Sản phụ tắc mạch ối thoát chết thần kỳ

Ngày 07/11/2013 06:23 AM (GMT+7)

BV Phụ sản Hà Nội vừa cứu sống thành công sản phụ bị tắc mạch ối – một hội chứng cực kỳ nguy hiểm trong sản khoa, có tỷ lệ tử vong lên đến 80-90%.

Sản phụ may mắn thoát chết là chị Nguyễn Thị Tuân, 29 tuổi ở Mê Linh, Hà Nội. Chị Tuân đang mang song thai ở tuần thứ 30. Ngày 30/10, chị Tuân có dấu hiệu lạ đi tiểu nhiều, bụng căng cứng, thai không máy. Đến phòng khám tư gần nhà siêu âm, bác sĩ thông báo hai thai đã chết lưu, gia đình vội vã đưa chị Tuân nhập viện tại BV Phụ sản Hà Nội. 

Sau khi nhập viện, chị Tuân có dấu hiệu chuyển dạ. Được theo dõi ngay tại phòng đẻ tới khi cổ tử cung mở được 3 cm, lúc 16h45 ngày 1/11, sản phụ vỡ ối tự nhiên. Chỉ 10 phút sau vỡ ối, khi bác sỹ vừa khám và chuẩn bị bàn giao cho kíp trực đêm, bệnh nhân đột ngột tím tái, suy hô hấp cấp, trụy tim mạch. 

Bác sĩ Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, người trực tiếp tham gia mổ cấp cứu sản phụ Tuân cho biết: “ Khi bệnh cảnh lâm sàng diễn ra rất rầm rộ ở bệnh nhân với biểu hiện suy hô hấp cấp, rối loạn đông máu nặng, toàn bộ các vết chọc kim, chân catheter, dẫn lưu nước tiểu chảy máu không cầm, chúng tôi xác định khả năng bệnh nhân bị tắc mạch ối.

Sản phụ tắc mạch ối thoát chết thần kỳ - 1

Sản phụ Tuân hạnh phúc khi biết mình đã được BV cứu sống (Ảnh MH)

Tần suất xuất hiện tai biến tắc mạch ối không nhiều; tùy từng nước, tùy khu vực, tùy thời điểm, tỷ lệ này là khoảng 10-15 trên 100.000 ca đẻ sống. Nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, 75% sản phụ bị tắc mạch ối là ở những người chửa thai trai. Bên cạnh đó, sản phụ sinh con rạ, đẻ nhiều lần, thai to, thai lưu, đa thai, đa ối, … là yếu tố nguy cơ bị tai biến này. Và có đến 80-90% sản phụ tắc mạch ối bị tử vong.

Ngay lập tức toàn bộ ê-kíp bao gồm các bác sỹ gây mê hồi sức và phẫu thuật viên vừa hồi sức, vừa chuyển sang phòng mổ. Cùng lúc đó, ban giám đốc có mặt hội chẩn và quyết định mổ lấy thai dù hai thai đã chết để giải phóng chèn ép, cắt tử cung bán phần để cầm máu cứu mẹ”.

Khi mổ cấp cứu cho bệnh nhân chính các bác sĩ của kíp phẫu thuật cũng không biết bệnh nhân có thể sống được hay không, chỉ biết cố gắng hết sức, cầm máu kỹ lưỡng từng nút chỉ để hạn chế rối loạn đông máu thêm. Bởi tắc mạch ối thực sự là một thảm họa không chỉ đối với nhân viên y tế mà còn đối với cả gia đình sản phụ. Đây là một trong những biến chứng đã được y văn ghi nhận chỉ có rất ít trường hợp được cứu sống. Mặc dù đã có rối loạn huyết động, rối loạn đông máu, nhờ có chẩn đoán, xử trí đúng và kịp thời, bệnh nhân đã được cứu sống và được truyền gần 10 lít máu và các chế phẩm của máu. Nếu không được cấp cứu kịp thời, chỉ cần do dự vài giây, sản phụ có thể  ngừng tim và tử vong.

TS.BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng cho biết: “Trường hợp sản phụ Tuân cũng rất đặt biệt, song thai chết lưu, điều này khiến bệnh cảnh nặng lên rất nhiều. Thậm chí chúng tôi nghĩ bệnh nhân hầu như không có cơ hội sống. Không chỉ cá nhân tôi mà cả bệnh viện đều vui mừng và hạnh phúc vì người bệnh tưởng chừng chết nhưng vẫn cứu được. Có được điều này là nhờ sự tiến bộ của bác sĩ sản phụ khoa, gây mê hồi sức, phản xạ cấp cứu kịp thời và chuyên nghiệp”.

Nhớ lại thời khắc chuyển dạ trước đó, chị Tuân vẫn chưa hết bàng hoàng: “Khi đó, tôi thấy hoa mắt chóng mặt, sa sầm mặt mày tưởng như bị tụt huyết áp, vẫn còn kịp nhận thấy mình tím từ đùi lên, rồi sau vài giây lịm đi không còn biết gì nữa. Đến lúc mở mắt ra, ánh đèn mổ sáng nhòa, thoang thoáng tiếng monitor, tiếng máy thở trong phòng yên ắng, các anh chị y bác sỹ vẫn đang theo dõi, tôi mới định thần: mình còn sống. Lúc đó, nhìn lên đồng hồ đã là 3 giờ sáng hôm sau”.

TS.BS. Nguyễn Duy Ánh chia sẻ thêm, tắc mạch ối còn được gọi là “Hội chứng phản vệ của thai nghén”, xuất hiện đột ngột, rầm rộ, khi nước ối và các thành phần của nước ối xâm nhập vào tuần hoàn của mẹ, làm xảy ra đồng thời hai hiện tượng: sốc phản vệ và bít tắc cơ học, gây suy hô hấp, tím tái toàn thân, rối loạn đông máu và đông máu nội mạc rải rác. Bệnh nhân có thể ngừng thở, ngừng tim trong vài phút đầu tiên. Tắc mạch ối có thể xảy ra trong chuyển dạ, trong khi mổ lấy thai hoặc thậm chí vẫn gặp khi chưa có chuyển dạ, sau đẻ thường hoặc sau mổ.

Hiện tại, sức khỏe của chị Tuân tiến triển rất tốt, đang dần hồi phục và dự kiến sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tai biến sản khoa