Người đàn ông lấy nhà làm thư viện tình nguyện

Ngày 21/02/2015 14:09 PM (GMT+7)

Về hưu, ông Bùi Đình Thăng tự nguyện dùng ngôi nhà của mình để làm thành thư viện “lớn nhất” xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.

Người lính già ấy về hưu trên vai mang theo một ba lô con cóc, hành trang suốt mấy chục năm trời ông có được là những cuốn sách đã cũ mèm, sờn bạc. Nhưng ông vẫn yêu, vẫn nâng niu chúng như những báu vật của cuộc đời. Để rồi từ những bảo bối đó, ông nhen nhóm lên ý tưởng xây dựng nên một thư viện chính tại căn nhà của mình để phục vụ miễn phí cho bà con hàng xóm.

Thư viện bắt đầu từ chiếc balo vài cuốn sách

Chúng tôi đến thôn Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, Hưng Yên hỏi nhà ông Bùi Đình Thăng ai cũng biết và chỉ đường vanh vách. Căn nhà đồng thời cũng là thư viện nằm gọn giữa một giàn hoa giấy trông hiền hòa, thanh bình đến lạ. Cảm giác về một  thời hoàng kim trong chông gai, bão lửa được hiện hữu ngay tại giữa ngôi nhà của người lính già về hưu này.

Lá cờ đỏ sao vàng, chiếc quạt trần cổ được treo gọn trên trần nhà bao quanh là nhì nhằng thép nối, những tấm huy chương và vô số những vật dụng mang đậm thời bao cấp.

Hơn 80 tuổi, cơn đau tim, dau khớp, đau dạ dày ngày đêm hành hạ nhưng ông không nghỉ ngơi mà vẫn nung nấu ý định phải mở cho được một cái thư viện cho thôn, cho xóm, cho làng tại chính ngôi nhà của mình. Một thư viện theo đúng nghĩa miễn phí.

Người đàn ông lấy nhà làm thư viện tình nguyện - 1

Hàng ngày ông Thăng vẫn chăm sóc cho thư viện sách của mình tỉ mẩn

Ngày về hưu, hành trang ông trở lại với quê hương chỉ có chiếc ba lô con cóc với vẻn vẹn mấy cuốn sách cũ mèm ông gìn giữ được hồi trong đơn vị: tập thơ Tế Hanh, những tác phẩm của “Tự lực văn đoàn”, hay thơ của Tú Mỡ.

Ban đầu nguồn sách ở thư viện ông có vài cuốn, sau đó ông xin sách báo ở các nơi. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người biết đến ông rồi họ lại gửi sách báo về qua bưu điện. Các cơ  quan đoàn thể xa gần cũng biếu tặng ông ngày càng nhiều hơn, từ đó nguồn sách phong phú. Sách  trong thư viện đa dạng, phục vụ cho các đối tượng bà con nông dân thì có sách nông nghiệp, trồng trọt. Các em học sinh thì đọc tạp chí sinh viên, các bác trong hội cựu chiến binh thì nghiên cứu về chính trị thông qua tạp chí cộng sản và một số tờ báo Đảng.

Người đàn ông lấy nhà làm thư viện tình nguyện - 2

Một trong những nguyên tắc trong thư viện ông Thăng

Ông chia sẻ: “Thực tế, văn hóa đọc thấm dần đến người dân rồi, trước họ thờ ơ lắm. Tôi cũng hiểu dân mình chân lấm tay bùn, quần quật cả ngày ngoài đồng nên có thiết tha gì đến sách vở. Chính vì thế tôi đã công tác dân vận đến từng nhà, giờ bà con cũng hiểu chăm đến đọc sách lắm”.

Thư viện mở cửa từ 8 giờ sáng. Dạo này quê đang mùa gặt hái thì các bác trung tuổi tranh thủ đến đọc báo vào lúc tối, tầm chiều 4 -5 giờ thì thư viện đa số là học sinh, tan học ở trường rồi rẽ qua ông Thăng đọc, mượn báo. Người dân thôn Đoàn Đào vẫn hay gọi thư viện ông bằng cái tên thân mật là “Thư viện ông Thăng”. Ông đã được vinh dự nhận 1 huy chương và 2 bằng khen “ Vì sự nghiệp văn hóa” của Bộ văn hóa thông tin và du lịch trao tặng.

Người vác tù và hàng tổng

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh cũng là cô giáo nghỉ hưu. Bà vừa là người vợ vừa là người đồng chí của ông trong suốt chặng đường đời. Bà luôn ủng hộ mọi việc làm của ông, kể cả từ việc nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày. Thế nhưng, khi mới biết ông có ý định thành lập thư viện ngay tại nhà, bà đã khăng khăng không chịu.

Thôn ông không có nhà văn hóa, ông mạnh dạn nói với bà: "Bà với các con xuống nhà dưới ở cho tôi xin căn nhà  trên này làm thư viện”. Bà giãy nảy, không phải vì tiếc nhà mà vì thương ông tuổi già, sức yếu lại vơ việc vào người, bà sợ sức ông không gắng được. Thế rồi, ông thuyết phục mãi bà cũng đồng ý.

Người đàn ông lấy nhà làm thư viện tình nguyện - 3

Ông làm biển hiệu này vì có nhiều người mượn sách "quên" không trả

Các con cũng không muốn cho bố làm vì sợ bố vất vả. Ông anh trai cũng gàn ông rồi bảo: “ Chú làm việc nhân đạo thì chú ra chùa, chứ tự dưng lôi công lôi việc về nhà cho mệt, ốm ra”. Ngày xưa khi ông bảo mở thư viện bà cũng can ngăn. Ông khéo léo dỗ dành bà và các con xuống nhà dưới để ông thành lập ở nhà trên thư viện phục vụ cho bà con, hàng xóm.

Bà Oanh vừa cười, vừa nhớ lại những ngày đầu khi chồng mới thành lập thư viện: “ Dạo ý nóng lắm cô ạ, trời như thiêu như đốt có cái nhà ngói bên trên phủ đầy hoa giấy mát mẻ thì ông ý  khư khư làm thư viện, mấy mẹ con dưới này cố chịu đựng để góp sức hoàn thành tâm nguyện của ông nhà tôi”

Ông mắc nhiều căn bệnh của tuổi già trái gió trở trời là đau nhức, có đợt ông đi viện đến 2 tháng, thư viện lại đóng cửa im lìm. Bà bảo: “Cô không tưởng tượng được đâu cứ ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, quanh quẩn với giấy má, sách báo rồi hồ dán cả ngày không chán. Tôi cũng vui vì ông ấy có niềm an ủi tuổi già, có bà con, rồi các cháu học sinh thường xuyên lui tới làm bầu bạn”

Ông Bùi Đăng Nghị - Chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh xã Đoàn Đào cho biết: “ Thực sự có những người cho rằng việc xây thư viện trong nhà riêng của ông Thăng là không bình thường nhưng với tôi đây là nghĩa cử vô cùng cao đẹp.

Anh em chiến hữu của chúng tôi người mất, người còn nhưng có lẽ làm được việc lớn lao, đẹp như thế này thì chỉ có ông Thăng là duy nhất, là niềm tự hào không chỉ riêng thôn xóm mà còn cho cả danh hiệu bộ đội cụ Hồ”.

Coi thư viện như liều thuốc tăng tuổi thọ

Từ những ngày đầu bỡ ngỡ với thư viện làng, cả ngày dường như ông dành trọn quỹ thời gian của mình để sắp xếp, lau chùi những ấn phẩm rồi đến từng nhà vận động người dân đọc sách. Ngắm nhìn những đứa trẻ đọc sách lòng ông trộn rộn niềm vui. Ông lại nhớ những ngày vẫn còn đói kém thiếu ăn, thiếu mặc nhưng có được cuốn sách là vui lắm rồi, đọc quên cả ăn.

Đã nhiều năm nay, thư viện của ông là nơi hội cựu chiến binh xã gặp gỡ, hội họp. Bạn bè chiến hữu thủa bão đạn mưa bom cứ hàng tuần lại trở về với thư viện của ông để giao lưu, thăm hỏi sức khỏe rồi nói chuyện ngày xưa, chuyện chính trị. Mọi người coi thư viện ông Thăng như một địa chỉ đáng tin cậy.

Người đàn ông lấy nhà làm thư viện tình nguyện - 4

Ông cẩn thận viết luôn ra tường nhà

Mỗi lần có khách đến chơi, thăm quan thư viện họ đều ghi lưu bút dành tặng ông. Ông cẩn thận kẹp ghim từng tờ, bọc kín trong túi bóng kính thỉnh thoảng giở ra đọc để vơi bớt cơn đau bệnh tật của tuổi già. Mỗi dòng tâm sự như một liều thuốc tinh thần để ông vượt qua được sự hành hạ của sức khỏe. Ở cái tuổi mà người ta vẫn gọi là gần đất xa trời nhưng ông vẫn hay văn thơ, bay bổng như thanh niên trai tráng. Những ngày ông nằm viện nằm nhớ thư viện, nhớ đến bà ông viết:

Tôi đi viện bà ở nhà

Cơm nước quét dọn chăm gà tưới rau

Tuổi già lúc yếu khi đau

Việc nhà xã hội trước sau vẹn toàn

Mong bà luôn được bình an

ở đây cũng chẳng bằng bà nuôi ông

Cuộc đời càng lắm bão giông

Tai qua nạn khỏi có công của bà

Những người ngày xưa cho rằng, ông là không bình thường, là dở hơi giờ đã suy nghĩ về ông hoàn tác khác. Việc làm của ông không phải đào núi, lấp biến nhưng nghĩa cử gom tiền, nhường nhà để làm thành thư viện phục vụ miễn phí cho bà con xóm làng thì có lẽ chất chồng hơn cả một giang sơn.

Tuệ Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan