Học sinh không được đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình

Ngày 10/09/2015 09:01 AM (GMT+7)

Theo Vụ phó Vụ Bảo hiểm Y tế, học sinh – sinh viên là nhóm đối tượng riêng, không phải là nhóm đối tượng tham gia theo hộ gia đình, nên sẽ không tham gia đóng bảo hiểm theo hộ gia đình.

Học sinh là nhóm đối tượng đóng BHYT riêng

Vấn đề đóng bảo hiểm y tế (BHYT) đối với học sinh, sinh viên trong những ngày qua đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, đặc biệt là vấn đề mức tiền đóng BHYT quá cao ngay trong đầu năm học sẽ là gánh nặng đối với nhiều gia đình.

Nhằm giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế). Nói về việc thực hiện tăng mức đóng BHYT từ 3% lên 4,5% đối với học sinh, sinh viên, ông Khảm khẳng định: “Điều này là thực hiện đúng theo qui định của Luật đã được ban hành. Mà đã là luật thì chúng ta phải tuân thủ”.

Tuy nhiên, với mức đó (hơn 500.000 đồng/1 học sinh, sinh viên) là “quá sức” đối với nhiều phụ huynh, nên không ít gia đình đã đưa ra giải pháp: mua BHYT theo hộ gia đình để được giảm trừ số tiền đóng. Về vấn đề này, ông Khảm cho biết: “Học sinh, sinh viên là một nhóm đối tượng riêng, không phải là nhóm đối tượng tham gia theo hộ gia đình, nên sẽ không tham gia đóng bảo hiểm theo hộ gia đình”.

Học sinh không được đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình - 1

TS Lê Văn Khảm: "Học sinh là đối tượng riêng nên không được tham gia theo nhóm BHYT hộ gia đình".

“Vì sao lại quy định như thế, điều đầu tiên là học sinh, sinh viên khi tham gia BHYT có một quyền lợi rất thiết thực và cần thiết là được tham gia chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các nhà trường. Quỹ để giành chăm sóc sức khỏe tại nhà trường được trích từ quỹ đóng BHYT. Các em tham gia cùng với nhà trường, cùng với các bạn chính là để cùng hưởng chung quyền lợi và cùng có trách nhiệm với nhau.

Thứ hai, khi tham gia theo đối tượng học sinh, sinh viên thì sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30%, nghĩa là tùy từng hoàn cảnh cụ thể, tùy từng địa phương, từng trường hợp cho nên có thể có những nơi mà học sinh, sinh viên được hỗ trợ nhiều hơn 30%.

Nếu chúng ta chỉ nhìn theo phương diện một cách tính toán thì thấy nó hơn, nhưng nhìn tổng thể thì đầu tiên phải theo Luật, thứ hai là quyền lợi chăm sóc sức khỏe ban đầu ở các nhà trường, thứ ba là cơ hội nhận được hỗ trợ thêm từ ngân sách. Như vậy, học sinh – sinh viên đã là một đối tượng trong Luật, không thể tham gia theo hộ gia đình như nhiều người mong muốn”, ông Khảm nói.

Khi kê khai danh sách thành viên trong hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế, thì luật quy định phải kê khai đầy đủ các thành viên trong hộ gia đình, kể cả là đối tượng học sinh, sinh viên.

Việc kê khai này để tránh trùng lặp thẻ BHYT và để biết được mức đóng, số người được giảm trừ trong hộ gia đình. Đồng thời, việc kê khai này cũng để biết rõ những thành viên đó đã tham gia theo những nhóm đối tượng nào, ví dụ như công nhân, học sinh - sinh viên, người già…vì mỗi nhóm này lại có những quy định đóng BHYT riêng.

“Nếu xét một cách tổng thể, hiện nay quy mô gia đình có 5, 6 người trở lên rất ít, mà khi tham gia hộ gia đình là đã tách những người tham gia ở nhóm khác như: học sinh, sinh viên, công nhân, viên chức, người già. Nên đa số các gia đình chỉ còn 2 người. Bởi vậy, mức đóng BHYT cũng bằng mức đóng của học sinh, sinh viên ở nhà trường. Chính vì thế, nó sẽ không có lợi nhiều lắm”, ông Khảm phân tích.

Học sinh không được đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình - 2

Học sinh sẽ được khám bảo hiểm y tế ngay từ trong trường học.

Đóng BHYT là trách nhiệm của phụ huynh, gia đình

Một vấn đề nữa cũng được nhiều người đặt câu hỏi đó là: học sinh – sinh viên vẫn là đối tượng ăn theo, ít bị đau ốm. Nên mức đóng như vậy là quá cao? Theo ông Khảm, điều này người dân vẫn chưa hiểu đúng và đầy đủ.

Xét trên tổng thể thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao, yêu cầu về mặt chất lượng ngày càng lớn, thành ra phải có chi phí bù đắp vào thay đổi này. Nên chúng ta phải điều chỉnh mức đóng, điều chỉnh này nó cũng thể hiện tất cả các đối tượng đều đóng 4,5% mức lương cơ sở, điều này cho thất sự công bằng giữa các đối tượng.

“Tôi không nghĩ trẻ em có nhu cầu chăm sóc sức khỏe ít hơn người khác, cái chính là chúng ta có nhận thức được nhu cầu của trẻ em đấy để có những can thiệp và phương thức chăm sóc phù hợp. Ở lứa tuổi này có nhiều việc phải làm, trong đó có theo dõi và chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường, hay phát hiện sớm các vấn đề về bệnh tật…

Ngoài ra, học sinh cũng có nhiều thay đổi về tâm lý, rất cần thiết phải chăm sóc sức khỏe về y tế. Còn việc, các em là nhóm đối tượng phụ thuộc, thì việc tham gia BHYT là trách nhiệm của các bậc phụ huynh, gia đình”, ông Khảm trả lời.

Trả lời câu hỏi cuối cùng của phóng viên về việc, tăng mức đóng bảo hiểm y tế có làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống gia đình, gây khó khăn về kinh tế? Ông Khảm cho biết, nhiều học sinh-sinh viên thuộc đối tượng ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% như: hộ nghèo, dân tộc thiểu số, sinh sống vùng đặc biệt khó khăn, sinh sống ở xã đảo, thân nhân của sĩ quan, quân đội, công an.

Còn lại các gia đình không thuộc ngân sách nhà nước hỗ trợ, có mức thu nhập trung bình trở lên, thì đều có khả năng đóng góp cho các em khi tham gia BHYT. Đồng thời ngân sách nhà nước cũng hỗ trợ cho các em 30%, nên tác động về mức điều chỉnh này không lớn.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự