Thực hư việc Phần Lan “xóa sổ” các môn học

Ngày 06/04/2015 17:30 PM (GMT+7)

Thông tin về việc Phần Lan xóa bỏ các môn học truyền thống được dư luận quốc tế quan tâm đến mức ngành giáo dục nước này phải lên tiếng giải thích.

Mới đây, dư luận quốc tế xôn xao sau khi có thông tin Phần Lan sẽ tiến tới xóa bỏ các môn học truyền thống trong nhà trường, thay vào đó sẽ giảng dạy cho học sinh theo các chủ đề rộng nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức thực tiễn để tạo “giá trị công cụ kinh tế” phục vụ cuộc sống.

Thông tin này đã được các tờ báo trên thế giới và cả ở Việt Nam quan tâm, gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều và những tranh cãi gay gắt trong dư luận. Trước độ nóng của vấn đề, Nha Giáo dục Quốc gia Phần Lan (OPH) đã phải lên tiếng giải thích về bản chất của thay đổi này trên trang web chính thức của mình.

 Thực hư việc Phần Lan “xóa sổ” các môn học - 1

Một lớp học ở Phần Lan

Trong một bài viết đăng tải ngày 25/3, OPH khẳng định rằng việc dạy học theo từng môn truyền thống sẽ không bị xóa bỏ hoàn toàn, mặc dù chương trình giáo dục cốt lõi mới cho hệ giáo dục cơ bản của nước này sẽ có rất nhiều thay đổi khi được áp dụng vào năm sau.

Theo giải thích của OPH, các môn học truyền thống như Toán, Lý, Hóa, Ngoại ngữ, Lịch sử... đã trở nên quen thuộc với mọi thế hệ học sinh và đã được quy định trong Luật Giáo dục Cơ bản cũng như trong Nghị định về giáo dục của Chính phủ nên sẽ không có chuyện các môn học này bị xóa bỏ.

Tuy nhiên, theo chương trình giáo dục mới được áp dụng vào năm 2016, các nhà giáo dục Phần Lan được phép tự do hơn trong việc thực thi các mục tiêu giáo dục quốc gia đã được đặt ra hơn 20 năm qua. Họ có thể tự do phát triển các phương pháp sáng tạo của mình, các các phương pháp đó có thể không giống nhau ở các thành phố.

Chương trình giáo dục mới cho bậc cơ bản này có một số thay đổi nhất định, và đây có thể là nguồn cơn gây ra hiểu lầm cho rằng Phần Lan sẽ “xóa sổ” các môn học. Trong những thay đổi này, các trường học Phần Lan sẽ tập trung vào các năng lực chung và những kiến thức liên quan giữa nhiều môn học.

 Thực hư việc Phần Lan “xóa sổ” các môn học - 2

Phần Lan sẽ chú trọng vào việc rèn luyện "năng lực chung" cho học sinh song song với quá trình trang bị kiến thức

Theo đó, trong năm học tới, các trường học Phần Lan sẽ được phép tổ chức các lớp học chung, nơi học sinh có thể học với nhiều giáo viên cùng một lúc để thực hiện các dự án, nghiên cứu dựa trên hiện tượng.

Mỗi năm, các học sinh phải tham gia ít nhất một mô hình học “chéo” giữa các môn như thế này một lần, và các mô hình này do các sở giáo dục địa phương tự xây dựng và phát triển, với sự tham gia đóng góp của chính các học sinh.

Bà Irmeli Halinen, Chủ tịch Ủy ban Phát triển Chương trình giáo dục thuộc OPH cũng đã đăng tải bài viết giải thích rõ hơn về những điểm mới trong những thay đổi của nền giáo dục Phần Lan sẽ được thực hiện vào năm sau.

Theo bà Halinen, quá trình cải cách giáo dục này của Phần Lan đã nhận được những phản hồi tích cực từ các nhà giáo dục và xã hội Phần Lan, và họ không cần phải áp dụng thí điểm cho những thay đổi này.

 Thực hư việc Phần Lan “xóa sổ” các môn học - 3

Bà Halinen khẳng định các môn học truyền thống sẽ không bị "xóa sổ" ở Phần Lan

Mục tiêu của những thay đổi đó là xây dựng trường học thành các “cộng đồng học tập”, nhấn mạnh vào niềm vui học tập và môi trường cộng tác cho học sinh, phát triển khả năng tự lập của học sinh trong việc học tập và xây dựng các mối quan hệ ở trường học.

Bà Halinen khẳng định các môn học vẫn có vai trò quan trọng trong dạy và học ở Phần Lan, mặc dù chương trình giáo dục mới chú trọng hơn vào việc phát triển các năng lực chung và kỹ năng cho học sinh.

Trong chương trình giáo dục mới, khung chương trình cho các môn học được xây dựng nhằm chú trọng vào các mục tiêu năng lực của học sinh, và năng lực này sẽ được đánh giá như một phần của đánh giá môn học.

Bà Halinen cho rằng đây là một phương thức rất mới trong việc kết hợp giữa phương pháp dạy học theo môn học và theo năng lực. Nói như vậy, các môn học vẫn sẽ tiếp tục tồn tại ở Phần Lan, mặc dù ranh giới giữa các môn học này ngày càng bị xóa nhòa, và học sinh ngày càng được đòi hỏi phải có kiến thức kết hợp giữa các môn học.

Theo Trí Dũng (OPH/Dân Việt)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot