Khổ với bằng B tiếng Anh

Ngày 09/10/2014 08:46 AM (GMT+7)

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng thi tuyển công chức nếu cứ theo lối mòn, cứng nhắc thì không thể nào thu hút được người giỏi về làm việc.

Vừa qua, một số bạn đọc phản ánh thi tuyển công chức vào Sở Nội vụ TP HCM dù có bằng TOEIC và TOEFL nhưng vẫn không được chấp nhận mà sở này yêu cầu phải có bằng B tiếng Anh theo chứng chỉ quốc gia. Bạn đọc cho rằng điều này phi lý vì trình độ những bằng trên có thể thay thế, thậm chí tốt hơn những bằng mà sở này yêu cầu.

Khổ với bằng B tiếng Anh - 1

Hàng trăm thí sinh xếp hàng nộp hồ sơ thi công chức tại Cục Thuế Hà Nội vừa qua Ảnh: ĐỖ DU

Nản lòng người giỏi

Liên quan đến vấn đề trên, lãnh đạo UBND TP HCM đã có văn bản yêu cầu Sở Nội vụ TP giải trình các căn cứ và quy định về việc không chấp nhận những hồ sơ thi công chức có chứng chỉ ngoại ngữ đạt trình độ TOEIC và TOEFL. Lãnh đạo Sở Nội vụ TP giải thích các chứng chỉ ngoại ngữ nói trên là chứng chỉ của nước ngoài. Còn theo quy định của pháp luật Việt Nam thì chứng chỉ quốc gia (về ngoại ngữ) là các chứng chỉ A, B, C. Trong khi đó, hiện chưa có quy định nào về xác định các mức trình độ tương đương của 2 hệ thống chứng chỉ ngoại ngữ vừa nêu.

TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Quan hệ chiến lược Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng việc từ chối bằng IELTS của người dự tuyển không phải lỗi ở Sở Nội vụ TP HCM, bởi lẽ, họ làm đúng theo quy định. Xét rộng hơn đây là lỗi của nhiều bộ, ngành liên quan bởi hiện nay không có quy định bằng cấp nào của quốc tế thì có trình độ tương đương bằng B trong nước. Chính sự chưa thống nhất giữa các bên liên quan với nhau khiến người thi tuyển thiệt thòi. Xét về lý, chẳng có ai đứng ra chịu trách nhiệm nếu không làm đúng quy trình nên họ từ chối là đúng.

Tuy nhiên, theo TS Dũng, xét về tình, đó là vấn đề sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo. “Chúng ta đang kêu gọi xã hội hóa giáo dục, tức là chấp nhận nhiều hình thức bằng cấp khác nhau, miễn là đáp ứng một trình độ năng lực theo quy định. Cũng giống như việc bày ra nhiều món ăn với hàm lượng dinh dưỡng như nhau, việc lựa chọn món ăn nào là quyền của người dùng nhưng không giới thiệu từng món ăn như thế nào thì ai dám đụng đũa? Chừng nào pháp lý chưa tương đương giữa các bằng cấp trong nước và quốc tế thì những trường hợp như trên còn xảy ra” - TS Dũng cho biết.

Tránh tuyển công chức theo lối mòn

Bà Nguyễn Thị Dung, giảng viên Trường CĐ Công Thương TP HCM, nhận định việc từ chối bằng IELTS là một quy định vô lý bởi bằng cấp này đã được quốc tế chấp nhận, cớ gì lại không được chấp nhận ở TP HCM? Quy định này sẽ khó thu hút người giỏi vào làm việc, nhất là trong xu thế hội nhập quốc tế.

Một chuyên gia giáo dục cho rằng việc từ chối người không có bằng B tiếng Anh dù có bằng IELTS quốc tế là một suy nghĩ theo lối mòn. “Cứ theo quy định, quy chế cũ mà làm thì không thể đổi mới căn bản toàn diện được. Chính vì thế, những người thực hiện, thực thi chính sách phải cập nhật tình hình thực tế - xã hội để điều chỉnh chính sách quy định cho phù hợp với sự tiến bộ của xã hội. Việc bo bo giữ những quy định cũ rích này thể hiện sự quan liêu, lạc hậu. Để tránh thiệt thòi cho người lao động, các bộ, ngành cần có đối chiếu, đối sánh, phối hợp trong soạn thảo quy định, chính sách tránh tình trạng nơi cho phép, nơi cấm đoán. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xem xét việc miễn thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia cho các thí sinh có một số chứng chỉ ngoại ngữ có giá trị và được công nhận” - chuyên gia này cho biết.

Ở một góc độ khác, TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng quy trình tuyển công chức hiện nay không sai, miễn là công đoạn nào cũng phải có tính minh bạch. Không phải vì việc này mà lo sợ không tuyển được người giỏi mà người giỏi cũng cần cái tâm tốt để làm việc. “Nếu nói tôi giỏi, tôi không cần đi theo quy trình là không ổn. Xã hội hóa buộc phải chấp nhận một sự lộn xộn nhất định, họ đưa ra những quy định nói chung và quy định thi tuyển công chức nói riêng là đúng. Lỗi là không có quy định đánh giá tương đương bằng cấp nên mạnh ai nấy làm. Vì thế, vấn đề hiện nay là làm thế nào để giảm phiền toái cho người học.

Bằng B không đáng tin?

Một giáo viên tiếng Anh tại TP HCM cho rằng qua quá trình coi thi và chấm thi, đã nhận thấy chất lượng bằng B tiếng Anh hiện nay không còn được như xưa. “Ngày trước, chỉ một vài trường được quyền cấp bằng B quốc gia, nay trường nào cũng được đào tạo và cấp bằng. Quy trình thi cử cũng dễ dãi hơn. Tôi từng khảo sát những sinh viên hệ tại chức, rõ ràng có bằng B tiếng Anh nhưng chất lượng thì rất kém” - giáo viên này cho biết.

Theo Đặng Trinh (Người Lao Động)
Nguồn:

Tin liên quan