Những vụ bê bối sữa chấn động thế giới

Ngày 05/08/2013 22:31 PM (GMT+7)

Liên tiếp các vụ bê bối lớn nhỏ liên quan đến chất lượng sữa bột của trẻ đang khiến người tiêu dùng hoang mang.

Sữa bột trẻ em luôn là một sản phẩm nhạy cảm kể từ sau vụ "sữa bẩn" nhiễm hóa chất độc hại melamine hồi năm 2008 làm ít nhất 6 trẻ tử vong và 300.000 trẻ bị các vấn đề về sức khỏe. Hàng loạt các vụ thu hồi sữa bột kể từ đó tới nay đã khiến người tiêu dùng hết sức lo lắng về chất lượng sữa bột cho con em, đặc biệt là sữa ngoại.

Hãy cùng chúng tôi điểm lại những vụ bê bối lớn liên quan đến sữa bột của trẻ từ trước tới nay:

Sữa bột Sanlu Trung Quốc nhiễm melamin năm 2008

Đây là vụ bê bối sữa độc hại chấn động cả thế giới vào năm 2008. Vụ bê bối này đã ảnh hưởng đến nhiều nước khác bởi các sản phẩm chứa sữa nhiễm bẩn nhập từ Trung Quốc. Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá rằng đây là vụ vệ sinh an toàn thực phẩm lớn nhất từ trước đến nay mà tổ chức này phải đối phó.

Những vụ bê bối sữa chấn động thế giới - 1

Khoảng 700 tấn sữa bột của hãng Sanlu đã được thu hồi trong tháng 9 sau khi phát hiện có chứa chất melamin. Ảnh: China Daily.

Ít nhất 6 trẻ tử vong và 300.000 trẻ bị sỏi thận và suy thận do sữa bột nhiễm melamin của tập đoàn sữa bột lớn nhất Trung Quốc Sanlu. Chất hóa học đã được trộn vào sữa để làm cho sữa có vẻ có độ đạm cao hơn.

Vụ bê bối này bắt đầu từ tháng 7/2007, tập đoàn Sanlu nhận được nhiều đơn khiếu nại từ người tiêu dùng về tình trạng trẻ em mắc bệnh do dùng sữa bột Sanlu.

Tuy nhiên, tại Trung Quốc, phải tới ngày 11/9, sau khi có nhiều trẻ nhỏ phải nhập viện với các triệu chứng sỏi thận và sỏi tiết niệu gây nôn mửa, bí tiểu và đau đớn do uống sữa bột giá rẻ nhãn hiệu Sanlu trong một thời gian dài, tập đoàn Sanlu mới ra lệnh thu hồi loại sữa bột trẻ em được sản xuất trước ngày 6/8/2008.

Tập đoàn sữa Fonterra, cổ đông giữ 43% cổ phần trong Tập đoàn Sanlu, của New Zealan ngày 14/9 khẳng định tập đoàn này từ tháng 8 đã biết đối tác liên doanh của mình bán sữa bị nhiễm độc. Fonterra cho biết nhiều tuần trước đó đã thông báo về việc loại sữa bột này bị nhiễm độc và cũng đã yêu cầu thu hồi toàn bộ các sản phẩm bị ảnh hưởng. Fonterra tuyên bố tiếp tục thúc đẩy nỗ lực này và khẳng định an toàn của người tiêu dùng luôn là ưu tiên hàng đầu của Fonterra.

Sự kiện này đã gây nên những mối lo ngại về an toàn thực phẩm và tham nhũng chính trị ở Trung Quốc, và gây thiệt hại cho danh tiếng của thực phẩm do Trung Quốc xuất khẩu; ít nhất 11 quốc gia đã ngừng nhập khẩu sản phẩm sữa từ Trung Quốc.

Nestle thu hồi 200.000 hộp sữa bột Nesquik hương chocolate

Sau sự việc sữa công thức I Nan HA của Nestle gây dị ứng cho trẻ tại Úc, ngày 9/11/2012, hãng sữa bột Nestle tại Mỹ ra quyết định thu hồi khẩn cấp 200.000 hộp sữa bột Nesquik, hương vị sô – cô - la, do nghi ngờ có khả năng bị nhiễm khuẩn salmonella.

Những vụ bê bối sữa chấn động thế giới - 2

Sữa bột Nesquik của Nestle được chào bán tại Việt Nam.

Đại diện của hãng Nestle tại Mỹ cho biết những sản phẩm sữa bột Nesquik được pha chế thêm hương vị sô-cô-la với liều lượng 10.9, 21.8 và 40.7 once (tương đương với 309g, 632g, và 1180g) được sản xuất từ đầu tháng 10/2012 và đang được phân phối rộng rãi trên toàn nước Mỹ.

Nestle đã ra lệnh thu hồi khẩn cấp những hộp sữa bột Nesquik trên sau khi Omaya Inc., nhà cung cấp thành phần sữa bột của hãng này, đã tiến hành thu hồi một số sản phẩm sữa bột có chứa cacbonat canxi vì lo ngại nguy cơ nhiễm khuẩn salmonella.

Những sản phẩm sữa bột bị thu hồi đợt này đều có hạn sử dụng đến tháng 10 năm 2014. Nestle cũng cảnh báo người tiêu dùng đã mua những hộp Nesquik có khả năng bị nhiễm khuẩn thì không nên tiếp tục sử dụng và có thể mang đến những đại lý Nestle gần nhất để trả cũng như nhận lại tiền.

Nhật Bản thu hồi sữa bột Meiji do nhiễm phóng xạ

Tháng 12/2013, công ty Meiji cho biết họ đã thu hồi 400.000 hộp sữa bột dành cho trẻ em sữa có nhãn hiệu "Meiji Step" sau khi phát hiện có chứa chất phóng xạ censium trong sản phẩm.

Những vụ bê bối sữa chấn động thế giới - 3

Meiji STEP” (850g) có chất phóng xạ cesium.

Những sản phẩm này của Meiji được sản xuất tại nhà máy cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima 320km.

Những mẫu thử được kiểm tra cho kết quả về hàm lượng censium 30.8 bp/kg sữa, dù lượng phóng xạ trong sữa bột trẻ em "Meiji Step" vẫn thấp hơn nhiều so với mức tiêu chuẩn cho phép của Chính phủ Nhật Bản là 200bq/kg, tuy nhiên hãng Meiji vẫn có kế hoạch đổi khoảng 400.000 hộp sữa có thể nhiễm xạ cho những khách hàng đã mua sữa thuộc các lô có hạn sử dụng đến ngày 4, 21, 22 và 24/10/2012.

Trên trang web chính thức của Meiji nói rằng, sữa bột kiểm tra có cesium bán trên toàn quốc. Những sữa bột này đều do cty Meiji ở Kasukabe thực hiện. Sữa bò dùng để chế ra bột sữa nguyên chất là sữa sản xuất trước khi sự cố hạt nhân ở Fukusima xảy ra. Công ty Meiji hoài nghi có thể là khi xử lý sấy khô nguyên liệu, cesium trong khí quyển đã bị lẫn vào.

Abbott thu hồi 5 triệu hộp Similac tại Mỹ do nhiễm côn trùng

Vụ việc này xảy ra vào hồi tháng 9 năm 2010. Đợt thu hồi này liên quan tới 5 triệu hộp sữa bột Similac được bán tại Mỹ, Puerto Rico, Guam và một số quốc gia vùng Caribê vì có thể chứa một loại bọ cánh cứng nhỏ hoặc ấu trùng, có thể gây đau bụng và các vấn đề về tiêu hóa.

Abbot thu hồi sữa Similac GainPlus Eye-Q

Mới đây nhất, hãng Fonterra, New Zealand đã tiến hành thu hồi gần 1.000 tấn sản phẩm sữa ở 7 quốc gia trên thế giới bị nhiễm Clostridium Botulinum trong đó có Việt Nam. Đồng thời Abbot Việt Nam tiến hành thu hồi 10 lô sữa Similac GainPlus EyeQ dành cho trẻ 1-3 tuổi do đối tác Fonterra sản xuất.

Những vụ bê bối sữa chấn động thế giới - 4

Abbot Việt Nam tiến hành thu hồi 10 lô sữa Similac GainPlus EyeQ dành cho trẻ 1-3 tuổi do đối tác Fonterra sản xuất.

Theo báo cáo của Văn phòng đại diện Abbott Labolatories S.A tại Việt Nam, sản phẩm nhập khẩu gồm thức ăn công thức cho trẻ 1-3 tuổi Similac GainPlus Eye-Q loại hộp 400g và 900g của Công ty Abbott được sản xuất theo hợp đồng ở New Zealand bởi Công ty Fonterra. Các lô sản phẩm có thể bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum bao gồm: 2564G54114, 2564G54115, 2564G54116, 2564G54117, 2564G54118, 2565G54118, 2565G54119, 2566G54119, 2567G54119, 2567G54120.

Tính đến 12h trưa ngày 5/8/2013, Abbott Nutrition Việt Nam đã thu hồi được 10.135 thùng trong tổng số 12.927 thùng sữa Similac GainPlus Eye-Q đã đưa ra thị trường.

Ông Jullian Caillet- Trưởng Đại diện Abbott Việt Nam khẳng định: “An toànvà chất lượng sản phẩm là ưu tiên cao nhất của Abbott. Chúng tôi lấy làm tiếc về sự việc này và chúng tôi đang làm việc với Fonterra và tất cả các bên liên quan để giải quyết thấu đáo sự việc trong thời gian sớm nhất”.

Vụ việc này đang khiến các mẹ đang cho con uống sữa bột ở Việt Nam hết sức lo lắng.

Hồng Anh (T.H)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan