Khang shipper - Người vận chuyển không tay

Ngày 15/10/2016 17:18 PM (GMT+7)

Mất đi đôi bàn tay sau một vụ tai nạn điện giật, thế nhưng nghị lực sống và sự chịu khó của chàng trai shipper không tay Lý Láo Lở khiến nhiều người phải thán phục.

Thời gian gần đây, trên đường phố Hà Nội nhiều người khá ngạc nhiên khi chứng kiến hình ảnh một chàng trai với vóc dáng nhỏ nhắn, gầy gò không còn đôi tay điều khiển xe máy chạy khắp các ngõ ngách của thành phố để thực hiện công việc giao hàng. Chàng trai đó tên là Lý Láo Lở (hay còn biết đến với cái tên Anh Khang, sinh năm 1987, người dân tộc Dao ở huyện Bát Xát, Lào Cai).

Khang shipper - Người vận chuyển không tay - 1

Hình ảnh chàng shipper không tay Lý Láo Lở trên đường phố Hà Nội khiến nhiều người cảm động và thán phục.

Tuổi thơ không bình yên

Khang sinh ra trong một gia đình nghèo khó, vất vả ở xã miền núi A Mú Sung (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Mẹ mất sớm, nhà lại nghèo nên tuổi thơ của Khang gắn liền với những công việc làm thêm phụ giúp gia đình và hàng chục cây số đường rừng để tới trường, tới lớp học chữ.

Năm lên lớp 8, trong một lần đi lao động tại trường, Khang không may bị nguồn điện cao thế gần đó phóng trúng. Số phận nghiệt ngã đã cướp đi của Khang đôi bàn tay Để đảm bảo tính mạng cho Khang, các bác sĩ đã cưa cả hai tay đến sát khuỷu.

Tỉnh dậy trong bệnh viện với đôi bàn tay băng bó trắng xóa, cụt ngủn tới khuỷu cùng những cơn đau nhức tột cùng đã đánh gục tinh thần của cậu bé Lý Láo Lở. “Mình đã khóc rất nhiều, khóc cạn nước mắt vì thấy thương cho bản thân, khóc vì không biết rồi tới đây tương lai sẽ ra sao khi không còn đôi bàn tay, mọi sinh hoạt sẽ vô cùng khó khăn rồi cả việc học tập, vui chơi cùng bạn bè trang lứa”, Khang nhớ lại.

Nỗi đau thể xác cùng mặc cảm về tinh thần khiến Khang bỏ học mất 3 năm. Để có thể trở lại học tập cùng bạn bè, Khang phải tập luyện rất nhiều, tập cách cầm bút viết bằng 2 khuỷu tay, ôn tập kiến thức để có thể theo kịp bạn bè. Nhờ chăm chỉ và nỗ lực, cùng sự thông minh nhanh nhạy, Khang đã đỗ vào khoa Khoa học quản lý của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn.

Khang shipper - Người vận chuyển không tay - 2

Tai nạn cướp đi đôi bàn tay của Khang nhưng nhờ dày công tập luyện mà anh vẫn có thể cầm nắm, viết, sử dụng điện thoại, máy vi tính như bao người bình thường.

Đến với nghề shipper như một cái duyên

Ra trường với tấm bằng cử nhân loại Khá, thế nhưng để kiếm được một công việc đúng với ngành học của mình lại không hề dễ dàng. Khang mang hồ sơ đi xin việc ở nhiều nơi nhưng cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Để trang trải cho cuộc sống, Khang quyết định trở thành nhân viên chở hàng thuê (hay còn gọi là shipper).

Nói là làm, Khang mua lại một chiếc xe máy cũ với giá 2 triệu đồng tiền dành dụm và nhờ chế lại để chiếc xe có thể phù hợp với đôi tay khiếm khuyết của mình. “Những ngày đầu chưa quen đi lại cũng khó khăn nhiều lắm, nhiều người còn gàn vì lo sợ mình không làm được hay chạy xe dễ gây nguy hiểm nhưng mình đã quyết tâm là sẽ cố gằng làm bằng được. Dần dần rồi cũng quen, giờ mình có thể chạy hàng chục, thậm chí có ngày chạy tới cả trăm cây số để đi giao hàng. Nghề shipper đến với mình như một cái duyên vậy”, Khang tươi cười chia sẻ.

Khang shipper - Người vận chuyển không tay - 3

Ban ngày Khang làm công việc của một nhân viên marketing online ở một cửa hàng bán hoa quả sạch. “Dù lương không cao nhưng công việc marketing online có thể là một hướng mới để mình phát triển bản thân.” Khang chia sẻ.

“Công việc của shipper không chỉ đơn giản là nhận và giao hàng mà còn phải đối phó với nhiều rủi ro như khách quỵt tiền, bỏ hàng cấm vào túi hay có lần đi đưa hàng sang tận cầu Đuống mà không gặp khách lại phải mang hàng về... bù lại công việc này giúp mình được gặp gỡ nhiều người, hiểu thêm được cách thức kinh doanh buôn bán và góp phần trang trải cho cuộc sống nữa”, Khang tâm sự.

Không chỉ làm shipper, Khang hiện còn đang là nhân viên marketing online của một cửa hàng buôn bán hoa quả sạch trên đường Nguyễn Chí Thanh. Ban ngày Khang làm những công việc ở văn phòng, lúc rảnh rỗi anh hỗ trợ đồng nghiệp sắp xếp, bày bán hoa quả. Khang cho biết: “Dù lương không cao nhưng công việc marketing online có thể là một hướng mới để mình phát triển bản thân.”

Theo Việt Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự