Vì sao VN cân nhắc kiện TQ ra Toà án Quốc tế?

Ngày 26/05/2014 09:35 AM (GMT+7)

Trước thái độ ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc, Việt Nam luôn thể hiện sự bình tĩnh tuân thủ luật pháp quốc tế. Vậy đã đến lúc chúng ta dùng đến giải pháp kiện Trung Quốc hay chưa?

Để đi tìm lời giải cho câu hỏi “kiện Trung Quốc đã nên hay chưa”, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ.

Vì sao VN cân nhắc kiện TQ ra Toà án Quốc tế? - 1

Giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Đây là hành động ngang ngược vi phạm luật pháp quốc tế

Thưa ông, Việt Nam đã thể hiện thiện chí và tinh thần yêu chuộng hòa bình khi xử lý vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Vậy ông có bình luận gì về giải pháp Việt Nam đang thực hiện với vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép?

TS Trần Công Trục: Trước hết phải khẳng định Việt Nam đã áp dụng, công bố những biện pháp hoàn toàn hợp lý, trước việc Trung Quốc đã và đang vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam, đặc biệt là vụ Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng với một lực lượng tàu, máy bay hùng hậu hoạt động sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Có thể lý giải trên mấy vấn đề sau:

Về vấn đề thứ nhất, trong cuộc đấu tranh để đẩy lùi cuộc “xâm lược mềm” của Trung Quốc, chúng ta cũng đã chứng kiến, được biết, trong thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước cũng như lực lượng chức năng đã triển khai đồng loạt các hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, như:  kịp thời đấu tranh chính trị, ngoại giao, đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến thông tin kịp thời chính xác về mọi diễn biến trên thực địa, định hướng dư luận, kêu gọi sự đoàn kết, ủng hộ của mọi người, mọi tổ chức, mọi  quốc gia khu vực và quốc tế… 

Những hoạt động đó tuân theo phương châm kiên trì chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua đàm phán với các bên có liên quan, có tính đến việc sử dụng mọi biện pháp cần thiết và thích hợp khác để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của đân tộc Việt Nam trên Biển Đông…

Tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24  tại Myanmar đã thể hiện khá đầy đủ thiện chí và quyết tâm của Việt Nam trước nhưng diễn biến phức tạp và nguy hiểm xuất phát từ hành động của Trung Quốc mới đây. Đặc biệt là những hành động bất chấp luật pháp và đạo lý của Trung Quốc có liên quan đến hoạt động của  giàn khoan Hải Dương 981. Một trong những nội dung quan trọng được nêu trong Tuyên bố là:

“Việt Nam xin thông báo và nhấn mạnh về vấn đề Biển Đông như sau:

Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển  Đông - mối quan tâm chung của ASEAN, của khu vực và thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Từ ngày 01/5/2014 Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam và đã hạ đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trên 80 hải lý trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Các tàu hộ tống bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc đã rất hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của một nước trong ASEAN, là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp Quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về Ứng xử của các Bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một Bên tham gia ký kết. Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông”.

Vì sao VN cân nhắc kiện TQ ra Toà án Quốc tế? - 2

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị cấp cáo ASEAN tại Myanmar (ảnh Laodong)

Tuyên bố cũng đăc biệt phân tích tính nguy hiểm của hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm các thỏa thuận đạt được giữa ASEAN và Trung Quốc, giữa Trung Quốc và các nước láng giềng…, đồng thời  kêu gọi các nước cùng hành động để  ngăn cản hành động khiêu khích nguy hiểm của Trung Quốc. 

Vậy theo ông chúng ta đã dùng hết các biện pháp ngoại giao cần thiết hay chưa?

Mọi biên pháp đấu tranh đều phải tùy thuộc vào diễn biến của tình hình, tùy theo mức độ của vấn đề. Cuộc khủng hoảng này có lẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, do đó chúng ta sẽ còn phải tiếp tục sử dụng nhiều biện pháp ngoại giao cần thiết và thích hợp hơn. Trong thời gian qua, chúng ta đã thấy, ngoài tuyên bố phát ngôn, chúng ta đã có các công hàm chính thức gửi Trung Quốc cũng như các tổ chức khác. Đây cũng là những biện pháp đấu tranh thích hợp, đúng thủ tục và cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh tranh chấp hiện nay. 

Trung Quốc đã tuyên bố họ không bao giờ lui bước cả, họ có các tuyên bố hết sức cứng rắn và  hành động hết sức thô bạo, gây tổn thất nghiêm trọng đối với lực lượng chấp pháp của chúng ta trên biển. Vì thế, phải chăng chúng ta  nên tính đến các biện pháp mạnh hơn nữa về mặt ngoại giao, chẳng hạn có thể có công hàm đề nghị Liên hợp quốc đứng ra xem xét giải quyết cuộc khủng hoảng này  như đã từng xem xét giải quyết các khủng hoảng khác trên thế giới….

Vậy theo ông, đã đến lúc đặt ra giải pháp kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế hay chưa?

Đây là một trong những phương thức giải quyết hòa bình các tranh chấp trong quan hệ quốc tế. Về nguyên tắc Việt Nam cũng sẽ vận dụng giải pháp này như đã từng đề cập đến trong các nọi dung tuyên bố chính thức của mình. 

Tuy nhiên, đúng  như một số chuyên gia cho rằng vấn đề không dễ dàng như nhiều người tưởng. Bởi vì không phải bất kỳ vụ việc nào cũng có thể đơn phương đệ đơn kiện và đều thuộc thẩm quyền của các Cơ quan tài phán quốc tế.

Chúng ta không thể kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Quốc tế  Luật Biển về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ hay tranh chấp trong việc phân định vùng biển chồng lấn được; vì Tòa này đòi hỏi hai bên phải thỏa thuân cùng đưa vụ việc ra Tòa và cam kết thi hành án thì Tòa mới xét xử. Trung Quốc không bao giờ cam kết như vậy.

Vì sao VN cân nhắc kiện TQ ra Toà án Quốc tế? - 3

TS Trần Công Trục tại buổi trao đổi với Infonet (ảnh Thái Anh)

Vậy chúng ta sẽ phải kiện Trung Quốc theo hướng nào, thưa ông?

Việc kiện phân định lãnh thổ là không thể thực hiện được, vì thế Philippines phải đưa ra trước Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế về việc Trung Quốc giải thích và áp dụng sai Công ước LHQ về Luật Biển. Như vậy, Tòa trọng tài mới có thẩm quyền thụ lý hồ sơ và sẽ  tiến hành xét xử .

Tuy nhiên, vấn đề thi hành án sẽ gặp khó khăn, vì khi Trung Quốc không chịu thi hành, bên thắng kiện phải nhờ Hội Đồng Bảo An LHQ can thiệp. Nhưng tại đây Trung Quốc có quyền phủ quyết. Chẳng hạn, Điều 39 của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc đã quy định: “Hội đồng Bảo an xác định sự tồn tại mọi sự đe doạ hòa bình, phá hoại hòa bình hoặc hành vi xâm lược và đưa ra những kiến nghị hoặc quyết định các biện pháp nào nên áp dụng phù hợp với các điều 41 và 42 để duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế.” Nhưng điều 27 lại dành quyền phủ quyết cho 5 thành viên thường trực là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc.

Từ năm 1945, năm thành lập LHQ, đến năm 2012 đã có tất cả 269 lần phủ quyết, trong đó Nga 128 lần, Hoa Kỳ 89, Anh 32, Pháp 18 và Trung Quốc 9…

Đó là một thực tế cần được tính toán kỹ trước khi khởi kiện.

Sau khi thua kiện Trung Quốc tiếp tục dùng đến quyền phủ quyết để không thi hành án thì sao, thưa ông?

Đây cũng là khó khăn cần được cân nhắc. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta không triển khai áp dụng biện pháp mà ta có thế mạnh nhất trong số các biện pháp đấu tranh có thể tính đến.

Theo tôi, có lẽ đây là cơ hội chúng ta cần nắm bắt để thực hiện việc kiện tụng này. Muốn làm tất nhiên phải chuẩn bị kỹ hơn với sự tập hợp của các chuyên gia pháp lý, các luật sư trong và ngoài nước...

Tôi nghĩ rằng lãnh đạo của chúng ta đã suy tính, cân nhắc về việc này và hy vọng chúng ta sẽ làm sớm. Đây là cơ hội thuận tiện nhất để Việt Nam có thể sử dụng vai trò của các cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết hòa bình các tranh chấp phức tạp, đang có nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh khu vực và thế giới…

Xin cảm ơn ông!

Trong chuyến đi Phlippines tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới và thăm chính thức nước này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời phỏng vấn hãng AP (Mỹ) về tình hình Biển Đông cũng như các biện pháp giải quyết của Việt Nam. Trong bài trả lời này, Thủ tướng một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam là “không sử dụng vũ lực hay các biện pháp quân sự”.

“Việt Nam đã chịu nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược. Vì thế, chúng tôi luôn tha thiết có hòa bình, hữu nghị để xây dựng và phát triển đất nước. Chúng tôi không bao giờ đơn phương sử dụng biện pháp quân sự, không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, trừ khi chúng tôi bị bắt buộc phải tự vệ.

Việt Nam luôn nhất quán sử dụng các biện pháp hòa bình và tận dụng mọi cơ hội, mọi kênh đối thoại để giải quyết tình hình hiện nay một cách hòa bình. Chúng tôi đã hết sức chân thành, thực tâm, thiện chí và kiềm chế, nhưng câu trả lời hiện nay là Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh, các hành động uy hiếp và xâm phạm, rồi liên tục vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: "Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó".

"Việt Nam đang xem xét rất nhiều lựa chọn phòng vệ khác nhau, bao gồm cả các hành động pháp lý tuân theo luật pháp quốc tế", Reuters trích dẫn câu trả lời của Thủ tướng Việt Nam trong một bức email trả lời dù đang trong chuyến thăm tới Philippines.

Theo Hồng Chuyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan