Rau không thiếu nhưng giá vẫn cao

Ngày 16/01/2013 08:00 AM (GMT+7)

Hà Nội không thiếu rau, nguồn cung cho cả nước cũng sẽ không khan hiếm, nhưng giá rau từ nay đến Tết Nguyên Đán sẽ tiếp tục ở mức cao.

Ngay từ đầu mùa đông năm nay, mặt bằng giá rau các loại đã tăng cao hơn so với mọi năm. Đến khi miền Bắc rơi vào đợt rét đậm, rét hại kéo dài tới 15 ngày vừa qua thì giá rau xanh các loại đã tăng vọt, kể cả các loại rau chính vụ và trái vụ.

Vừa do chi phí vừa do thương lái

Mức giá ở các chợ nội thành chênh lệch rất nhiều so với giá thu mua tại ruộng ở các vùng trồng. Tại ruộng rau nhà chị Minh, (Thôn 2, Tây Tựu, Từ Liêm, Hà Nội), súp lơ được xuất bán với giá chỉ từ 4.000-5.000 đồng/cái, su hào 3.000 – 3.500 đồng/củ. Chị Minh cho hay, đợt rét đậm, rét hại, giá rau cứ hôm sau bán cao hơn hôm trước bởi năng suất các loại đều giảm. Thời tiết bình thường, chỉ cần một tháng có thể thu hoạch một số loại rau như cải cúc, cải ngọt... thì lúc rét hại, rét đậm, đến tháng rưỡi mới được một lứa.

Ở cùng vùng này, rau muống bán tại ruộng từ 1.500-2.000 đồng/bó, rau cần trước bán buôn 10.000 đồng/3 bó thì nay tăng lên 5.000 đồng/bó.

Các nơi cung cấp rau lân cận nội thành Hà Nội khác như Mê Linh, Vân Nội, giá rau thu mua tại ruộng cũng tăng nhẹ. Phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho hay, ước tính, giá rau xanh trong đợt rét vừa qua tăng bình quân khoảng 7 – 10% so với trước.

Đang thu hoạch trên cánh đồng trồng rau cải xã Vân Nội (huyện Đông Anh, Hà Nội), chị Hoàng Thị Thủy nói: “Chị em đi chợ phải mua với giá cao hơn rất nhiều và mỗi nơi mỗi giá vì phải qua nhiều đầu mối, nhiều tư thương, còn ở vùng trồng chỉ tăng giá không đáng kể”. Thời tiết giá rét, rau sinh trưởng chậm nên năng suất lứa vừa rồi đã giảm đáng kể. Công chăm sóc và chi phí phân bón các loại cũng tăng nên giá rau cải tăng nhẹ, khoảng 10%  so với thời điểm trước. Mức tăng này so với mức tăng rất cao tại các chợ nội thành hiện nay chênh lệch khá nhiều.

Vụ rau đông năm nay, ngoài yếu tố thời tiết rét mướt khắc nghiệt, nhiều yếu tố cộng lại như chi phí sản xuất, bị đẩy giá ở khâu lưu thông nên giá rau không ngừng tăng cao. Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT nhìn nhận: “Không phải thời điểm này giá rau mới tăng mạnh mà ngay từ đầu vụ, giá đã cao hơn năm trước do chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, công chăm sóc tăng. Ngoài ra, ở khâu lưu thông, thương lái cũng lợi dụng thời điểm năng suất rau giảm cục bộ để tranh thủ đẩy giá”.

Giá sẽ phụ thuộc thời tiết

Rau không thiếu nhưng giá vẫn cao - 1

Rau tăng giá mạnh khiến chị em nội trợ lo lắng

Trước lo ngại của chị em về việc khan rau, đẩy giá dịp Tết Nguyên Đán sắp tới, ông Quảng cho hay, việc này tùy theo từng vùng. Đánh giá chung của Bộ NN-PTNT thì cả nước sẽ không bị thiếu hụt rau trong dịp Tết. Tất nhiên, giá sẽ tăng đôi chút.

Ông Bùi Quốc Hội, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho biết, toàn huyện Mê Linh vụ này gieo trồng khoảng 1.500 ha rau đủ các loại. “Giá tăng như hiện nay, bà con có ít lãi nên sẽ là điều kiện khuyến khích người nông dân tiếp tục mở rộng diện tích gieo trồng rau cung cấp cho thị trường Tết sắp tới”, ông Hội nói.

Dự báo về nguồn cung rau cho TP. Hà Nội thời gian tới, ông Nguyễn Duy Hồng, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN-PTNT Hà Nội cũng khẳng định, người dân Thủ đô sẽ không lo thiếu rau trong dịp Tết và sau Tết. “Giá rét kèm mưa phùn chỉ làm giãn khoảng cách thu hoạch rau, chứ không làm rau chết nến sẽ không gây thiếu rau. Với mưa phùn và độ ẩm cao, chỉ cần có thêm nắng ấm nhẹ là các loại rau lại phát triển mạnh trở lại”, ông Hồng nhận định.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương thì vào cuối tháng 1/2012 tới (tức là gần Tết Quý Tỵ), sẽ có một đợt không khí lạnh cường độ khá mạnh tràn xuống miền Bắc, gây ra rét đậm rét hại trở lại trên diện rộng, tuy không nghiêm trọng bằng đợt rét 15 ngày vừa qua nhưng dự báo cũng ảnh hưởng khá lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của các loại rau củ, đặc biệt là rau xanh.
Thu Hoài
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan