Hoang mang thông tin ĐH Luật TP.HCM bắt đóng 900.000 đồng để dự lễ tốt nghiệp

Ngày 14/09/2016 15:20 PM (GMT+7)

Về việc tổ chức trao bằng cử nhân hệ chính quy Khóa 36 và 37, năm 2016, trường đại học Luật TP.HCM cho biết, muốn tham dự lễ tốt nghiệp mỗi sinh viên sẽ phải đóng 900.000 đồng, đối với người thân thì thêm 100.000đồng/người

Thông báo "lạ"

Ngày 13/9, trường đại học Luật TP.HCM gây xôn xao dư luận khi đăng tải thông báo về việc tổ chức trao bằng cử nhân hệ chính quy Khóa 36 và 37, năm 2016.

Theo nội dung thông báo, đối với sinh viên Khóa 37 và Khóa 36 (ngành Quản trị - Luật), tùy theo nguyện vọng của sinh viên, Nhà trường sẽ trao bằng tốt nghiệp theo một trong hai hoặc cả hai hình thức là trao bằng tại trường và tổ chức buổi lễ "hoành tráng" riêng.

Hoang mang thông tin ĐH Luật TP.HCM bắt đóng 900.000 đồng để dự lễ tốt nghiệp - 1

Cụ thể, việc trao bằng tại trường thì sinh viên trực tiếp đến ký và nhận bằng tại Phòng Đào tạo kể từ ngày 21/9. Khi đến nhận bằng, mỗi sinh viên cũng sẽ nhận lại 50.000 đồng/sinh viên (số tiền dự định làm kinh phí tổ chức lễ tốt nghiệp trích từ số tiền 220.000 đồng mà sinh viên đã đóng cho Phòng Đào tạo).

Còn phương án 2 là : "Lễ tốt nghiệp và trao bằng được tổ chức đảm bảo tính trang trọng, hoành tráng, chuyên nghiệp, xứng tầm với thương hiệu và vị thế của các tân cử nhân - sản phẩm đào tạo và là niềm tự hào của Nhà trường. Thời gian và địa điểm tổ chức 7h, ngày 29/9 tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng. 

Điều đáng nói mỗi một sinh viên tham gia sẽ phải đóng 900.000 đồng/người, đối với người thân thì đóng thêm 100.000 đồng/người. Được biết, số tiền này để chi trả cho việc mua bộ lễ phục cử nhân, thuê mặt bằng tổ chức lễ, chi phí công tác tổ chức, thực hiện buổi lễ và 1 tấm ảnh cá nhân khi lên sân khấu nhận bằng.

Sau khi nhận được thông báo từ nhà trường, rất đông sinh viên cho biết sẽ không tham dự lễ tốt nghiệp. Một sinh viên giấu tên khóa 37 chia sẻ: "Đa số các bạn lớp em cho biết sẽ không tham dự lễ tốt nghiệp. Ai cũng muốn được hoành tráng, lung linh nhưng đây là số tiền lớn không phải ai cũng theo được".

Lễ tốt nghiệp hay show diễn giá cao?

Chia sẻ về thông tin phải đóng tiền để tham dự lễ tốt nghiệp, thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh bày tỏ bức xúc: "Một môi trường giáo dục kỳ quái đang xuất hiện ở đây. Chỉ là một buổi lễ tốt nghiệp, trao bằng đánh dấu sự trưởng thành vào đời của các em sinh viên thôi mà các em cũng đã bị xem rẻ, bị đối xử khinh biệt chỉ vì các em nghèo.

Nếu thông tin này là thật, thì đã có một sự kỳ thị rất rõ giữa sinh viên có tiền và không có tiền trong một buổi lễ đánh dấu kết thúc cuộc đời sinh viên.

Sinh viên nghèo đóng 170.000 đồng (220.000 - 50.000 đồng), nhận bằng ngay tại phòng Đào tạo và thế là hết, không có trao bằng, không có những nghi thức thông thường của một lễ tốt nghiệp đánh dấu một bước trưởng thành của đời sinh viên.

Còn sinh viên khá giả đóng 900.000 đồng để được tham dự một lễ tốt nghiệp "trang trọng, hoành tráng, chuyên nghiệp". Có nghĩa là mặc định, vị thế của sinh viên 900.000 đồng trang trọng hoành tráng ... hơn hẳn sinh viên 170.000 đồng (dù có thể ít tiền học rất giỏi, còn nhiều tiền cố lắm mới đậu được cái tốt nghiệp).

Điều kỳ lạ hơn nữa, lễ tốt nghiệp được tổ chức theo kiểu bán từng ghế ngồi cho người thân sinh viên tham dự (mỗi ghế 100.000 đồng) chứ không phải là thuê bao trọn gói hội trường và mỗi sinh viên được mời bố mẹ tham dự miễn phí. (Kiểu này giống như bầu sô ca nhạc bao trọn gói show diễn)".

Hoang mang thông tin ĐH Luật TP.HCM bắt đóng 900.000 đồng để dự lễ tốt nghiệp - 2

Trường đại học Luật TP.HCM (Ảnh Facebook trường)

Sau khi nhận được phản ánh của phụ huynh, sinh viên về thông báo trên, phía trường đại học Luật TP.HCM giải thích: "Nhà trường nhận thấy qua thực tiễn những năm gần đây, do điều kiện về cơ sở vật chất nên công tác tổ chức lễ bế giảng, tốt nghiệp dành cho các khóa chính quy với số lượng hơn 1.000 tân cử nhân luôn ở trong tình trạng quá tải, mất đi tính trang trọng và thoải mái, cũng như những dấu ấn kỷ niệm dành cho các sinh viên.

Trên cơ sở đó, với mục tiêu “Lễ tốt nghiệp và trao bằng được tổ chức đảm bảo tính trang trọng, hoành tráng, chuyên nghiệp, xứng tầm với thương hiệu và vị thế của các tân cử nhân - sản phẩm đào tạo và là niềm tự hào của Nhà trường”, các đơn vị chức năng của Trường đã khảo sát và xây dựng phương án tổ chức một cách quy mô, chuyên nghiệp tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng.

Bản chất của Thông báo ngày 13/9 là việc triển khai thăm dò ý kiến của sinh viên, tại thông báo Nhà trường đã nhấn mạnh “Tùy vào số lượng sinh viên đăng ký, Nhà trường sẽ quyết định cách thức và quy mô tổ chức lễ một cách phù hợp” như vậy thông qua số lượng sinh viên đăng ký Nhà trường sẽ quyết định phương án cụ thể.

Theo đại diện lãnh đạo Phòng Công tác Chính trị sinh viên từ ngày 13/9 đến hết ngày 16/9, Nhà trường sẽ có tổng kết sơ bộ số lượng sinh viên đăng ký để quyết định 1 trong 2 phương án tổ chức là Lễ bế giảng vào ngày 29/9 tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng hoặc tổ chức Lễ bế giảng vào ngày 30/9 tại cơ sở Quận 4 với hình thức như mọi năm.

Trong thời gian tổ chức đăng ký, Nhà trường vẫn tiếp tục lắng nghe các tâm tư, nguyện vọng, cũng như các đề xuất của sinh viên thông qua các đơn vị chức năng, các tổ chức đoàn thể của Nhà trường".

Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự