Thức ăn đường phố, bẩn vẫn đắt hàng

Ngày 11/06/2014 08:53 AM (GMT+7)

Tháng hành động An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vừa kết thúc thì tại nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội, thức ăn đường phố lại tràn ra phố. Cơ quan chức năng cũng thừa nhận rằng “khó quản” vì mô hình hoạt động “di động” của nó.

Kiểm tra xong, tất cả lại… về

Mục sở thị tại các tuyến phố bán thức ăn đường phố được Sở Y tế Hà Nội chọn làm thí điểm triển khai đề án "Mô hình tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống bảo đảm ATTP" và "Mô hình kiểm soát ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố” như phố Trung Liệt (quận Đống Đa) và phố Quán Thánh, Núi Trúc (quận Ba Đình), khá nhiều chủ quán lại “quên” đeo găng tay khi lấy thức ăn cho khách.

Một phụ nữ bán bún đậu trên phố Núi Trúc thản nhiên: “Bình thường chị vẫn đeo găng tay cắt thức ăn cho khách nhưng lúc đông người, khách lại giục nên không kịp đeo. Em yên tâm, chị làm hàng sạch sẽ lắm, tay chỉ toàn cắt thức ăn chứ có cầm nắm cái gì bẩn đâu”.

Nói là vậy nhưng theo quan sát của chúng tôi lúc thì chị chủ quán phải thò tay xuống đất để cầm cái kẹp gắp than, khều than, lúc lại thò tay vào cái chậu nước đã cáu bẩn để rửa bát… Tất cả cuối cùng đều vào bát khách hàng. Cách đó không xa, chị bán bún ốc cũng thò cả bàn tay nhem nhuốc vào bốc hành, bốc ốc, rau thơm cho khách.

Thức ăn đường phố, bẩn vẫn đắt hàng - 1

Dùng tay không lấy thức ăn cho khách. Ảnh: M.H

Các điểm bán hàng ăn trên vỉa hè phố Phạm Thận Duật (Cầu Giấy), chiều đến lại nghi ngút khói bởi ở đây các quán ăn vỉa hè chủ yếu phục vụ món nướng như nầm nướng, chân gà nướng, thịt nướng…  Hầu hết đều rơi vào cảnh thiếu nước vệ sinh, chủ quán không cần dùng găng tay, không cần đeo tạp dề hay khẩu trang, chỗ đặt thức ăn cho khách là chiếc ghế thấp tè giống với ghế ngồi của khách

Chị Lý Thị Nguyên, một chủ quán vỉa hè ở phố Phạm Thận Duật thẳng thắn: “Bán hàng mà mặt cứ bịt kín thì mất khách. Đeo tạp dề trông lôi thôi đến mình còn không thích thì chắc khách họ cũng không thích. Tôi làm món nướng mà đeo găng tay ni lông thì lúc trở thức ăn dính lửa là ni lông chảy bám vào tay bỏng liền. Quy định thì quy định nhưng mình phải… linh hoạt chứ”.

Khu vực tập trung nhiều hàng thức ăn bán rong nhất phải kể đến các cổng trường học. Thức ăn ở đây bán với giá rẻ nên thu hút được lượng người mua rất lớn chủ yếu là học sinh, sinh viên, dân lao động. Vũ Thu Na, sinh viên năm thứ 3, Trường ĐH Thương mại (Cầu Giấy) cho biết: “Dù biết là thức ăn đường phố vệ sinh kém, chế biến gần cống rãnh bẩn thỉu nhưng khi nào có dịp bọn em tụ tập thì địa điểm mình sẽ đến chắc chắn là ở các quán vỉa hè vì giá phù hợp, ăn cũng ngon miệng. Còn vấn đề ATVSTP quả thực là… không nghĩ đến!”.

Bệnh vào mồm vì ăn uống ẩu

Thức ăn đường phố, bẩn vẫn đắt hàng - 2

Nơi sơ chế thức ăn cáu bẩn, nhếch nhác. Ảnh: M.H

Ông Lê Đức Thọ, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội chia sẻ rằng việc triển khai mô hình tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống bảo đảm ATTP không phải là chuyện dễ, nhất là ở nơi đông đúc như Hà Nội. “Chúng tôi đã phải mất rất nhiều ngày dạo các tuyến phố Hà Nội mới chọn được mấy tuyến phố làm thí điểm. Nhưng thuyết phục các địa phương đã khó, việc triển khai đến cơ sở kinh doanh còn khó khăn hơn.

Nói là có 10 quy định bắt buộc về bảo đảm ATTP thức ăn đường phố nhưng toàn là những tiêu chí đơn giản như ghi chép đầy đủ nguồn gốc thực phẩm sử dụng hằng ngày, bán hàng phải có mũ, khẩu trang, tạp dề, đeo găng tay khi chế biến thức ăn… vậy mà phải như "tiến hành một cuộc cách mạng", ông Thọ nói.

TS.BS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Bệnh  nhân điều trị tại Trung tâm Chống độc phần lớn là do ngộ độc thực phẩm gây nên. Điều này phản ánh đúng thực trạng ăn uống vô tội vạ của người dân. Nhất là ăn thức ăn lề đường không rõ nguồn gốc tiềm ẩn rất nhiều bệnh tật, tích tụ trong quá trình lâu dài sẽ xuất hiện nhiều bệnh lạ, nguy hại trực tiếp đến thân thể. Đặc biệt là vào những ngày hè nóng nực này, thức ăn dễ ôi thiu trong khi việc bảo quản thức ăn an toàn ở những quán vỉa hè là không có. Những chứng bệnh như tả, lỵ, thương hàn hoặc virus viêm gan A… sẽ “gõ vào đầu” những người coi thức ăn đường phố là bạn”.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện nay có tới 70 - 80% thực phẩm đường phố là nhiễm khuẩn, trong đó có E.coli, loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả. Điều này lý giải vì sao tình trạng ngộ độc thức ăn ngày một nhiều hơn, bệnh liên quan đến đường tiêu hóa tăng đột biến và đặc biệt là trọng bệnh ung thư. Thiết nghĩ, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bài trừ những loại thức ăn đường phố mất ATVSTP không chỉ phụ thuộc vào việc kiểm soát chặt của cơ quan chức năng, mà còn phụ thuộc vào người tiêu dùng biết nâng cao cảnh giác, nói “không” với những loại thức ăn kém an toàn này.

Theo TS Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế), dù đã cảnh báo nhiều lần, thức ăn đường phố gây nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn, kí sinh trùng, ngộ độc thực phẩm cấp, mạn tính qua rau sống, nước lã, bàn tay bẩn, ăn thức ăn ô nhiễm… nhưng những hàng quán này vẫn đông khách. Việc quản lý kinh doanh thức ăn đường phố hiện nay khó kiểm soát do hình thức kinh doanh đa dạng, cơ động, người kinh doanh thường hạn chế về mặt kinh tế đầu tư cho kinh doanh, thiếu kiến thức và thực hành ATTP…

Theo Mai Hạnh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kinh hoàng thực phẩm bẩn