Nỗi niềm người mẹ bị cả dân làng xa lánh khi có con mắc dị tật đầu nhỏ do virus Zika đầu tiên ở Việt Nam

Ngày 03/11/2016 15:50 PM (GMT+7)

Nhiều đêm, chị H’Blươn Mlô khóc vì lo lắng cho tình trạng bệnh của con gái mới sinh. Hơi thở cháu nặng, thường phát ra tiếng khò khè, riêng đầu phát triển bất thường.

Đến buôn TLan (xã Cư Pong, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) hỏi về gia đình có trường hợp trẻ bị chứng đầu nhỏ, ai cũng biết. Họ chỉ đường nhiệt tình nhưng lại từ chối đưa đến tận nhà vì sợ nhiễm bệnh.

Họ cho rằng, từ trước đến nay, tại buôn này chưa bao giờ có người bị bệnh như vậy. Lúc đầu, cháu H’Lệ M lô (4 tháng tuổi) sinh ra, mọi người thấy bất ngờ vì đầu nhỏ hơn bình thường. Nhiều người bảo, cháu bị Yàng quở phạt, khuyên mẹ cháu là chị H’Blươn Mlô, nhờ thầy cúng. Gia đình cháu cũng đã làm theo nhưng không hết.

Nỗi niềm người mẹ bị cả dân làng xa lánh khi có con mắc dị tật đầu nhỏ do virus Zika đầu tiên ở Việt Nam - 1

Cháu H’Lệ M lô được xác định là bệnh nhân bị nhiễm vi rút zika đầu tiên tại Việt Nam

Thời gian gần đây, cán bộ y tế nhiều lần đến nhà kiểm tra. Cán bộ vận động bà con trong buôn không nên tin vào thầy cúng và cho biết, cháu H’Lệ M lô bị nhiễm bệnh chứ không phải bị Yàng quở phạt. Bà con tin vào lời cán bộ, nhưng vẫn lo sợ nên không dám đến gần nhà của gia đình này.

Trong căn nhà tuềnh toàng, chị H’Blươn Mlô khá rầu rĩ. Chị kể, lấy chồng cách đây 6 năm. Cuộc hôn nhân được sự chấp thuận của cả hai dòng họ. Năm trước cưới, năm sau, chị cấn thai, sinh hạ đứa con đầu lòng. Đứa trẻ này sinh trưởng bình thường, đến nay vừa tròn 5 tuổi.

Thấy con cả đã lớn, vợ chồng chị quyết định sinh thêm đứa thứ hai. Mang thai tháng thứ ba, chị bị sốt, nổi ban khắp người. Chị cho rằng, những dấu hiệu này là do thay đổi trong cơ thể do thai kì tạo ra nên không chú trọng, không đến bệnh viện thăm khám. Theo kinh nghiệm, chị ra quầy thuốc tây mua thuốc về tự uống. Sau đó, sốt hạ, các nốt ban lặn dần.

Ba tháng sau, triệu chứng cũ lại xuất hiện. Lần này, chị vẫn có suy nghĩ như cũ và tự mua thuốc về uống. Bệnh cũng tự khỏi dần.

Trong quá trình mang thai, chị vẫn đến trung tâm y tế thăm khám thai định kì nhưng không phát hiện điều gì bất thường. Đến tháng thứ 8, chị được chồng chở đến một phòng khám tư siêu âm. Bác sĩ cho biết, thai nhi có biểu hiện đầu nhỏ bất thường. Lúc này, chị rất lo lắng. Bác sĩ động viên chị không nên quá phiền muộn vì như thế sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.

Ngày 12/6, chị H’Blươn Mlô đau bụng dữ dội, được người thân đưa đến bệnh viện đa khoa thị xã Buôn Hồ. Tại đây, cháu H’Lệ M lô được sinh hạ với cân nặng 2,6 kg. Đúng như dự đoán từ trước, đầu đứa trẻ vừa sinh nhỏ bất thường. Chị đã khóc rất nhiều khi nhìn thấy con như thế. Người thân buồn, nhưng vẫn cố gắng động viên chị.

Ngày 8/9, lo lắng cho sức khỏe của con gái, chị H’Blươn Mlô đưa con lên bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk thăm khám. Bác sĩ xác định, cháu bị bệnh đầu nhỏ nhưng không xác định được nguyên nhân và khuyên gia đình nên đưa vào TP HCM để khám lại.

Dù hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng chị vẫn vay mượn tiền để đưa con vào Bệnh viện Nhi đồng 1 khám. Tại đây, bác sĩ vẫn có kết luận như cũ và đưa ra nghi ngờ, có thể nguyên nhân là do nhiễm virus Zika.

“Từ trước đến nay, tôi chỉ biết đến bệnh sốt chứ chưa bao giờ nghe đến bệnh do virus Zika gây ra. Khi nhận kết quả, tôi vừa sợ, vừa cảm thấy hoang mang”, chị thành thật.

Nỗi niềm người mẹ bị cả dân làng xa lánh khi có con mắc dị tật đầu nhỏ do virus Zika đầu tiên ở Việt Nam - 2

Chị H’Blươn Mlô không hiểu vì sao con mình lại nhiễm vi rút zika

Chị H’Blươn Mlô cũng cho rằng, không hiểu vì sao con gái lại bị bệnh như vậy. Bởi, trong quá trình mang thai, chị vẫn ăn uống, sinh hoạt bình thường, không ra rẫy bơm thuốc. Chị cũng không đi khỏi địa phương. Vợ chồng chị không thuộc diện hôn nhân cận huyết… Trong gia đình không có bất kì ai bị dị tật bẩm sinh.

Hiện, cháu H’Lệ M lô có tình trạng thở nặng, thường phát ra tiếng khò khè. Riêng đầu của cháu phát triển không bình thường. “Mấy ngày trước, cán bộ đến, thăm khám, thông báo đây là căn bệnh mới. Tôi chưa biết chính xác căn bệnh này như thế nào nhưng vẫn mong muốn con sẽ được chữa trị, hồi phục để có cuộc sống như bao đứa trẻ khác”, người mẹ trẻ tâm sự.

Được biết, gia đình chị H’Blươn Mlô có cuộc sống khó khăn. Cả hai vợ chồng đều sống bằng việc làm nương rẫy. 

Bác sĩ Phạm Văn Lào (Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk) cho rằng, mọi người không nên quá lo lắng mà hãy bình tĩnh hợp tác với ngành y tế thực hiện phòng chống bệnh một cách hiệu quả thông qua những việc làm cụ thể như vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi, khơi thông cống rãnh, không để nước ứ đọng lâu, ngủ màn, phun hóa chất diệt muỗi, lăng quăng…

Khi có dấu hiệu nghi ngờ, người dân có thể đến bệnh viện huyện để được khám, lấy mẫu gửi lên tuyến trên làm xét nghiệm xác định có nhiễm virus Zika hay không. 

Bác sĩ cũng khuyến cáo, không phải tất cả mọi trường hợp đều được lấy mẫu xét nghiệm virus Zika. Chỉ những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mới được lấy mẫu làm xét nghiệm, tránh tình trạng tập trung quá đông người, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân. 

Hoài Nam
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Virus Zika gây teo não