'Ngại' tiêm phòng cho con khiến dịch sởi lây lan

Ngày 16/04/2014 13:50 PM (GMT+7)

Bác sĩ Thường, bệnh viện Xanh Pôn cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh sởi lây lan vẫn là do tiêm chủng, đa số các ca nhập viện đều cho biết là chưa tiêm hoặc tiêm chủng chưa đủ số mũi theo như quy định.

Là một trong những bênh viện lớn nhưng Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) giờ cũng đang lâm vào tình trạng quá tải do số bệnh nhân mắc bệnh sởi phải nhập viện mỗi ngày một tăng. Theo các bác sĩ tại bệnh viện này cho biết thì tại Bệnh viện Xanh Pôn với số giường thực kê tại Khoa Nhi là 145 giường, nhưng giờ cũng đang phải tiếp nhận điều trị cho khoảng hơn 300-400 bệnh nhân nhi, số bệnh nhân vào sau không có giường để nằm, buộc phải điều trị ngoại.

Ngại tiêm phòng cho con khiến dịch sởi lây lan - 1

Khoa Nhi bệnh viện Xanh Pôn quá tải, nhiều bệnh nhân phải nằm điều trị ở cả ngoài hành lang.

“Hiện nay Khoa Nhi của Bệnh viện Xanh Pôn đang phải điều trị cho hơn 400 bệnh nhân, đó là chưa kể số bệnh nhân nhập viện còn đang có xu hướng tăng thêm nên việc thiếu giường cho bệnh nhân là điều chắc chắn. Nhưng chúng tôi cũng cố gắng sắp xếp để làm sao cho tất cả các bệnh nhân khi nhập viện đều có chỗ nằm để điều trị”, ông Nguyễn Đình Hưng – Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn cho biết.

Qua tìm hiểu được biết, con số hơn 400 bệnh nhân mắc bệnh sởi đang điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn chủ yếu là những bệnh nhân nặng, bệnh sởi đã ảnh hưởng đến gan và phổi, buộc phải nằm viện, còn con số bệnh nhân khám bệnh và điều trị lưu động ngoại tuyến tại bệnh viện này còn cao hơn nhiều. Chỉ tính riêng buổi sáng ngày 15/4, bệnh viện Xanh Pôn đã có tới gần 200 bệnh nhi đến khám vì có dấu hiệu mắc bệnh sởi, trong đó có hơn 1/3 buộc phải nằm viện để điều trị do bệnh đã nặng.

Ngại tiêm phòng cho con khiến dịch sởi lây lan - 2

Trước thực trạng dịch bệnh sởi bùng phát hiện nay, hâu hết các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đều lâm vào quá tải như: Bệnh viện đa khoa Đức Giang, số giường Khoa Nhi thực kê là 127 thì cũng tiếp nhận điều trị cho 150 bệnh nhi; Bệnh viện đa khoa Thường Tín 40 giường bệnh điều trị cho 80 bệnh nhận, Bệnh viện đa khoa Hà Đông có 70 giường bệnh nhưng cũng đang điều trị cho 130 bệnh nhân nhi...

Ngại tiêm phòng cho con khiến dịch sởi lây lan - 3

Theo báo cáo của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu, tính đến thời điểm hiện tại đã có 108 trường hợp tử vong do sởi và các bệnh biến chứng sau sởi (trong đó có 103 ca tại Bệnh viện Nhi Trung ương, 4 ca tại Bệnh viện Bạch Mai và 1 ca tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương).

Đứng trước thực trạng bệnh sởi ngày càng gia tăng với nhiều bệnh nhân nặng. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế xuất cấp (không thu tiền) 22 máy thở chức năng cao, 8 máy thở chức năng trung bình thuộc hàng dự trữ quốc gia để trang bị cho 4 bệnh viện phục vụ công tác cấp cứu, điều trị người mắc dịch bệnh sởi, cúm và nhu cầu khám, chữa bệnh khác của nhân dân. Cụ thể, Bệnh viện Bạch Mai được xuất cấp 10 máy; Bệnh viện nhiệt đới Trung ương 8 máy; Bệnh viện Nhi Trung ương 8 máy; Bệnh viện Xanh Pôn 4 máy.

Trao đổi với PV, bác sĩ Nguyễn Văn Thường – phụ trách Khoa Nhi Tổng hợp (Bệnh viện Xanh Pôn) cho biết: ca bệnh nhi mắc bệnh sởi đầu tiên phải nhập viện và điều trị tại bệnh viện của năm nay là vào ngày 15/1. Tính từ đó đến nay, bệnh viện đã đón hơn 500 ca trẻ em nhập viện vì mắc bệnh sởi.

Ngại tiêm phòng cho con khiến dịch sởi lây lan - 4

Bác sĩ Nguyễn Văn Thường - phụ trách Khoa Nhi Tổng hợp của Bệnh viện Xanh Pôn.

“Bệnh nhân nhập viện đa phần là trẻ em, tuổi từ 1 tháng đến 15 tuổi, trong đó trẻ nhỏ tuổi nhất là 1 tháng 2 ngày tuổi, trẻ lớn nhất là 15 tuổi. Các trẻ khi nhập viện đều có dấu hiệu và triệu chứng mắc bệnh sởi như nhau”, bác sĩ Thường nói.

Cũng theo bác sĩ Thường, năm 2008, dịch bệnh sởi đã từng bùng phát trong cả nước nhưng lần đó đối tượng bệnh nhân chủ yếu là người lớn, còn năm nay dịch bệnh bùng phát lại chủ yếu là trẻ em.

Ngại tiêm phòng cho con khiến dịch sởi lây lan - 5

Các ca mắc bệnh sởi đa phần là trẻ em, tuổi từ 1 tháng tuổi đến 15 tuổi.

“Theo quy luật thì dịch bệnh sởi cứ khoảng 5 năm lại bùng phát một lần, tuy nhiên đó là trước kia thôi, chứ từ năm 1985 sau khi có chương trình tiêm chủng mở rộng thì quy luật này gần như không còn đúng nữa vì tiêm chủng cho trẻ khi vừa sinh đã có tác dụng rất lớn trong việc ngăn ngừa bệnh sởi. Hiện nay bệnh viện chúng tôi đang quá tải vì bệnh nhân mắc bệnh sởi nhập viện quá nhiều, ngoài ra, bệnh sởi lại càn phải điều trị dài ngày, từ 15 – 45 ngày nên việc thiếu giường cho bệnh nhân là điều chắc chắn sẽ phải xảy ra. Nhưng tôi nghĩ bệnh viện nào cũng thế thôi, đó là tình trạng chung rồi”, bác sĩ Thường cho biết.

Về nguyên nhân dịch sởi bùng phát ở trẻ em vào năm nay, bác sĩ Thường cho rằng: “Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do tiêm chủng, đa số các ca nhập viện đều cho biết là chưa tiêm hoặc tiêm chủng chưa đủ số mũi theo như quy định. Chúng tôi làm thống kê và số liệu cho thấy là nhóm bệnh nhi mắc bệnh sởi nhập viện do chưa tiêm chủng chiếm đến hơn 50%, trong khi đó 40% còn lại thì bố mẹ cho biết không nhớ đã tiêm chủng cho con hay chưa, còn lại 10% thì lại rơi vào trường hợp có tiêm chủng nhưng không đủ số mũi theo như quy định, chỉ tiêm có 1 mũi rồi thôi”.

Ngại tiêm phòng cho con khiến dịch sởi lây lan - 6

Nhiều phụ huynh lo lắng trước dịch bệnh sởi bùng phát.

Bác sĩ Thường nói: “Nhưng theo tôi đó là nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp, còn nguyên nhân gián tiếp dẫn đến việc các bùng phát dịch bệnh sởi có lẽ còn do công tác tuyên truyền, phổ biến của truyền thông báo chí nữa. Như chúng ta đã biết, vụ việc một số trẻ em tử vong sau khi tiêm vắc-xin có thể là do tiêm nhầm hay gì đó xảy ra năm vừa qua là điều đau lòng và thực sự không ai mong muốn xảy ra. Việc đưa tin để rút kinh nghiệm hay làm rõ trách nhiệm của các bên là đúng, nhưng dường như tôi cảm thấy báo chí đã đưa tin hơi “quá đà”.

Sự “quá đà” đó khiến cho dư luận, và đặc biệt là các bậc phụ huynh có con nhỏ họ bị cảm giác sợ hãi, nhầm tưởng rằng tiêm vắc-xin dễ dẫn đến tử vong nên không dám đưa con đi tiêm chủng nữa. Đây mới là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến hệ quả là bùng phát dịch bệnh sởi trong thời gian gần đây ở trẻ nhỏ”.

“Tiêm chủng có ý nghĩa và hiệu quả vô cùng to lớn trong việc ngăn ngừa một số dịch bệnh cho trẻ nhỏ mà bản thân việc điều trị sau này chưa chắc đã làm được. Hiệu quả đó đã được cả thế giới ghi nhận. Nếu so sánh con số mấy ca trẻ em bị tử vong do bị tiêm nhầm vắc-xin với con số 108 ca trẻ em tử vong do bệnh sởi từ đầu năm đến nay thì chúng ta thấy thiệt hại nào lớn hơn? Mà con số tử vong tôi nghĩ sẽ vẫn còn tiếp tục tăng trong thời gian tới”, bác sĩ Thường nói.

H.Sơn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch sởi bùng phát