang phát triển lên tới 80%. Chính Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đang phải khống chế tỷ lệ tử vong của các bệnh nhi sinh non từ 75% xuống dưới 50%. 

Trước đây, trẻ sinh non (thường kèm lắm bệnh), đều chuyển về tuyến Trung ương nhưng gần đây, để giảm tải, các bệnh viện Trung ương đã đào tạo, chuyển giao công nghệ và Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh đã được công nhận là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Nhi Trung ương. Vì thế, những trường hợp trước phải chuyển tuyến, nay Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh có thể điều trị. Đương nhiên, số trẻ bệnh nặng cũng nhiều hơn: 320 giường bệnh nhi, có đến 90 giường bệnh sơ sinh, 25 bệnh nhi nặng. Bệnh nặng nhiều tất yếu sẽ kéo theo tử vong nhiều. 

Ở một bệnh viện tuyến Trung ương, một lãnh đạo khoa cấp cứu cho biết có ngày ở khoa có tới hơn chục bé tử vong vì khi vào viện đều đã rất nặng.

Đừng để thầy thuốc chơi vơi trong công cuộc cứu người - 2

Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra đơn nguyên Sơ sinh tại BV Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh.

Hội đồng chuyên môn kết luận 4 bé tử vong do nhiễm khuẩn, nhưng có nhiều nguồn gây nhiễm: từ dụng cụ, từ môi trường, từ nhân viên y tế và cả từ chính người thân bệnh nhân. Thực tế tôi chứng kiến ở một phòng cấp cứu nhi, người thân đến chăm các cháu nhưng tay chân, quần áo không đảm bảo vô khuẩn. 

Với điều kiện thực tế ở các bệnh viện hiện nay, việc nhiễm khuẩn dễ xảy ra khi hầu hết các bệnh viện không được thiết kế, xây dựng đạt tiêu chuẩn về chống nhiễm khuẩn. Ngay cả việc xử lý rác thải, nước thải y tế cũng còn nhiều điều cần bàn. 

Vì thế, giải pháp căn cơ phải là thay đổi đồng bộ. Trách nhiệm của chính quyền địa phương và ngành y tế tỉnh Bắc Ninh là không thể phủ nhận trong việc chưa đầu tư tốt cho công tác chống nhiễm khuẩn ở bệnh viện này. Cùng với để tình trạng quá tải diễn ra, tạo nên áp lực lớn về công việc cho các thầy thuốc, là một trong các nguyên nhân dẫn đến tử vong trẻ.

Về chuyên môn, các chuyên gia đã kết luận nguyên nhân. Nhưng những lời của lãnh đạo chắc chắn vẫn đè nặng lên các thầy thuốc - cả người liên quan lẫn không liên quan, bởi họ cảm thấy mình chơi vơi trong công việc cứu người...

Tội nghiệp những bệnh nhi bé bỏng mỏng phận, nhưng cũng thương các thầy thuốc vì áp lực quá nhiều với họ. Bởi cá nhân các thầy thuốc chỉ là một phần rất nhỏ trong quy trình chống nhiễm khuẩn bệnh viện. 

Thanh Hằng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Vụ 4 trẻ sơ sinh tử vong ở Bắc Ninh