Trao nhầm con ở Bình Phước: Giải quyết thế nào để 2 bé không bị sốc tâm lý?

Ngày 16/07/2016 13:09 PM (GMT+7)

Luật sư cho rằng, trong trường hợp này, cả hai gia đình cần có cách giải quyết linh hoạt, không thể nóng vội, yêu cầu trẻ chấp nhận ngay cha mẹ ruột của mình. Cách tốt nhất, hai gia đình thường xuyên qua lại, tạo sự thân mật đối với hai đứa trẻ.

Vụ trao nhầm con tại bệnh viện đa khoa thị xã Bình Long (tỉnh Bình Phước) đang nhận được sự chú ý của dư luận. Sự việc đang được đặt ra không chỉ là sai sót của bệnh viện mà làm sao tốt nhất đối với những người trong cuộc, đặc biệt là hai đứa trẻ chỉ hơn 3 tuổi.

Luật sư Trương Thị Thu Hà (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng, theo pháp lý, nếu đã xác định được ADN của hai đứa trẻ thì cần trả con về đúng với cha mẹ ruột của mình. Trong trường hợp, nếu một bên không chịu trả con thì cơ quan liên quan cần thuyết phục, giảng hòa, hòa giải để bên này hiểu rõ sự việc để tránh sự mâu thuẫn, xung đột.

Trao nhầm con ở Bình Phước: Giải quyết thế nào để 2 bé không bị sốc tâm lý? - 1

Nơi xảy ra sai sót đáng tiếc

Trong trường hợp, cả hai bên đều không chấp thuận đổi con thì cần yêu cầu tòa án giải quyết theo quan hệ pháp luật tranh chấp để xác định cha, mẹ của trẻ theo quy định của pháp luật.

Nếu cả hai bên gia đình đều đồng lòng đổi con thì mọi chuyện sẽ được giải quyết một cách êm thấm, dễ dàng. Cả hai gia đình có thể cùng ra cơ quan hộ tịch đổi lại tên cho cha, mẹ của đứa trẻ.

Tuy nhiên, luật sư Hà cũng cho rằng, trong sự việc này, điều đáng quan tâm không chỉ là vấn đề về pháp lý mà còn là vấn đề tâm lý và phải xử sự như thế nào để hai phía gia đình cũng như đứa trẻ không bị sốc tâm lý, để lại những hậu quả đáng tiếc.

Nếu pháp lý đã được giải quyết mà hai đứa trẻ không chấp nhận cha mẹ ruột là cha mẹ. Hoặc, cha mẹ ruột không chấp thuận con ruột là con của mình là vấn đề quan trọng cần đặt ra. Bởi, mỗi gia đình đều có lối sống, cách dạy trẻ cũng như tình cảm dành cho con khác nhau…

Riêng trẻ không biết điều gì là pháp lý hay pháp luật. Chúng chỉ biết rằng, từ lúc chào đời cho đến nay được cha mẹ, người thân trong gia đình cha mẹ không cùng huyết thống nuôi dưỡng, chăm bẵm. Trong trường hợp này, cả hai đứa trẻ đều hơn 3 tuổi, đã nhận thức được tình cảm của riêng mình.

Trong tâm thức của trẻ, chỉ biết rằng, người từ trước đến nay mình gọi cha mẹ là cha mẹ chứ không hiểu họ có cùng huyết thống hay không. Chúng lưu dấu kỷ niệm, tình cảm đối với gia đình ấy. Chắc chắn một điều, không phải dễ dàng để trong ngày một ngày hai trẻ chấp nhận hai người “lạ” là cha mẹ của mình dù là cùng huyết thống.

Bà Hà cho rằng, trong trường hợp này, cả hai gia đình cần có cách giải quyết linh hoạt, không thể nóng vội, yêu cầu trẻ chấp nhận ngay cha mẹ ruột của mình. Cách tốt nhất, hai gia đình thường xuyên qua lại, tạo sự thân mật đối với hai đứa trẻ.

Trao nhầm con ở Bình Phước: Giải quyết thế nào để 2 bé không bị sốc tâm lý? - 2

Chị Trang đang cho hai con ăn cơm

Lúc này, nhờ sự yêu thương, quan tâm sẽ giúp trẻ giảm bớt sốc tâm lý. Khi thấy có đầy đủ điều kiện, không khiến trẻ sốc tâm lý nữa thì có thể đón con ruột mình về nuôi.

“Sau đó, cả hai gia đình vẫn thường xuyên giữ liên lạc, qua lại. Và, khi ấy, mỗi gia đình lại có đến hai đứa con cùng độ tuổi, sinh cùng ngày, cùng yêu thương nhau thì còn gì tốt bằng”, nữ luật sư chia sẻ.

Giữa 2016, bệnh viện đa khoa thị xã Bình Long nhận được đơn của gia đình anh Vũ Đình Khiên và chị Nguyễn Thị Thu Trang (phường Phú Thịnh) về việc con gái đang sống cùng không cùng huyết thống và đã có kết quả xét nghiệm ADN. Bệnh viện kiểm tra hồ sơ sản khoa lưu trữ.

Vào 6 giờ ngày 10/1/2013, chị Trang nhập viện chờ sinh và 30 phút sau, sinh bé gái, cân nặng 3kg. Cùng ngày, lúc 2h30 phút, sản phụ Thị Liên (dân tộc S’tiêng) nhập viện chờ sinh và cũng sinh bé gái cùng giờ với chị Trang, trẻ nặng 3 kg.

Đây là 2 ca sinh cuối ca trực. Hai nữ hộ sinh đã thức suốt đêm để làm nhiệm vụ. Có thể, do trong quá trình bồng hai trẻ đi tắm sau khi sinh, lúc trao lại, hộ sinh đã trao nhầm .

Quốc Việt
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự