Thợ lặn kể chuyện vật lộn với biển dữ, vớt nạn nhân QZ8501

Ngày 05/01/2015 17:14 PM (GMT+7)

Nhận được tin báo và chỉ dẫn từ trực thăng quân sự tham gia tìm kiếm phi cơ QZ8501, thợ lặn Mahmud Junianto, 24 tuổi cùng 4 đồng nghiệp nhanh chóng lao xuống biển, khẩn trương di chuyển tới khu vực phát hiện thi thể nạn nhân và các mảnh vỡ máy bay.

Ngồi trên một chiếc trực thăng quân sự, rà soát khắp vùng biển ngoài khơi Kalimantan 3 ngày sau khi chiếc máy bay QZ8501 của hãng hàng không giá rẻ AirAsia gặp nạn, thợ lặn trẻ Mahmud Junianto của Cơ quan Tìm kiếm và cứu hộ Quốc gia Indonesia (Basarnas) phát hiện được một vật thể giống cửa máy bay đang trôi nổi trên mặt nước. 

Tuy nhiên, sau khi bám dây thừng từ trực thăng để đáp xuống biển, Mahmud phát hiện ra, vật thể trôi nổi kia không phải là mảnh vỡ máy bay mà là thi thể của một phụ nữ.

"Suy nghĩ đầu tiên trong tôi là nỗ lực tiếp cận thi thể nạn nhân càng nhanh càng tốt. Bởi vì biết đâu nạn nhân vẫn còn sống sót", thợ lặn trẻ người Indonesia chia sẻ.

Thợ lặn kể chuyện vật lộn với biển dữ, vớt nạn nhân QZ8501 - 1

 Chân dung thợ lặn Mahmud Junianto

Tuy nhiên, điều kiện thời tiết khắc nghiệt với mưa lớn gây ra những con sóng cao tới 4m khiến việc tiếp cận thi thể của nạn nhân vô cùng khó khăn.

Mahmud đã phải vật lộn trong suốt 20 phút với sóng dữ để tìm cách tiếp cận thi thể của nạn nhân nhưng mọi nỗ lực của anh đều vô ích.

"Mỗi khi tôi bơi tới, cố gắng giữ lấy thi thể nạn nhân, những con sóng cao tới 4m lại đánh tới, quăng thi thể trôi xa", Mahmud chia sẻ.

Lo sợ cho sự an toàn của Mahmud, cuối cùng, đồng nghiệp của thợ lặn buộc phải kéo anh lên. Sau đó, một tàu chiến của Indonesia đảm nhiệm việc trục vớt thi thể của người phụ nữ rồi đưa tới Pangkalan Bun để chuyển về Surabaya nhận dạng.

Thời điểm đó, thợ lặn trẻ Mahmud không biết đây là nạn nhân đầu tiên được vớt lên.

Kể từ ngày 30.12, 2 ngày sau khi QZ8501 gặp nạn, Mahmud cùng các đồng nghiệp đã vật lộn với mưa to gió lớn, chạy đua với thời gian để mò mẫm trong một vùng biển động mạnh dữ dội để tìm kiếm các mảnh vỡ và thi thể các nạn nhân máy bay AirAsia.

Các anh phải luôn ở trong trạng thái sẵn sàng nhận chỉ dẫn của trực thăng để tìm cách tiếp cận các vật thể đáng nghi trong vùng biển diễn ra hoạt động tìm kiếm QZ8501.

Tham gia Basarnas từ năm 2010, là một thợ lặn giỏi, dày dặn kinh nghiệm dù tuổi đời còn trẻ, song Mahmud thừa nhận, điều kiện thời tiết ở biển Java vô cùng khắc nghiệt cản trở nỗ lực tìm kiếm của lực lượng cứu hộ.

Những con sóng lớn, có khi đạt mức cao nhất lên tới 5m, Mahmud chia sẻ, thậm chí đã đẩy anh đến giới hạn chịu đựng. Phi công Indonesia: Tôi không nhìn thấy gì, bão cản trở công tác cứu hộ

Cũng như thợ lặn Mahmud, phi công trực thăng Super Puma của Không quân Indonesia, Major Suryo đã chia sẻ những nỗ lực của ông cũng như các đồng nghiệp để tìm kiếm, trục vớt các mảnh vỡ và thi thể hành khách máy bay QZ8501 trên biển Java trong điều kiện mưa bão hạn chế tầm nhìn đáng kể.

Thợ lặn kể chuyện vật lộn với biển dữ, vớt nạn nhân QZ8501 - 2

 Chân dung phi công trực thăng Super Puma của Không quân Indonesia, Major Suryo

10 phút. Chỉ 10 phút nữa thôi, phi công Major Suryo tin rằng, ông có thể tiếp cận và trục vớt thi thể một nạn nhân máy bay QZ8501. Tuy nhiên, những nỗ lực của viên phi công dường như đều trở thành công cốc trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt.

Sáng sớm hôm  qua, BASARNAS gửi thông báo cho đơn vị của phi công Major Suryo rằng, một tàu của Nhật Bản tham gia vào hoạt động cứu hộ đã phát hiện một thi thể nổi lên ở ngoài khơi bờ biển Kalimantan.

Viên phi công 36 tuổi vào nghề từ năm 2003 lập tức lái trực thăng tới vị trí phát hiện thi thể nạn nhân được chỉ dẫn nhưng mưa quá lớn khiến ông không thể nhìn thấy gì. Phi công Major Suryo chỉ còn cách vị trí phát hiện nạn nhân khoảng 20 hải lý. Viên phi công chia sẻ, ông chỉ cần có thêm 10 phút nữa là có thể trục vớt được thi thể nạn nhân nhưng không có cách nào để tiếp cận hiện trường vì mưa bão quá lớn.

"Mưa quá dày hạt. Trời rất tối, tôi không thể nhìn thấy bất cứ điều gì", phi công Major Suryo chia sẻ.

Giữa trưa ngày 4.1, phi công Major Suryo vẫn nuôi hy vọng quay trở ra biển để tìm kiếm thi thể các nạn nhân nhưng mưa vẫn trút xuống dữ dội cả ngày khiến trực thăng không thể cất cánh. Hôm nay, ngày thứ 9 sau khi QZ8501 gặp nạn, lãnh đạo Cơ quan Tìm kiếm - Cứu nạn Quốc gia Indonesia cho biết, mọi nỗ lực tìm kiếm sẽ tập trung vào việc định vị đuôi máy bay - nơi chứa hộp đen do khả năng thân máy bay đã bị vỡ.

Dự kiến hôm nay khi trời ngớt mưa, điều kiện thời tiết khả quan hơn, thủy phi cơ BE-200 của Nga sẽ trở lại khu vực tìm kiếm. Các thợ lặn Nga sẽ lặn sâu xuống đáy biển, nơi 5 mảnh vỡ lớn của máy bay Airbus 320-200 được tìm thấy (mảnh vỡ thứ 5 có kích thước 9,8m x 1,1m x 0,4m).

Hiện năm tàu thủy có năng lực định vị hộp đen đã có mặt tại 5 khu vực tìm kiếm.

Theo Phương Đăng (Dân Việt)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Máy bay MH370