Suy ngẫm với bài viết 'Học giỏi để... chết'

Ngày 10/06/2015 00:09 AM (GMT+7)

'Nền giáo dục đồng phục về kiến thức của chúng ta luôn cố gắng tạo ra những con người học giỏi và học rất giỏi. Từ bao lâu nay chúng ta thấy: muốn sánh vai với đời và sánh vai với các cường quốc năm châu thì chỉ có cách học... thật giỏi'.

Vấn đề thành tích đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ và ngày nay nó càng được chú trọng hơn. Mới đây trên trang cá nhân của mình, thành viên mạng có tên Nguyễn Tuấn Hải đã "bàn" về quan niệm này với tiêu đề: "Học giỏi để... chết". Tác giả đã giúp các cha mẹ nhận ra thực tại như: "Muốn sánh vai với đời và sánh vai với các cường quốc năm châu thì chỉ có cách học... thật giỏi" hay "ở nước ta có những làng có tới cả ngàn tiến sỹ. Nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo...".

Bài viết gây chú ý của nhiều người, đặc biệt là đánh trúng vào tâm lý của phần đông các bậc phụ huynh khi nhận gần 2.000 lượt thích và gần 1.000 lượt chia sẻ.

Được biết, tác giả Nguyễn Tuấn Hải từng là học sinh giỏi Toán quốc gia, tốt nghiệp Học viện Quan hệ Quốc tế Hà Nội, Woodrow Wilson School of Public and International Affairs, Đại học Princeton Hoa Kỳ; giảng dạy tiếng Anh và toán tiếng Anh. Nhà sáng lập và giám đốc chiến lược giáo dục Eton Grammar School.

Suy ngẫm với bài viết Học giỏi để... chết - 1

Gánh nặng thành tích đè lên đôi vai trẻ thơ (Ảnh minh họa).

Chúng tôi xin đăng lại nội dung bài viết:

Xã hội, xét trên khía cạnh văn minh - phát triển, và giáo dục dường như song hành với nhau như hình với bóng. Nhìn vào xã hội để thấy toàn bộ giáo dục và soi vào giáo dục để nhìn ra phần lớn xã hội.

Trong một xã hội kém phát triển: nền sản xuất mang nặng tính chất nông nghiệp và tư duy kiểu tiểu nông, suy nghĩ phải học giỏi để thành đạt là một điều phổ biến và dễ hiểu. Người ta tìm cho mình 1 con đường thông thoáng và an toàn qua việc học giỏi để có bằng cấp - càng cao càng tốt, để thoát cảnh nghèo khổ.

Cách này tuy dài lâu và vất vả nhưng an toàn.

Với tư duy tiểu nông, không mấy ai nghĩ tới việc làm ra một cái gì đó hay và tốt để bán kiếm tiền và từ đó thoát khỏi cảnh nghèo khó. Cách làm này nhanh hơn nhưng chứa đựng nhiều rủi ro. Không có từ nào tốt hơn 2 từ chấp nhận và mạo hiểm để miêu tả.

Cách 1 tạo ra nhân viên và công nhân.

Cách 2 tạo ra những người lãnh đạo và người sử dụng lao động.

Nền giáo dục đồng phục về kiến thức của chúng ta luôn cố gắng tạo ra những con người học giỏi và học rất giỏi. Từ bao lâu nay chúng ta thấy: muốn sánh vai với đời và sánh vai với các cường quốc năm châu thì chỉ có cách học... thật giỏi.

Và với cách đó thì mãi chúng ta cũng chả bao giờ theo kịp tư bản giàu có chứ nói gì tới việc sánh vai cùng "bọn chúng nó". Việc học giỏi suốt bao năm nay của chúng ta hóa ra lại là đã và đang đâm đầu vào tường. Nghe vô lý và có vẻ joking (PV - hài hước) quá.

Ấy vậy mà joking lại thường chứa đựng các sự thật đắng lòng: ở nước ta có những làng có tới cả ngàn tiến sĩ. Nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Với giả định rằng một ngàn ông bà tiến sĩ này học giỏi... thật.

Chúng ta hãy nhìn vào các trường đại học hàng đầu Hoa Kỳ để mở rộng câu chuyện này của chúng ta.

Dân châu Á vốn nổi tiếng là học giỏi và kèn cựa nhau. Để vào được các đại học Hoa Kỳ họ không còn cách nào khác là học thật... giỏi hơn hẳn thằng khác và hơn hẳn số đông theo kiểu siêu nhân: GPA cao chót vót ( 4.0 / 4.0 chứ chả chơi đối với người Mỹ gốc Á học phổ thông tại Mỹ ); SAT cao vô đối; thành tích nghệ thuật và thể thao hoành tráng; các loại giải thưởng và hoạt động (cộng đồng và lãnh đạo) ngập tràn...

Vậy mà họ vẫn bị các trường top từ chối.

Người Mỹ có lý do của họ để từ chối các cá nhân học giỏi tới mức... hoàn hảo này. Harvard thậm chí còn khẳng định là họ tìm kiếm sự đa dạng trong các lớp học của họ chứ không phải tìm kiếm các cá nhân học giỏi giống nhau. Họ (Harvard và các trường top của Mỹ) còn khẳng định là đây chính là nền tảng của sự thành công của họ. Học giỏi chưa chắc đã ... hay và có ích.

Những người châu Á không nghĩ thế. Họ cho rằng học giỏi là siêu và có thể làm gì tùy thích nhờ học giỏi. Đúng là điều đó không sai nếu anh học giỏi để thành người làm theo. Còn để dẫn dắt và sáng tạo thì ... còn xét.

Tại Harvard, Yale và Princeton..., tỉ lệ Asian - Americans hiện nay chiếm khoảng 20% . Một con số thấp nhất từ trước tới nay và thấp hơn rất nhiều so với cách đây 2 thập niên. Để vào được các top schools , người châu Á , kể cả gốc Á tại Mỹ phải cố gắng hơn rất nhiều so với học trò Mỹ da trắng và kể cả học trò Mỹ gốc ... Phi.

Điều này nghe có vẻ sỉ nhục người châu Á quá. Và mới đây 1 học sinh người Mỹ gốc Trung Hoa đã làm xôn xao cả nước Mỹ khi thuê kiện các trường điểm trong đó có cả Harvard vì tội phân biệt chủng tộc trong việc xét duyệt các hồ sơ vào đó. Các cáo buộc có cả việc tố cáo Harvard và các trường đặt ra quy định đối với các học sinh châu Á và gốc Á.

Các trường top này vẫn giữ quan điểm của họ và cuối cùng em học sinh học siêu giỏi gốc Á này đã vào Williams College và vẫn tiếp tục mong chờ Harvard thay đổi quan điểm và nhận cậu vào.

Harvard vẫn từ chối cậu.

Các nhà tư vấn (tại Mỹ ) cho các học sinh châu Á đã có các thay đổi mạnh mẽ trong thời gian gần đây khi khuyên các học sinh bớt ... học giỏi đi. Họ nói: học sinh châu Á hãy bớt giỏi theo kiểu học trâu bò đi, hãy thể hiện khả năng biểu diễn sân khấu của mình (cả âm nhạc và thuyết trình) và hãy chơi các môn thể thao không phải là vợt đi (hãy chơi đá bóng cho giỏi vào chẳng hạn).

Các em hãy cho thấy sự khác biệt đi thay vì em nào cũng học giỏi giống nhau. Đã có thời 1 tiểu luận của học sinh châu Á gốc Việt với câu chuyện sống sót trên biển với 2 đô la trong túi và thoát khỏi miệng cá mập trên đường vượt biển sang Mỹ là 1 motif gây ấn tượng cực mạnh với các trường nổi tiếng của Mỹ. Theo thời gian, motif này trở thành 1 loại đồng phục được các em sử dụng cho bài luận của mình.

Từ khác biệt và ấn tượng , các em đã biến 1 chủ đề và motif trở thành đồng phục, nhàm chán.

Suy ngẫm với bài viết Học giỏi để... chết - 2

Câu chuyện bi hài tác giả Tuấn Hải minh họa cho bài viết.

Và người Mỹ rất không thích điều này.

Nếu bạn giống người khác cho dù là học siêu giỏi thì bạn vừa không còn là bạn (chỉ cần có thế thôi là bạn đã có thể trở nên khác biệt và hay rồi) mà còn cho thấy bạn thiếu hụt trầm trọng 2 điều sau :

1. Tố chất dẫn dắt (liên quan tới tính sáng tạo và dám mạo hiểm cá nhân - mà tiếng Anh có 1 từ cực hay để miêu tả: Private Enterprise)

2. Khả năng lãnh đạo.

Chừng đó là đủ để ta thấy sự... nguy hiểm và nguy hại của việc ... học giỏi kiểu trâu bò của người châu Á, trong đó có người Việt chúng ta.

Trong mặt nước của cái ao làng và đáy giếng, vầng trăng nào dường như cũng sáng.

Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự