Từ “dịch vụ nhạy cảm” đến “mại dâm”: Ranh giới mong manh!

Ngày 27/10/2015 23:28 PM (GMT+7)

“Đó là một ranh giới mong manh, có thể chuyển từ lành mạnh sang không lành mạnh bất cứ lúc nào”, luật sư Nguyễn Thạch Thảo - Đoàn luật sư TP.HCM nhận định.

“Chỉ là đề xuất của cá nhân”

Đó là ý kiến của ông Lê Văn Quý, Phó chi cục trưởng - Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM) khi trao đổi với PV vào sáng 27.10. Theo đó, ông Quý cho biết, ông đã trình bày đề xuất này trong các hội nghị giao ban, hội nghị tổng kết 5 năm phòng chống mại dâm (2011 - 2015).

“Hiện, đó vẫn chỉ là ý kiến cá nhân của tôi và đang chờ lãnh đạo UBND thành phố xem xét. Nếu lãnh đạo UBND thành phố đồng tình với ý kiến đó, thì chúng tôi sẽ lập đề án cụ thể để trình Quốc hội và Chính phủ. Vậy nên, ngay lúc này tôi chưa thể bình luận nhiều. Nếu đề xuất tiến triển tốt và sau khi có đề án cụ thể, tôi sẽ chia sẻ thêm”, ông Quý nói.

Ông Quý cho biết thêm: “Thật ra cách đây khoảng 2 năm đã có đề xuất như thế này rồi nhưng sau đó đi vào im lặng, bây giờ đề xuất tiếp tục được khơi lại”.

Từ “dịch vụ nhạy cảm” đến “mại dâm”: Ranh giới mong manh! - 1

Lực lượng chức năng đang làm việc với tiếp viên ở một cơ sở massage kích dục cho khách (Ảnh: Quỳnh Mai)

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động Phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 - 2015, ông Quý cho rằng, hiện nay công tác phòng chống mại dâm cực kỳ khó khăn, phức tạp. Ngoài ra, qua kiểm tra, phát hiện những điểm karaoke, massage, xông hơi đều có tiếp viên nữ, phần lớn là người lao động không hưởng lương, thu nhập chủ yếu từ tiền “bo” của khách.

Chính từ các thực tế trên, ông đã nêu ý kiến về việc tổ chức, quy hoạch các ngành nghề kinh doanh nhạy cảm, dễ phát sinh tệ nạn xã hội vào một khu vực riêng biệt để tăng cường công tác quản lý. Mục tiêu hàng đầu là kéo giảm tình trạng mại dâm, tránh lây nhiễm HIV, ngặn chặn lan truyền các bệnh xã hội và đảm bảo an ninh trật tự.

Thế nào là “dịch vụ nhạy cảm”, “mại dâm”?

Luật sư Nguyễn Thạch Thảo - Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, theo Pháp lệnh Phòng chống mại dâm, “mại dâm” được hiểu là hành vi mua dâm, bán dâm. Hay nói rõ hơn, mại dâm được hiểu là một dịch vụ kinh doanh nhằm tạo sự thỏa mãn về tình dục cho cá nhân trong những trường hợp nhất định, bao gồm cung cấp dịch vụ quan hệ tình dục có tính chất mua bán trên cơ sở một giá trị vật chất nhất định ngoài phạm vi hôn nhân.

“Theo pháp luật hiện hành, mại dâm dưới bất kỳ hình thức nào đều là hành vi đang bị nghiêm cấm. Còn về cụm từ “dịch vụ nhạy cảm” thì pháp luật chưa có định nghĩa cụ thể và cụm từ này cũng tương đối chưa rõ ràng. Nhưng theo tôi, có thể hiểu “dịch vụ nhạy cảm” là những ngành nghề hay lĩnh vực hoạt động như massage, karaoke, hớt tóc, gội đầu,... Đó là những ngành nghề có môi trường làm việc kín đáo và cách thức phục vụ dễ bị biến tướng thành hoạt động không lành mạnh, không đúng bản chất của công việc đang thực hiện”, luật sư Thảo nói.

Từ “dịch vụ nhạy cảm” đến “mại dâm”: Ranh giới mong manh! - 2

Công an Q.1, TP.HCM đột kích nhà hàng, bắt quả tang 5 tiếp viên múa khiêu dâm tại khách sạn T.D trên đường Trần Đình Xu, Q.1, đêm 18.5.2014 (Ảnh: Linh Đan)

Từ đó, luật sư Thảo nhìn nhận, ranh giới giữa dịch vụ nhạy cảm và mại dâm là rất mong manh, có thể chuyển từ lành mạnh sang không lành mạnh bất cứ lúc nào.

“Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ việc gom các dịch vụ nhạy cảm vào một khu để tiện cho việc giám sát và quản lý”, luật sư Thảo nói.

Bên cạnh đó, luật sư Thảo cho rằng, việc thành lập khu nhạy cảm như thế này trong giai đoạn hiện nay chắc chắn sẽ có nhiều người tán đồng, và cũng có nhiều người không đồng ý - nhất là chủ các cơ sở dịch vụ kinh doanh liên quan vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của họ.

Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn, việc thành lập các khu vực riêng này sẽ kéo giảm rất nhiều các vấn đề liên quan đến tệ nạn xã hội trá hình, góp phần quan trọng trong việc quản lý về y tế, về sức khỏe cho khách và cả nhân viên cung cấp các dịch vụ đó.

Chuyên gia tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho rằng, để tính toán việc có thành lập “khu nhạy cảm” hay không, cần nhìn nhận ở nhiều góc độ và phải có giải pháp cho những câu hỏi cụ thể.

Ông Sơn đặt ra hàng loạt câu hỏi: Liệu có phải gom các dịch vụ này lại mới là chăm sóc cho người hành nghề? Có chắc chắn là những người ở khu này sẽ biết cách kiểm soát để tránh lây lan bệnh tật? Có giải pháp nào khả thi để đảm bảo những người hành nghề nhạy cảm đủ nhận thức, tự bảo vệ bản thân và bảo vệ cộng đồng? Việc gom vào một khu vực nhất định có phải là cái nhìn chấp nhận hay không?…

Từ đó, ông Sơn nhấn mạnh: “Cần nhìn nhận thực tế rằng, mại dâm đã và đang tồn tại để xử lý chứ không phải là tạo nên hay định hướng phát triển nó”.

Theo Ngọc Phạm
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot