Gần 20 năm không há được miệng

Ngày 15/06/2013 09:58 AM (GMT+7)

Do hàm răng luôn khép chặt, không há miệng ăn uống như người bình thường nên gần 20 năm qua anh Đ.K.C chỉ có thể uống cháo loãng và thực phẩm xay nhuyễn để sống.

Được biết, năm 13 tuổi, anh Đ.K.C (30 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội) không may bị ngã khi trèo cây. Sau cú ngã đó hai hàm răng của anh bị bỗng khít dần lại và chỉ khoảng 1 năm sau thì không thể há miệng như người bình thường dù có cố gắng đến mấy. Anh C. không ăn được cơm, chỉ có thể uống cháo loãng và các thực phẩm đã xay nhuyễn. Chính vì thế, dù mới 30 tuổi nhưng sức khỏe của anh ngày một yếu dần. Mới đây, gia đình mới quyết định đưa bệnh nhân đi phẫu thuật tại BV Việt Nam - Cu Ba.

Gần 20 năm không há được miệng - 1

Các bác sỹ Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Thái, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình- Hàm mặt, BV Việt Nam - Cu Ba, bệnh nhân bị chứng khít hàm sau chấn thương, phần khớp thái dương hàm để giúp há mở miệng bị dính chặt khiến bệnh nhân không thể há miệng. Nguyên nhân do sau tai nạn ngã bệnh nhân bị gãy lồi cầu hai bên nhưng do không được xử lý ngay thời điểm đó khiến xương hàm xơ lại, bệnh nhân không há ngậm được, dẫn đến tình trạng bệnh nhân khít hàm. Sau hơn 6 tiếng kíp phẫu thuật đã tiến hành cắt toàn bộ 2 mỏm vẹt, tạo hình lại ổ khớp để bệnh nhân há, ngậm miệng, ăn nhai bình thường.

Các bác sĩ đánh giá trường hợp của anh C. là ca phẫu thuật khó, phần gây mê là khâu khó khăn nhất. BS. Trần Thị Bích Hạnh – Trưởng khoa Gây mê hồi sức của BV cho biết, do  bệnh nhân không há miệng được nên các bác sĩ phải gây mê bằng phương pháp nội soi ống mềm (qua mũi). Trước đó, bệnh nhân được dùng thuốc an thần, giảm đau, gây tê hầu họng để đặt được ống nội khí quản qua đường nội soi qua mũi. Sau khi đã đặt được chắc chắn ống trong đường thở mới tiến hành gây mê toàn thân cho bệnh nhân. Rất may, sau 1 tiếng phẫu thuật, bệnh nhân C. tỉnh và đã há miệng được 3,5 cm.

Gần 20 năm không há được miệng - 2

Sau 1 tiếng phẫu thuật, bệnh nhân C. tỉnh và đã há miệng được 3,5 cm.

Bác sĩ Thái cho biết, hàm có nhiều nguyên nhân gây cứng khớp, khít hàm khiến bệnh nhân không thể há miệng (do biến chứng răng khôn, gây viêm áp xe toàn bộ vùng hố thái dương hàm, trụ trước của amidan, cơ cắn gây khít toàn bộ hàm không há được. Điều trị nhổ răng khôn, trích áp xe). Nguyên nhân thứ 2 do chấn thương, bệnh nhân đập vùng cằm xuống. Ngoài ra các nguyên nhân bệnh lý (khối u vùng hàm mặt) có thể gây ra tình trạng như thế này. Với nguyên nhân phức tạp do ung thư, việc xử lý phức tạp hơn rất nhiều.

"Người bị chấn thương gây gãy lồi cầu cần phải đi khám sớm và điều trị ngay, nếu không sẽ bị biến chứng khít hàm như bệnh nhân C. Với trường hợp này nếu khám sớm bác sĩ chỉ cần can thiệp sớm sẽ không bị chứng khít hàm. Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết bệnh nhân có chân thương lại đi khám muộn. Ban đầu, sau chấn thương, người bệnh chỉ thấy đau vùng trước áp tai nhiều nên chủ quan không đi khám. Việc đau áp tai là do gãy lồi cầu, để lâu sẽ dẫn tới biến chứng cứng khớp, khít hàm", BS Thái nói.

 Đây là bệnh nhân thứ 2 được bệnh viện phẫu thuật trong vòng hơn 3 tháng qua sau hàng chục năm không há được miệng. Trước đó, một bệnh nhân nữ 46 tuổi ở Hà Nội bị khít hàm hơn 30 năm đã được phẫu thuật thành công và tạo hình bằng vật liệu tự thân. Cả hai bệnh nhân này đều có một đặc điểm, sau tai nạn do không được điều trị đúng dẫn đến tình trạng phải chung sống với chứng khít hàm hàng chục năm và phải ăn thực phẩm loãng để duy trì sự sống.

Bác sĩ Thái cho biết thêm, bệnh viện từng điều trị cho một ca tương tự cũng bị chứng khít hàm nhưng bằng vật liệu thay thế là titan và vàng với giá thành rất đắt, khoảng 10 tỷ đồng. Nếu thay thế hàm bằng sụn tự thân thì cũng rất nhanh tiêu, còn thay thế bằng mỏm vẹt góc trong hàm dưới thì sẽ giải quyết được các hạn chế này. Khoảng 2 tuần sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ phải luyện tập phục hồi chức năng với các động tác miệng.

Theo Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan