Những người lao động 'phơi lưng' dưới nắng nóng như thiêu đốt

Ngày 15/06/2016 15:30 PM (GMT+7)

11 giờ trưa, ngoài trời nắng như đổ lửa và nhiệt độ lên tới 40 độ C, nhưng những người dân lao động hoặc công nhân môi trường vẫn phải cần mẫn “cày cuốc” vì nhiều lý do khác nhau.

Đối với nhân viên văn phòng, trong những ngày nắng nóng này chỉ cần đứng trong phòng nhìn qua cửa kính đã cảm thấy khiếp đảm và thậm chí nhiều người còn “trốn” bữa trưa vì trời nắng nóng ngại ra ngoài. Nhưng đối với những người "buôn thúng bán bưng", những người thợ xây, phụ hồ hay những công nhân môi trường họ vẫn phải cần mẫn làm việc dù nhiệt độ có cao đến đâu, nhưng với họ công việc chưa xong thì chưa được nghỉ.

Vẫn biết mỗi người một việc và xét về khía cạnh sức khỏe và khoa học thì suy nghĩ “trốn” nắng của dân văn phòng là hoàn toàn hợp lý. Bởi, các bác sĩ đã khuyến cáo, trong khoảnng thời gian từ 10 giờ 30 phút đến 14 giờ chiều, thậm chí là muộn hơn mọi người nên hạn chế ra đường, nhất là làm những công việc mất sức, mất nước vì nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe.

Tuy nhiên, khi trao đổi với những người đang lao động trực tiếp dưới ánh nắng mới biết được họ đều có lý do của riêng mình. Trao đổi với phóng viên, 1 thanh niên đang xúc cát giữa trưa nắng trên đường Đội Cấn cho biết: “Cũng giống như anh, vì công việc giờ này anh vẫn phải ra đường chụp ảnh đó thôi. Người ta khoán mình xong chỗ này trả 200 ngàn, lúc nào xong thì nhận tiền, mình làm nhanh, làm cố thì chiều mới có thời gian đi làm việc khác”.

Khi phóng viên đặt câu hỏi về việc, nắng nóng như vậy công cán có được trả thêm hay không? Thanh niên này cho biết: “Giá chung rồi, nắng mưa như nhau hết, mình không nhận người khác sẽ nhận thôi. Gặp gia đình nào tử tế họ cho thêm cốc nước là vui rồi”.

Khác với thanh niên kia, một đội hút cống đang cần mẫn làm việc lúc 11 giờ 30 phút tại ngã tư Liễu Giai – Đội Cấn thì cho biết: “Cống tắc, người dân kêu, mình không đi xử lý thì nắng nóng thế này bốc mùi lên họ chịu sao được. Thôi nắng thì mỗi người cố một tý cho mọi người đỡ khổ”.

Qua đó có thể thấy được rằng, không phải những người lao động không sợ nắng, họ cũng rất muốn nghỉ ngơi để giữ gìn sức khỏe, nhưng vì miếng cơm, manh áo, vì đặc thù công việc nên họ đành chấp nhận.

Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi lại được trưa ngày 15/6:

Những người lao động phơi lưng dưới nắng nóng như thiêu đốt - 1

Dù trời nắng như đổ lửa, xung quanh là bóng râm nhưng công việc hàn trụ của thanh niên này không thể tránh được ánh nắng. 

Những người lao động phơi lưng dưới nắng nóng như thiêu đốt - 2

Những công nhân xây dựng dù nắng nhăn mặt nhưng chưa đến giờ nghỉ nên vẫn phải gắng sức hoàn thành công việc. 

Những người lao động phơi lưng dưới nắng nóng như thiêu đốt - 3

Đối với những người bán hàng rong, dù nắng nóng nhưng họ vẫn phải "hành quân" trên các con phố.

Những người lao động phơi lưng dưới nắng nóng như thiêu đốt - 4

Nhưng công nhân môi trường đang cần nẫm hút cống để không bốc mùi lên nhà dân.

Những người lao động phơi lưng dưới nắng nóng như thiêu đốt - 5

Dù đã 11 giờ trưa, nhưng thanh niên này vẫn miệt mài với việc chở cát thuê của mình.

Những người lao động phơi lưng dưới nắng nóng như thiêu đốt - 6

Những người thu mua đồng nát cũng phải vật lộn với nắng nóng và đống bìa cát tông.

Những người lao động phơi lưng dưới nắng nóng như thiêu đốt - 7

Họ dường như đang chạy đua với nắng nóng để nhanh chóng về điểm tập kết.

Những người lao động phơi lưng dưới nắng nóng như thiêu đốt - 8

Anh công nhân môi trường này, dù có quần áo bảo hộ nhưng cũng không thể chống lại được với ánh nắng gay gắt.

Những người lao động phơi lưng dưới nắng nóng như thiêu đốt - 9

Một số người đã tranh thủ nghỉ ngơi giữa trời nắng bằng cách nằm võng...

Những người lao động phơi lưng dưới nắng nóng như thiêu đốt - 10

Hoặc ngủ ngay trên thảm cỏ, miễn là có bóng râm.

Làm việc dưới trời nắng nóng, nhiệt độ cao rất nguy hiểm

Theo BS Lương Quốc Chính – Khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai), người dân (đặc biệt người lao động) khi tiếp xúc với ánh nắng lâu dễ dấn đến tình trạng sốc nhiệt. Đây là tình trạng gây ra bởi cơ thể quá nóng, thường do tiếp xúc kéo dài hoặc gắng sức ở nhiệt độ cao. Sốc nhiệt có thể xảy ra nếu nhiệt độ cơ thể tăng lên đến 40 độc C (1040F) hoặc cao hơn.

Sốc nhiệt nếu không điều trị có thể nhanh chóng gây tổn thương não, tim, thận và cơ. Tổn thương càng nặng và nếu điều trị muộn, làm tăng nguy cơ các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Còn ở thể nhẹ hơn (hay còn gọi là kiệt sức vì nhiệt/lả nhiệt) là một tình trạng mà triệu chứng có thể bao gồm ra mồ hôi nhiều và mạch nhanh là do cơ thể quá nóng.

Khi gặp một người bị lả nhiệt (cảm do nắng nóng) trong khi chờ cấp cứu có thể sơ cứu theo những cách dưới đây:

- Tìm đến nơi râm mát hoặc có điều hòa không khí: Nếu bạn không có điều hòa không khí tại nhà, tìm đến nơi nào đó có điều hòa không khí, ví dụ trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim, hoặc thư viện công cộng.

- Làm mát bằng vải sạch ẩm và quạt: Nếu bạn ở cạnh ai đó có các triệu chứng liên quan tới nhiệt, làm mát cho nạn nhân bằng cách phủ lên nạn nhân một tấm vải sạch ẩm hoặc phun nước mát lên người nạn nhân hoặc quạt trực tiếp lên người nạn nhân.

- Tắm mát dưới vòi hoa sen hoặc bồn tắm: Nếu bạn đi ra ngoài và không gần nơi cưu trú, hãy ngâm mình trong ao hoặc dòng suối mát có thể giúp làm giảm nhiệt độ cơ thể bạn xuống.

- Bù nước và điện giải: Cho nạn nhân uống nhiều nước. Ngoài ra, do bạn mất muối qua mồ hôi, nên cần phải bổ sung muối và nước bằng đồ uống thể thao. Nếu bác sĩ yêu cầu bạn phải hạn chế muối và nước, hãy hỏi lại bác sĩ xem bạn nên uống như thế nào và bạn có phải bổ sung muối hay không.

- Không uống đồ uống có đường hoặc cồn để bù nước và điện giải: Các đồ uống này có thể cản trở khả năng kiểm soát nhiệt độ của cơ thể bạn. Ngoài ra, nước quá lạnh có thể gây đau bụng do co thát dạ dày.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự