Phạt học sinh vi phạm giao thông là việc của nhà trường hay cảnh sát?

Ngày 12/03/2016 00:09 AM (GMT+7)

Ngày 8/3, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành văn bản về việc Tổ chức phong trào thi đua đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong ngành giáo dục giai đoạn 2016-2020. Trong đó có điểm gây tranh cãi là học sinh sẽ bị nghỉ học một tuần nếu vi phạm.

Đối với học sinh, sinh viên, khi vi phạm một lần sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm tháng mắc lỗi, phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết. Nếu biết lỗi nhưng vẫn vi phạm lần hai, học sinh sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm của học kỳ, trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày để tự kiểm điểm, thông báo tới địa phương nơi cư trú. Trường hợp đã được giáo dục nhưng tái phạm nhiều lần sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học một tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe.

Nhiều ý kiến trái chiều

Ngay khi nội dung này được đưa ra đã vấp phải những phản ứng gay gắt. Nhiều phụ huynh cho rằng hình thức phạt cho các em như vậy là quá nặng. Trong trường hợp các em không cố ý vi phạm thì có thể nhắc nhở, còn cố tình mắc lỗi thì áp dụng các hình phạt nặng hơn như lao động công ích …

Chị Tạ Minh Hương trú tại Hà Đông cho rằng: “Sở GD-ĐT áp dụng hình phạt như vậy cho học sinh là không hợp lý. Nếu như vậy, dù con trai tôi không cố ý mắc lỗi, cháu sẽ bị 'bêu' lên toàn trường. Tôi nghĩ vi phạm an toàn giao thông không phải là một phạm trù của đạo đức nên hình phạt này rất không phù hợp”.

Phạt học sinh vi phạm giao thông là việc của nhà trường hay cảnh sát? - 1

Ý kiến phản đối của một phụ huynh

Anh Hoàng Anh Tuấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội nói: “Tôi nghĩ Sở GD-ĐT chỉ có vai trò trong việc giáo dục học sinh, sinh viên. Việc ra quy định và tiến hành xử phạt vi phạm ATGT là của cảnh sát giao thông. Hai đơn vị này không hề có liên quan đến nhau. Chính vì thế những quy định trên của Sở GD-ĐT là không có căn cứ”.

Theo chị Nguyễn Thu Hiền, quận Hoàng Mai: “Phụ huynh chỉ biết trách nhà trường và các thầy cô giáo không biết giáo dục con em mình mỗi khi con gây ra lỗi lầm. Vậy tại sao khi nhà trường được áp dụng các hình phạt để giáo dục học sinh thì lại phản đối quyết liệt? Chỉ có điều, tôi thấy các hình thức kỷ luật như vậy là quá nặng. Ví dụ như lần đầu thay vì hạ hạnh kiểm rồi đưa ra tập thể, nhà trường có thể nhắc nhở đối với các em và gửi thông báo về gia đình nắm được”.

Phụ huynh cần bình tĩnh xem xét

Chúng ta đều biết, ngay trong chương trình giáo dục mầm non, phần giáo dục ý thức an toàn giao thông rất quan trọng. Bởi thời thơ ấu là giai đoạn quan trọng nhất để rèn luyện nhân cách.

Cũng là một phụ huynh, bà Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, trường ĐH SP Hà Nội rất quan tâm đến vấn đề trên. Theo bà Hương, để giúp trẻ nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề cần phải có những biện pháp giáo dục khác nhau. Đặc biệt khi đám trẻ nhận sự trả giá, chúng sẽ rút kinh nghiệm rất nhanh. Có 2 loại trả giá, một là các hình thức phạt và hai là những hậu quả do chính hành động của trẻ gây ra.

Về an toàn giao thông, nêu cho trẻ chịu đựng hình thức hậu quả do chính chúng gây ra, nhiều khi chính là mạng sống của chúng và người xung quanh. Khi ấy, trẻ có khi cũng không còn tồn tại để mà rút kinh nghiệm nữa. Do vậy, những hình thức phạt là hợp lý. Đây chính là những hình thức cảnh cáo răn đe để các cháu rút kinh nghiệm.

Bà Vũ Thu Hương cho rằng, nhiều người đã đưa ra các hình thức phạt khác như chép phạt hay gì đó để tránh cho việc bị buộc thôi học. Tuy nhiên, với luật giao thông, có một số hiện trạng chúng ta cần biết. Đó chính là hiện tượng các phụ huynh học sinh vi phạm luật giao thông và là tác nhân gây ảnh hưởng đến hiệu quả giáo dục trẻ về nội dung này.

Nếu đứa trẻ bị phạt ở dưới dạng khác, chắc chắn chúng không thể rút kinh nghiệm nổi khi trường quy định cấm vi phạm (trống đánh xuôi), gia đình lại tha hồ vi phạm (kèn thổi ngược). Việc một đứa trẻ bị phạt buộc nghỉ học một tuần sẽ khiến các cha mẹ rất khổ sở và bối rối vì sẽ không có ai ở nhà chăm con. Đấy là câu hỏi mà các phụ huynh lo lắng chứ không phải vấn đề trẻ em vi phạm luật ATGT thế nào.

Chính vì điều này, các phụ huynh cũng sẽ phải quan tâm hơn đến luật và tuân thủ luật hơn để làm gương cho con trẻ. Các phụ huynh cũng phải giáo dục con, răn đe con nhiều hơn. Theo quan điểm của bà Hương, trước khi phản đối, chúng ta nên nên lưu ý xem lại một số nguyên tắc: tìm hiểu kỹ trước khi phản đối, không tỏ thái độ phản đối trước mặt con trẻ, xem lại bản thân mình có hay vi phạm luật giao thông hay không và cần sử dụng ngôn từ đúng mực khi có ý kiến phản đối với các quy định.

Trước những phản ứng gay gắt trên, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: "Đình chỉ học tập không có nghĩa là đóng cửa trường, bỏ rơi các em, để các em bên ngoài lang thang, chơi game. Các em tái vi phạm giao thông chỉ bị cách ly khỏi lớp học trong khoảng thời gian ngắn để tự nhận thức khuyết điểm, cảnh tỉnh học sinh khác. Cha mẹ học sinh đừng nên lấy lý do bận công việc, từ chối phối hợp giáo dục cùng nhà trường. Xử phạt nghiêm khắc vì sự an toàn hằng ngày của học sinh". 

Ông Thống cho biết qui định này xuất phát từ thực trạng thời gian vừa qua, đặc biệt sau Tết Nguyên đán, nhiều học sinh không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, xe máy điện ra đường gây mất an toàn giao thông.

Để xây dựng xã hội tương lai với trật tự an toàn giao thông được đảm bảo, chúng ta cần mạnh mẽ và cương quyết hơn trong việc chấp nhận những thay đổi trước mắt.

Minh Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h