Phạt hơn 100 cơ sở quảng cáo "thần thánh" hóa thực phẩm chức năng

Ngày 29/12/2015 16:16 PM (GMT+7)

Vi phạm phổ biến nhất về thực phẩm chức năng đó là kinh doanh không đúng chất lượng như đã công bố, quảng cáo TPCN sai sự thật, cường điệu hóa, thần thánh hóa công dụng...

Đó là thông tin được TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết tại Hội thảo “Bảo vệ người tiêu dùng sử dụng thực phẩm chức năng” do báo Lao Động phối hợp với Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) và Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

Theo TS Phong, TPCN được đưa vào Việt Nam từ năm 2000 (13 công ty với 63 sản phẩm chủ yếu kinh doanh, nhập khẩu) với tên gọi là Thực phẩm Thuốc. Sản phẩm này đã nhanh chóng phát triển tại thị trường Việt Nam. Đến năm 2015, Việt Nam có hơn 3.000 cơ sở sản xuất và kinh doanh nhóm TPCN bao gồm cả thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Tỷ lệ sản phẩm sản xuất trong nước chiếm hơn 60%, nhập khẩu hơn 30%. Số người sử dụng TPCN hiện nay tại TP Hà Nội là khoảng 63% người trưởng thành, tại TP Hồ Chí Minh là khoảng 43%.

Phạt hơn 100 cơ sở quảng cáo quot;thần thánhquot; hóa thực phẩm chức năng - 1

TS Nguyễn Thanh Phong chia sẻ tại buổi Hội thảo.

Với số lượng kinh doanh sản xuất ngày càng gia tăng, nên những vi phạm cũng ngày càng phổ biến. TS Phong cho biết, những vi phạm khá phổ biến như sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) không đúng chất lượng như đã công bố. Quảng cáo TPCN sai sự thật, cường điệu hóa, thần thánh hóa công dụng của TPCN, sản xuất TPCN nơi không bảo đảm vệ sinh.

Trong 7 tháng đầu năm 2015 (từ 1/1 đến 30/7), Cục ATTP đã thanh tra, phát hiện vi phạm và xử lý 105 cơ sở sản xuất kinh doanh TPCN với tổng số tiền phạt là 1.895.000.000 đồng.

Trong đó xử lý 102 cơ sở vi phạm về quảng cáo (chiếm 97,1%) số cơ sở vi phạm với tổng số tiềm là 1.383.000.000 đồng và xử lý 3 cơ sở vi phạm các hành vi khác như kiểm nghiệm định kỳ, công bố, ghi nhãn với tổng số tiền là 57.000.000 đồng.

Riêng về vấn đề hàng nhái, hàng kém chất lượng đại diện Ban chỉ đạo 389 cho biết, phần lớn các mặt hàng TPCN làm giả, kém chất lượng đều được nhập từ nước ngoài qua đường tiểu ngạch. Về đến Việt Nam được các cơ sở thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và mang đi tiêu thụ. Những sản phẩm làm giả này được bán ra thị trường với giá cao hơn hàng thật.

Điển hình như vụ thu giữ 20 tấn TPCN giả, có nhiều thành phần không đúng như doanh nghiệp công bố tại TP Hà Nội và thu giữ 12 tấn TPCN giả không rõ nguồn gốc tại quận 7, TP Hồ Chí Minh...

Để bảo vệ người tiêu dùng trước “ma trận” TPCN, TS Phong nhắc nhở người tiêu dùng khi lựa chọn TPCN cần sử dụng đúng, dùng đúng; không nghe đồn thổi; đặc biệt TPCN có tính dự phòng cao nhưng không phải thuốc chữa bệnh; trả đúng vị trí của TPCN trong việc dự phòng bảo vệ sức khỏe con người.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự