Mong Bộ trưởng Bộ GD&ĐT không “dung túng” nền giáo dục áp đặt

Ngày 11/05/2016 15:23 PM (GMT+7)

Xã hội luôn phàn nàn về sinh viên hiện chỉ biết học vẹt, kém sáng tạo, phải đào tạo lại... Nhưng mấy ai hiểu, các em chỉ là sản phẩm của một nền giáo dục áp đặt, khuôn phép, khi mà cả gia đình và xã hội đều chỉ mong muốn sinh viên “ngoan”.

Nếu không thay đổi cách đánh giá trong nhà trường, khuyến khích các sinh viên được chủ động, sáng tạo, có tinh thần tự tôn thì chúng ta mãi mãi sẽ chỉ có những thế hệ người trẻ chỉ biết khôn vặt, ngại khó, lặp lại người khác, sợ nói lên tiếng nói của mình".

Đây là kỳ vọng của PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh,Viện phó Viện Kinh tế và Thương mại Quốc tế, Đại học Ngoại thương Hà Nội vào tân Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Mong Bộ trưởng Bộ GDamp;ĐT không “dung túng” nền giáo dục áp đặt - 1

PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh mong Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Phùng Xuân Nhạ thay đổi cách đánh giá sinh viên

Tiêu quá nhiều tiền cho những thứ không liên quan đến chất lượng đào tạo

Báo chí cho thấy thời gian gần đây, chi tiêu cho giáo dục tăng lên rất nhiều, bằng cả nguồn đầu tư trong nước và ODA của nước ngoài nhưng chất lượng đầu ra lại không tăng lên, nếu không muốn nói là đi xuống. 

Giáo dục là ngành cung cấp dịch vụ về con người, các ngành khác có thể có sản phẩm vật chất, thậm chí y tế bạn cũng có thể nhìn thấy ngay người ấy ốm hay khỏe nhưng đối với giáo dục thì không thể nhìn thấy chất lượng dịch vụ ngay lập tức được.

“Những con số như một năm có bao nhiêu sinh viên thủ khoa, bao nhiêu sinh viên bằng giỏi, số lượng TS, PGS, GS tăng lên liên tục cũng không nói lên điều gì. Thành tích của Bộ GD & ĐT trong các báo cáo luôn rất hấp dẫn nhưng hiếm có ngành nào bị xã hội phản ứng nhiều như ngành giáo dục. 

Nhìn lại 15 – 20 năm trước, thậm chí 30 -40 năm trước, khi thành tích ít ấn tượng hơn nhưng người dân lại hài lòng với giáo dục hơn – PSG. TS Nguyễn Hoàng Ánh nhấn mạnh.

Điều mà PGS Hoàng Ánh kỳ vọng tân bộ trưởng Bộ GD & ĐT là cần phải thay đổi cách đánh giá. Bởi theo PGS Ánh thì chuyện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất to đẹp, cải cách sách giáo khoa hay mua sắm những thiết bị vật chất của nhà trường không phải là vấn đề quan trọng hay là tiêu chí đúng đắn để đánh giá chất lượng giảng dạy của một trường học.

Trong bất kỳ tiêu chuẩn đánh giá các trường ĐH nào trên thế giới, cơ sở vật chất chỉ là 1 tiêu chí, mà những tiêu chí quan trọng hơn nhiều là chất lượng đội ngũ giáo viên, chất lượng thư viện, tỷ lệ sinh viên trao đổi với các trường nước ngoài… là những tiêu chí Việt Nam ít quan tâm.

“Thời gian vừa qua Bộ tiêu quá nhiều tiền cho những thứ không thực tế liên quan đến chất lượng đào tạo. Một đồng nghiệp làm dự án giáo dục đã kể cho tôi rằng trong bất kỳ một đề án mới của Bộ GD & ĐT thì danh mục mua sắm trang thiết bị bao giờ cũng được thực hiện tiêu đầu tiên, nhanh nhất. 

Thậm chí có trường ĐH trong 1 năm có tới 4 dự án thì dự án nào cũng có mua máy tính. Kết quả là mỗi giáo viên có 1 máy tính để ở nhà, một máy tính ở trường và một máy tính cõng trên lưng. Những điều này không bao giờ tăng cường chất lượng giáo dục…” – PGS Hoàng Ánh nói.

Đào tạo ra thế hệ sinh viên biết nói lên tiếng nói của mình

Điều mà PGS Hoàng Ánh kỳ vọng nhất ở Bộ trưởng là việc nhanh chóng thay đổi cách đánh giá tiêu chí về sinh viên và giáo viên. Theo đó, các cơ sở giáo dục phải tuân theo triết lý giáo dục của UNESCO. 

Giáo dục phải được tổ chức xoay quanh bốn mục đích cơ bản mà trong một cuộc đời mỗi con người. Theo đó, chúng sẽ là những trụ cột của kiến thức: Học để biết là nắm những công cụ để hiểu. Học để làm là phải có những khả năng hoạt động sáng tạo tác động vào môi trường sống của mình. Học để làm người là để phát triển mọi khả năng của bản thân, nhận biết bản thân mình tốt nhất. Học để cùng chung sống là tham gia và hợp tác với những người khác trong mọi hoạt động của con người. 

PGS Hoàng Ánh cũng cho biết nếu chúng ta thay đổi triết lý giáo dục thì sẽ thay đổi cách dạy. Ở các trường quốc tế, từ nhỏ học sinh có thói quen được học và trao đổi. “Sinh viên của tôi, sắp tốt nghiệp đại học Ngoại thương mà cô giáo hỏi không nói được câu nào. Tôi bực quá phải nói với các em rằng: “Tôi không ăn thịt, tôi cũng không cầm dao thì làm sao các em phải sợ”? Mãi sau các em mới run rẩy nói rằng từ nhỏ đến giờ em đâu có bao giờ được bàn bạc với thầy cô?” – PGS Hoàng Ánh kể lại.

PGS Hoáng Ánh cho biết thêm, khi chia sẻ chuyện này với các sinh viên khác thì các em lại thở dài bảo: “Cô ơi, nhưng đấy là với cô thôi chứ nhiều thầy cô khác thích bắt bẻ lắm. Bọn em thầy mời đến 1 sự kiện của sinh viên mà khi giới thiệu chỉ sót một chức danh của thầy là thầy cũng giận, làm ầm lên. Trong lớp hơi một tí là bị quy chụp là láo với thầy cô nên chúng em cứ cẩn thận cho lành”.

Trong tiêu chuẩn đánh giá sinh viên của Bộ GD – ĐT ban hành ngày 12/8/2015, chương 2 có 5 điều về tiêu chuẩn đánh giá sinh viên, không có tiêu chí nào căn cứ vào tiêu chuẩn khách quan như điểm số, thành tích hoạt động xã hội mà toàn bộ đều là những tiêu chí đầy cảm tính như “ý thức tham gia học tập”, “Ý thức chấp hành nội quy”, “Ý thức tham gia hoạt động chính trị, xã hội”, “Ý thức công dân”, “Ý thức tham gia công tác đoàn thể”… 

PGS Hoàng Ánh cho rằng chính việc đánh giá dựa vào cảm tính đã làm sinh viên hoàn toàn phụ thuộc vào đánh giá của giáo viên và người quản lý, khó có được sự tự chủ ngay cả trong phấn đấu.

“Hệ quả nhãn tiền của hệ thống đánh giá này là việc dung túng cho nền giáo dục một chiều, học sinh chỉ được nghe, được tuân thủ chứ không được phép bày tỏ ý kiến. Nếu không thay đổi cách đánh giá trong nhà trường, khuyến khích các sinh viên được chủ động, sáng tạo, có tinh thần tự tôn thì chúng ta mãi mãi sẽ chỉ có những thế hệ người trẻ giả dối, khôn vặt, ngại khó, lặp lại người khác, sợ nói lên tiếng nói của mình như nhiều nghiên cứu đã cho thấy. 

“Một đất nước mà thế hệ tương lai lúc nào cũng rúm ró thì sẽ đi về đâu?”- PGS Hoàng Ánh đau đáu.

Theo N. Huyền
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h