HN chuẩn bị 17 ngàn tấn bánh kẹo cho dịp Tết

Ngày 25/01/2013 16:57 PM (GMT+7)

85 triệu lít bia, 13 triệu chai rượu, trên 15 triệu lít sữa và hàng vạn tấn rau xanh, thịt .... cũng đã được các doanh nghiệp chuẩn bị đẩy đủ.

85 triệu lít bia

Liên Bộ Công thương - Tài chính - Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) vừa có buổi làm việc với UBND TP.Hà Nội về việc cung ứng thực phẩm cho Tết Nguyên Đán.

Dự kiến nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô sẽ tăng khoảng 20%– 25% so với các tháng bình thường trong năm.

Các doanh nghiệp đã chuẩn bị được trên 17 ngàn tấn mứt, kẹo; trên 15 triệu lít sữa các loại, 85 triệu lít bia và khoảng 13 triệu chai rượu. 28 nghìn tấn gia vị cũng đã được các doanh nghiệp chuẩn bị cho nhu cầu dịp Tết. Lượng bánh kẹo, rượu, bia, mứt cao cấp nhập khẩu chiếm khoảng 10% - 15% tổng lượng hàng nói trên.

Theo ước tính của Sở Công thương Hà Nội, tổng lượng hàng hóa dự trữ tăng thêm của hệ thống phân phối, bán lẻ trên địa bàn TP dịp trước, trong và sau Tết trị giá khoảng 6.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, ở nhóm hàng thực phẩm, các doanh nghiệp sẽ tập trung vào một số loại quan trọng là thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, rau củ. Tổng lượng cung tăng 20% - 25% so với các tháng thường trong năm.

Không thiếu rau xanh

Trước tình trạng sốt giá mặt hàng rau xanh, trứng gia cầm và một số loại thịt thời gian gần đây, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho hay, sở đã chỉ đạo các huyện, xã tăng cường phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Riêng với các loại rau, thời gian vừa qua, đã trồng hơn 12 ngàn ha, thu hoạch 560 ngàn tấn, cung cấp 60% thực phẩm cho nội thành Hà Nội. Còn lại khoảng 40% từ các tỉnh xung quanh đưa về. Trong tháng qua, rau khó phát triển do rét đậm rét hại sinh trưởng kém. Do vậy, dù lượng tiêu thụ rau không đột biến nhưng rau vẫn tăng giá nhiều, ông Đăng cho hay.

HN chuẩn bị 17 ngàn tấn bánh kẹo cho dịp Tết - 1

Tổng số tiền chuẩn bị hàng Tết là 6.000 tỷ đồng

Đại diện Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), một trong những đơn vị lớn tham gia chương trình bình ổn, ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc cho hay, đơn vị này đã  1.000 tỷ đồng hàng hóa Tết, dự trữ 30 kho hàng. Về giá cả hiện chưa có biến động.

Ngoài ra, đơn vị này đã tổ chức 57 điẻm bán hàng bình ổn giá. Ngoài địa điểm cố định, còn có 300 điểm bán hàng Tết ngoài trời, tận dụng mặt tiền siêu thị và trung tâm thương mại.

Về giá cả, ông Sơn cam kết, 18 nhóm hàng thiết yếu sẽ được đảm bảo theo đúng giá thực tế. “Chúng tôi đã hứa từ ngay đến Tết cho dù có biến động tăng giá đầu vào thì Hapro vẫn cam kết không tăng giá rau”, ông Sơn nói.

Cam kết hàng bình ổn thấp hơn thị trường 10%-15%

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính cho hay, các doanh nghiệp thực hiện bình ổn giá phải báo cáo giá với Bộ tài chính và cam kết thấp hơn giá thị trường 10%- 15%.

Theo ông Tuấn, dịp Tết này, không riêng các mặt hàng bình ổn mà một số mặt hàng khác như giá vé xe bus, trông giữ xe sẽ có biến động, nên cần chủ động để không ảnh hưởng lớn đển cuộc sống của người dân.

Chỉ đạo công tác bình ổn, cung cấp các mặt hàng Tết, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp Tết Quý Tỵ, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho hay, với một số mặt hàng thiết yếu, Hà Nội tự cung ứng được 60% nhưng chúng ta đã có nguồn hàng của các tỉnh chuyển đến nên không lo thiếu hàng. Về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa, các cơ quan chức năng cần làm quyết liệt hàng, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng, Thứ trưởng nói.

Thu Hoài
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan