Phạt mũ rởm, nhưng tư duy quản lý có…'xịn'?

Ngày 17/03/2013 10:44 AM (GMT+7)

Nói theo các cụ ngày xưa, đó là các chủ trương chân không chạm đất, cật không chạm giời.

Công nhận là xã hội ta, có rất nhiều cán bộ, tính ưa hài hước, lại hay ngồi trên…trời, để tư duy, tư vấn, tham mưu các dự thảo chính sách ở… dưới đất. Nên nói theo các cụ ngày xưa, đó là các chủ trương chân không chạm đất, cật không chạm giời.

Quýt làm, cam chịu?

Chả nói đâu xa, cuối năm cũ 2012, có những chủ trương của các ngành mà mới thành hình hài, đã khiến người dân phản ứng, nửa cười nửa mếu. Vì nó không khả thi đã đành, mà còn vi phạm quyền con người. Như thịt tươi chỉ được bán không quá tám tiếng (thế ế thì sao, đem về ăn à?); ghi tên cha mẹ trên mẫu Chứng minh thư nhân dân mới; viếng đám ma không quá bẩy vòng hoa, không được để ô kính trên nắp quan tài…

Trong đó, ngành giao thông, một trong những ngành “hot” nhất xã hội, vì gia đình nào cũng có các thành viên tham gia ngày ngày, nên được “ưu đãi”- nhiều ý tưởng, chủ trương đề xuất hơn cả? Mà xem ra chủ trương nào cũng …bất khả thi.

Mới ngày nào, là ngực lép không được đi xe máy, xe biển lẻ đi ngày lẻ, xe biển chẵn đi ngày chẵn. Gần đây là phạt nặng xe không chính chủ. Và mới nhất- sẽ phạt người tham gia giao thông nếu sử dụng mũ bảo hiểm rởm.

Đương nhiên một xã hội văn minh tiên tiến, chất lượng cuộc sống thực sự cao, thì mọi cái sẽ phải đều xịn: Các thang bậc giá trị xịn, bằng cấp xịn, Tiến sĩ xịn, GS, Phó GS xịn…

Nhưng đó là chuyện dài lâu, chuyện nhỏ trước mắt, mũ bảo hiểm phải xịn, để bảo vệ cái đầu.

Một chuyện tưởng là nhỏ, mà…ầm ĩ thế?

Hóa ra nó không nhỏ tí nào. Vì mỗi cán bộ chỉ có một cái đầu, nhưng lại nhiều kiểu tư duy. Tùy thuộc vào trình độ, khả năng bám sát thực tiễn, đời sống người dân hay không? Vì thế mà một chủ trương như phạt mũ bảo hiểm rởm, lại đang bị rơi vào tình huống gian khổ biết dành phần ai?

Phạt mũ rởm, nhưng tư duy quản lý có…xịn? - 1
Mũ bảo hiểm rởm tràn lan (ảnh minh họa)

Ví như về người tham gia giao thông. Họ là thủ phạm hay chỉ là nạn nhân đội mũ bảo hiểm rởm, khi không phải ai cũng phân biệt nổi mũ xịn, mũ rởm? Với quy định rất… học thuật:

Mũ bảo hiểm phải có cấu tạo đủ ba bộ phận: Vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo. Có kiểu dáng đáp ứng yêu cầu quy định và đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, được gắn dấu hợp quy CR, ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trên thực tế, theo tác giả bài viết Không phạt người đội MBH rởm (VietNamNet, ngày 12/3), có hơn 30 triệu người đi mô tô, xe máy, trong đó hơn 90% là đội mũ bảo hiểm có xuất xứ nhiều nơi, bao gồm cả mũ nhập khẩu ở giai đoạn chưa quy định dán tem hợp quy. Và hàng loạt mũ bảo hiểm từ các nước đưa sang viện trợ cũng không có tem, nhưng mũ rất dày và đẹp.

Phạt hay không phạt chỉ vì có hay không chiếc tem xịn? Vì đã là luật phải nhất quán.

Trong khi người sản xuất mũ rởm, người kinh doanh mũ rởm thì tràn lan ở bất cứ đường phố nào ở Hà Nội- Chùa Bộc, Đường Láng, Cầu Giấy…, giá lại rất rẻ, mẫu mã đẹp. Thì khi đó, Quản lý thị trường ở đâu? Vì đã năm năm rồi, người tham gia giao thông bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm.

Cũng theo Cục Quản lý thị trường, 100% điểm kinh doanh mũ bảo hiểm đều có vi phạm. Trong tổng số hơn 3330 chiếc mũ được kiểm tra, có tới 59,89% số mũ không có hóa đơn, chứng từ nguồn gốc

Cung cách làm việc quản lý thị trường thả nổi, mặc hàng rởm lan tràn bán cho dân, là cung cách quản lý có…xịn không?

Tương tự như hiện tượng bán thuốc tân dược rởm, thuốc lá rởm, rượu rởm, thì nếu xử phạt, chả lẽ lại đi phạt người ốm, hoặc người tiêu dùng vô tình mua và tiêu thụ nhầm phải thuốc tân dược, thuốc lá, rượu rởm?

Tư duy quản lý có… “xịn” không?

Về trách nhiệm xử phạt: CSGT có phải là người trực tiếp xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm? Nếu họ đang bon bon tham gia giao thông trên đường, không vi phạm luật? Mặt khác, theo Đại tá Đào Vĩnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ- Đường sắt Công an Hà Nội, việc xử phạt người đội MBH rởm sẽ rất khó khăn cho lực lượng CSGT bởi thiếu thiết bị để làm rõ mũ thật, mũ rởm.

Phạt mũ rởm, nhưng tư duy quản lý có…xịn? - 2

Về trách nhiệm xử phạt: CSGT có phải là người trực tiếp xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm? (ảnh minh họa)

Đến CSGT còn khó khăn vì thiếu thiết bị, nữa là bắt người dân “tay không” phân biệt mũ thật, mũ rởm?

Chưa kể, chế tài hiện nay (theo Nghị định 34, và Nghị định 71) cũng chỉ quy định cho trường hợp không đội mũ bảo hiểm, hoặc đội mũ bảo hiểm không đúng cách.

Còn Luật Hình sự lại quy định chỉ ngành quản lý thị trường mới có đủ thẩm quyền xử phạt hành vi làm hàng giả, hàng nhái.

Nhưng theo ông Lý Ngọc Thắng, Đội trưởng quản lý thị trường 3A (TP HCM) thì: Chúng tôi chỉ xử phạt hàng giả, hàng nhái trong khâu sản xuất, lưu thông chứ không thể xử phạt khi đã đến tay người tiêu dùng. Khi đó họ là nạn nhân của người buôn bán hàng hoá kém chất lượng, sao phạt được? Việc xử lý người đội MBH rởm phải giao cho CSGT theo nội dung Nghị định 34 của Chính phủ.

Trước những ý kiến của dư luận xã hội, được biết mới đây, chủ trương này đã tạm thời dừng lại để xem xét, sửa đổi cho phù hợp.

Nhưng dư âm và phản ứng với chủ trương này bất ngờ ở chỗ:  Số đông người dân nhất loạt cho rằng cần phải …phạt cơ quan chức năng, những người ngồi ở trên…trời nghĩ ra biện pháp dưới đất.

Những người có chức trách điều hành các lĩnh vực an sinh xã hội nhưng lại chỉ nghĩ ra được các chủ trương phạt “ngọn”, không thấy cái gốc quá hỏng. Đó là sự buông lỏng quản lý, xa rời thực tiễn, được chăng hay chớ. Thậm chí mang tính “nhóm lợi ích”.

Cho thấy cách quản lý xã hội đang có quá nhiều vấn đề. Mà đầu tiên là cách tư duy. Nói như một bạn đọc phản hồi cho VietNamNet, cách tư duy “ngược”, không kiểm soát được "đầu vào" (là nguồn gốc của những cái "giả") nên quay sang quản lý "đầu ra" (là người dân sử dụng); đó là cái gì không quản lý nổi thì quay sang cấm.

Cũng chả riêng cái mũ bảo hiểm rởm. Mà ngay chủ trương cấm dạy thêm- học thêm của ngành giáo dục cũng vậy. Cứ không quản được thì cấm?

Nhưng ngành GD có cấm nổi không nếu dạy thêm- học thêm không chính đáng vẫn lan tràn như vấn nạn? Khi mà từ chương trình, nội dung sách giáo khoa, phương pháp dạy đến cách thi cử đều có vấn đề. Rút cục, học sinh từ tiểu học, đến các bậc cha mẹ vẫn đang phải đội cái mũ bảo hiểm mang tên… “Học thêm” quá nặng, mà không dám cởi?
Phạt mũ rởm, nhưng tư duy quản lý liệu có … “xịn”?

Thì ai sẽ phạt đây? Hay xã hội, nhân dân luôn phải chịu những cách tư duy và quản lý quá nhiều bất ổn?

Theo Kim Dung (Vietnamnet)
Nguồn:

Tin liên quan