Vắc-xin "ăn bớt" có được tiêm cho trẻ khác?

Ngày 10/05/2013 15:16 PM (GMT+7)

Việc nhân viên y tế “ăn bớt” vắc xin làm dấy lên nhiều lo lắng bởi nếu trẻ được tiêm số vắc xin dư thừa đó sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe.

Có hay không khả năng trẻ được tiêm từ vắc-xin thừa? 

Ngay khi sự việc nhân viên tiêm “ăn bớt” vắc-xin được phanh phui trên báo chí, rất nhiều bà mẹ hoang mang lo ngại con mình có thể là nạn nhân của hành vi gian dối này. Chị Hà ở (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Mấy lần trước đưa con đi tiêm, do con nhỏ, lúc tiêm cháu khóc nhiều nên tôi mãi dỗ và giữ chặt con để nhân viên y tế tiêm chứ không còn tâm trí để ý đến việc bơm thuốc của họ. Đọc đến vụ này mà phẫn nộ vô cùng, không biết liệu con tôi và còn có bao nhiêu đứa trẻ khác kém may mắn bị ăn bớt vắc xin như cháu Phong”.

Điều làm các mẹ lo ngại nhất là khả năng con mình bị tiêm vắc-xin thừa. Chị Chi ở Đào Tấn, Hà Nội bức xúc cho biết: “Các chuyên gia khẳng định việc tiêm vắc-xin thừa, dồn lọ có thể gây nguy hiểm cho trẻ vì vắc-xin nhiễm khuẩn mà thấy càng phẫn nộ với việc làm của nữ y tá này. Sao họ dám làm việc vô đạo đức đến thế? Con mình cũng mới đi tiêm vắc xin Pentaxim mũi 1 nên hai hôm nay mình lo đến mất ngủ, chỉ lo cháu bị tiêm vắc-xin thừa, dồn lọ”.

Ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết, bắt đầu từ hôm nay Trung tâm Y tế dự phòng tăng cường thêm 3 bác sĩ tại mỗi phòng tiêm để làm nhiệm vụ trực điện thoại, tư vấn. Hiện Trung tâm đã thiết lập thêm số điện thoại đường dây nóng 04.39035688, sẵn sàng tiếp nhận mọi thông tin phản hồi liên quan đến vấn đề tiêm chủng từ người dân.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội thừa nhận, việc tiêm thiếu vắc xin cho trẻ dù là mục đích gì thì cũng là sai trái, phải xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, ông Cảm cũng khẳng định với quy trình tiêm chủng hiện nay thì việc dùng vắc-xin thừa tiêm cho trẻ khác là không thể xảy ra.  

Ông Cảm cũng đánh giá, việc làm của nhân viên Bùi Thị Phương Hoa đã ảnh hưởng đến uy tín của chương trình tiêm chủng rất nhiều. Tuy nhiên, ông mong muốn các bậc phụ huynh không nên vì một sai phạm này mà không cho trẻ đi tiêm chủng, bởi tiêm vắc xin vẫn là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

Cha mẹ có quyền yêu cầu kiểm tra lọ vắc xin trước và sau tiêm

Ông Cảm nhấn mạnh, cha mẹ hoàn toàn có thể tham gia vào việc giám sát quy trình tiêm chủng, phát hiện các sai sót của nhân viên y tế. Theo đó, khi bắt đầu tiêm cho trẻ nhân viên y tế phải thực hiện đầy đủ các quy trình sau:

- Thông báo cho cha mẹ trẻ tên của vắc-xin chuẩn bị tiêm cho trẻ, vắc xin đó phòng bệnh gì.

- Trước khi tiêm phải đưa cho cha mẹ trẻ xem lọ vắc-xin, mục đích là để kiểm tra vắc-xin đó vẫn còn nguyên lọ.

- Bơm vắc -xin vào kim tiêm và tiêm cho trẻ. Lọ vắc-xin sẽ được lưu lại cơ sở tiêm chủng theo quy định.

- Trả lại vỏ hộp của loại vắc-xin vừa tiêm cho cha mẹ trẻ.

- Cha mẹ có quyền yêu cầu nhân viên y tế cho kiểm tra lọ vắc-xin trước, sau khi tiêm cho trẻ. Nếu thấy lọ vắc-xin đã bị bóc, phụ huynh cần tuyệt đối không cho phép nhân viên tiêm cho trẻ.

Theo ông Cảm, sau khi tiêm xong, phụ huynh được mang vỏ hộp về nhà. Lọ vắc xin phải được lưu lại tại trung tâm trong vòng 14 ngày, tới ngày 15 mới được tiêu hủy. Tuy nhiên, có một số vắc-xin nhà sản xuất đóng gói nhiều lọ trong một hộp nên phụ huynh sẽ không có vỏ hộp mang về, ví dụ như vắc-xin viêm gan B một hộp có 25 lọ. 

Vắc-xin quot;ăn bớtquot; có được tiêm cho trẻ khác? - 1

Phụ huynh có quyền xem lọ vắc-xin trước và sau khi tiêm cho trẻ (Ảnh minh họa)

"Bất kỳ nhân viên tiêm chủng nào cũng phải thực hiện các yêu cầu trên. Nhân viên nào không thông báo về loại vắc-xin, từ chối cho cha mẹ kiểm tra lọ vắc-xin trước và sau khi tiêm cho trẻ là vi phạm quy trình tiêm chủng. Nếu phát hiện trường hợp nào vi phạm hoặc được người dân phản ánh chúng tôi sẽ xử lý nghiêm khắc", ông Cảm cho biết.

Theo ông Cảm, hiện nay quy trình tiêm chủng tại Trung tâm rất chặt chẽ. Bắt đầu sẽ có bộ phận kiểm kê và ghi lại số lượng từng loại vắc-xin xuất ra phòng tiêm chủng trong ngày hôm đó. Cuối giờ kíp làm việc sẽ kiểm kê lại số vắc-xin đã dùng, số còn lại, số tiền, số tic-kê trong ngày. Sau đó, có bộ phận độc lập kiểm định lại toàn bộ xem có khớp với nhau hay không và làm biên bản bàn giao cho kíp trực tiếp theo. “Chỉ cần một chi tiết không khớp là có thể phát hiện ngay ra sai phạm. Nếu dùng vắc-xin thừa tiêm cho trẻ khác thì số lọ vắc xin lưu trữ lại sẽ thiếu hụt so với số lượng trẻ được tiêm, số ticke phát cho trẻ”, ông Cảm cho biết.

Còn về quy trình tiêm chủng, theo ông Cảm, bất kỳ trẻ nào khi đi tiêm đều thực hiện quy trình theo các bước: tiếp đón khách đến, xem trẻ đã đến lượt tiêm chủng chưa; Khám, phân loại và chỉ định tiêm chủng; Trẻ đến bộ phận vào sổ, vào máy; Thu tiền, phát ticke và Tiêm.

Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan