Liệt toàn thân, suy thận vì rắn cắn

Ngày 02/04/2013 17:11 PM (GMT+7)

Chỉ một tiếng sau khi bị một con rắn cạp nia cắn, người đàn ông 31 tuổi rơi vào trạng thái liệt chi, cơ mặt và cứng đơ toàn thân.

 1 tuần tiếp nhận 2 bệnh nhân nguy kịch vì rắn cắn

Bệnh nhân là anh T.L.T, 31 tuổi ở Hà Nam. Được biết, trong ngày 31.3, anh T đi bắt ếch, bỗng thấy đau nhói ở bàn chân phải. Giật mình cúi xuống, anh T hốt hoảng khi nhìn thấy một con rắn cạp nia ngay cạnh chân mình.

Anh T trở về nhà và ngay lập tức rửa vết thương ở chân. Tuy nhiên, chỉ một tiếng sau anh bị liệt các chi, cơ mặt và cứng đơ toàn thân.

Ngay trong ngày 31.3, gia đình đã đưa anh T lên Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, Hà Nội cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ đã truyền huyết thanh kháng nọc rắn và điều trị tích cực cho bệnh nhân. Đến hôm nay ngày 4.2, sau 3 ngày điều trị anh T mới chỉ cử động được một số ngón chân.

Được biết, trước đó vào ngày 28.3, Trung tâm Chống độc, BV Bạch mai cũng đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nam, 40 tuổi ở Thái Nguyên bị rắn hổ mang chúa cắn. Bệnh nhân này bị rắn cắn vào tay trái trong lúc đi phát cỏ. Bệnh nhân được đưa đến cấp cứu tại Trung tâm Chống độc trong tình trạng khó thở, phải thở máy. Sau khi thăm khám, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân đã có tổn thương cơ, liệt và đặc biệt là suy thận. Đến hôm nay bệnh nhân đã tỉnh nhưng vẫn đang phải điều trị suy thận tại Trung tâm.

Các bác sĩ cho biết, rắn cạp nia và hổ chúa đều là những loài rắn độc. Khi chất độc xâm nhập cơ thể chỉ một thời gian ngắn sẽ gây liệt toàn thân, khó thở, loạn nhịp tim, tổn thương các cơ, tổn thương vùng vết cắn lan rộng, suy thận.
 
Trong hầu hết các trường hợp, nọc độc xâm nhập vào cơ thể theo con đường mạch bạch huyết (không phải mạch máu thông thường). Con đường vận chuyển nọc độc này sẽ trở nên nhanh hơn và nhiều hơn khi cơ thể vận động.
 
Rắn hổ mang chúa gây liệt rất nhanh nhưng hồi phục sớm sau một vài ngày. Rắn cạp nia, cạp nong cắn gây ra liệt cơ toàn thân, ban đầu thường rõ nhất là liệt hầu họng, các cơ mắt biểu hiện bằng đau họng, khó nuốt, khó há miệng, giãn đồng tử, nặng dần dẫn tới liệt chi, liệt cơ hô hấp khiến bệnh nhân không thở được.

Liệt toàn thân, suy thận vì rắn cắn - 1

Bệnh nhân T đang điều trị tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai

Có thể tử vong nếu không điều trị sớm

BS Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết: “Nhiều trường hợp bị rắn cắn nhưng lại không được đưa đến viện mà người thân để ở nhà chữa trị theo các phương pháp dân gian truyền miệng. Điều này rất nguy hiểm, thậm chí là phải trả giá bằng tính mạng”.

Theo đó, BS Nguyên nhấn mạnh, khi bị rắn cắn tuyệt đối không được áp dụng các biện pháp sau:
Garô: tức là phương pháp làm tắc nghẽn hoàn toàn động mạch (mạch máu vận chuyển máu từ tim đi nuôi dưỡng các bộ phận của cơ thể), gây đau, rất nguy hiểm và không thể duy trì lâu (không quá 40 phút), chân tay rất dễ bị thiếu máu nguy hiểm. Nhiều trường hợp sau đó phải cắt cụt chân tay vì garô.

Trích, rạch, trâm, chọc tại vùng vết cắn: các nghiên cứu khoa học trên thế giới cho thấy các biện pháp này không có lợi ích, rõ ràng gây hại thêm cho bệnh nhân (tổn thương thêm mạch máu, dây thần kinh,...nhiễm trùng nặng thêm).

 Hút nọc độc: các nhà sản xuất thiết bị hút đặc biệt ủng hộ việc dùng các sản phẩm của họ nhưng không đáng tin cậy. Các thiết bị hút này không có hiệu quả và thậm chí còn làm vết thương nặng thêm.

Gây điện giật: chưa bao giờ được chứng minh có lợi ích. Có thể gây hại thêm cho bệnh nhân. Gây điện giật trong sơ cứu rắn cắn mặc dù được các nhà sản xuất thiết bị này ủng hộ nhưng sự thật cũng không đem lại lợi ích.

Sử dụng các loại thuốc dân gian: dùng các bài thuốc nam theo dân gian đắp tại vết cắn dễ gây nhiễm trùng, khi uống có thể gây hại cho nạn nhân. Nhiều thuốc y học dân tộc dùng dạng uống có thể khiến bệnh nhân bị co giật (vì có chứa mã tiền) hoặc gây đau bụng, nôn, ỉa chảy rất nặng (sau đó là mất nước, mất muối, bị sốc) hoặc tắc ruột vì táo bón,...

Do đó, bác sĩ Nguyên khuyến cáo, với người bị rắn cắn tốt nhất là nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Với bệnh nhân bị liệt do rắn cắn, nếu điều trị kịp thời có thể khỏi sau 1-2 tuần. Ngược lại, nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ tử vong nhanh chóng vì suy hô hấp do liệt cơ. Đặc biệt, với những nam giới bị cạp nia cắn mà lại uống vài chén rượu để giải độc thì nọc độc ngấm vào máu nhanh hơn khiến họ sớm bị đau cứng họng, tê lưỡi dần dần đồng tử mắt dãn và tử vong nhanh hơn.

Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan