Người phụ nữ 30 năm không há được miệng

Ngày 28/03/2013 17:22 PM (GMT+7)

Chẳng may bị ngã khi trèo cây năm 16 tuổi, chị N.T.D đã bị biến chứng khít hàm, không thể há được miệng suốt 30 năm.

Bệnh nhân là chị N.T.D, 46 tuổi, ở Mê Linh, Hà Nội. Được biết, năm 16 tuổi trong một lần trèo cây chị D. bị ngã, hai bên hàm đập vào thành giếng. Sau tai nạn đó chị D. không thấy đau nên bố mẹ chỉ bôi mật gấu và không đưa con đi khám. 

Tuy nhiên, vài tuần sau chị D. không thể há được miệng, cố gắng há hết cỡ cũng chỉ được vài mm. Lúc này gia đình mới đưa bệnh nhân đi khám nhưng các bác sĩ ở tuyến dưới không điều trị được. Nhà nghèo, bố mẹ chị D. không có tiền đưa con lên tuyến trung ương.

Người phụ nữ 30 năm không há được miệng - 1

Chị N.T.D, 46 tuổi, ở Mê Linh, Hà Nội bị biến chứng khít hàm, không thể há được miệng suốt 30 năm. 

Từ đó đến nay, đã 30 năm chị D. phải sống chung với căn bệnh này. Đến bữa ăn hàng ngày gia đình chị D. phải xay nhuyễn thức ăn rồi lấy ống hút cho chị hút. Thỉnh thoảng, cố lắm chị D. cũng chỉ thể há ra vài mm rồi nhét để nhét từng hạt cơm vào miệng.

Gần đây một người thân trong gia đình đọc được thông tin căn bệnh “không há được miếng” có thể chữa khỏi khi phẫu thuật, gia đình chị D. quyết định gom góp, vay mượn tiền được 30 triệu đồng đưa chị ra BV Việt Nam – Cu Ba (Hà Nội).

Người phụ nữ 30 năm không há được miệng - 2
Ngày 28.3, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình – hàm mặt, BV Việt Nam – Cu Ba (Hà Nội) đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.  

Theo BS Nguyễn Thanh Thái, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình - hàm mặt (BV Việt Nam- Cu Ba) cho biết: “Bệnh nhân D. bị chứng khít hàm sau chấn thương. Phần quay xương hàm để giúp mở miệng bị dính chặt sau chấn thương khiến bệnh nhân không thể mở miệng. Ca phẫu thuật sẽ phải bóc tách, tạo củ quay để mở hàm, thay xương hàm bằng nẹp sinh học và lấy mỏm vẹt (góc trong của hàm dưới) tạo hình tại chỗ”.

BS Thái cho biết thêm, khó khăn lớn nhất trong ca phẫu thuật này là phần gây mê, do bệnh nhân không thể há được miệng, các bác sĩ phải gây mê “mò”. Các bác sĩ đã tiến hành rạch vết mổ từ sau mang tai ở hai bên để tách hàm cho bệnh nhân. Sau 6 tiếng, ca phẫu thuật thành công tốt đẹp. Tuy nhiên, do không thể há miệng trong thời gian quá dài, nên sau phẫu thuật bệnh nhân sẽ phải luyện tập phục hồi chức năng với các động tác miệng.

Được biết, trường hợp của chị D. là bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam mắc bệnh không há được miệng được phẫu thuật bằng vật liệu tự thân. Trước đây, BV Việt Nam –Cu Ba đã từng điều trị cho một bệnh nhân bị chứng khít hàm nhưng vật liệu thay thế là bằng titan và vàng, với giá thành rất đắt, khoảng 10 tỉ đồng. Nếu thay thế hàm bằng sụn tự thân thì cũng rất nhanh tiêu, còn thay thế bằng mỏm vẹt góc trong hàm dưới thì sẽ giải quyết được các hạn chế này.

Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan