“Vua cổ vật Sài Gòn” hiến tặng gần hết tài sản cho biển đảo

Ngày 29/06/2014 08:47 AM (GMT+7)

Được giới chơi đồ cổ mệnh danh là “vua đồ cổ Sài Gòn” với gần 2.000 cổ vật lớn nhỏ, giá trị lên tới 70 triệu USD, ông Hoàng Văn Cường nung nấu ý định hiến tặng 70% giá trị cổ vật cho quỹ quốc phòng và các ngư dân bám biển.

3 đời sưu tầm cổ vật

Đã từ lâu, giới chơi cổ vật quen gọi ông Hoàng Văn Cường (SN 1949) bằng cái tên “vua cổ vật Sài Gòn”.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 3 đời sưu tầm cổ vật ở Huế, ông Cường đã có sẵn “máu” mê cổ vật từ nhỏ. Từ lúc mới lên 10 ông đã theo cha rong ruổi khắp nơi trong nội thành và ngoại thành Huế để mua cổ vật. Có khi ông theo cha vào đi vào các làng xóm ở các huyện xa trung tâm để mua. “Máu” cổ vật cũng thấm vào ông từ đó. Ông Cường cũng được chiêm ngưỡng và nghe bình luận của các “bậc tiền bối” về những món cổ vật của ông nội và cha.

Năm 12 tuổi, trong một lần sơ ý, ông làm rơi một nắp chum cổ của cha. Sợ bị đánh, ông bỏ đi mấy ngày liền. Ông chia sẻ: “Mỗi cổ vật đều có giá trị rất lớn. Tuy chỉ bể một miếng nhỏ của nắp chum nhưng tôi rất sợ ba đánh. Vì đối với ba, cái chum này có giá trị tinh thần rất lớn”.

“Vua cổ vật Sài Gòn” hiến tặng gần hết tài sản cho biển đảo - 1

“Vua cổ vật Sài Gòn” Hoàng Văn Cường quyết định hiến tặng 70% giá trị tài sản của mình cho quỹ quốc phòng

Thích “phiêu lưu” từ nhỏ nên ông Cường bén duyên với nghề báo. Năm 16 tuổi, ông làm phóng viên chiến trường cho hãng thông tấn UPI của Mỹ. Cũng trong những năm tháng cầm máy ảnh đi tác nghiệp ở nhiều nơi này, ông Cường có dịp tiếp cận với nhiều món đồ cổ quý hiếm. Cũng từ đó, ông tìm tòi, học hỏi và sưu tầm cổ vật với mong muốn giữ lại những cổ vật của cha ông cho các thế hệ sau.

Ông Cường kể, vào một buổi chiều rét buốt năm 1969 ở Huế, khi ông đang cầm máy ảnh trên tay thì gặp một ông cụ đang bước lững thững trên đường với dáng người gầy yếu, mệt mỏi vì đói khát. Thương cụ già, ông Cường lấy nước uống và mua thức ăn cho ông cụ. Cảm động, cụ già liền lấy trong túi xách của mình ra một lư hương bằng sứ tặng cho ông. Đó cũng là cổ vật lần đầu tiên ông Cường có.

Ông cười nói: “Đó là lần đầu tiên tôi sở hữu món cổ vật quý giá. Bởi theo cụ già, lư hương đó đã có niên đại 200 năm và là vật gia truyền của dòng họ. Nhưng nay gia đình không còn ai, ông cụ phải sống lang thang. Mong muốn của cụ là gửi gắm bát hương này cho tôi để bảo quản cho con cháu về sau còn được chiêm ngưỡng. Nhận được cổ vật quý từ ông cụ, tôi bảo quản và giữ đến ngày hôm nay”.

“Vua cổ vật Sài Gòn” hiến tặng gần hết tài sản cho biển đảo - 2

“Vua cổ vật Sài Gòn” hiến tặng gần hết tài sản cho biển đảo - 3

Chiếc sập ba thành dùng để hút thuốc của một viên quan triều Huế được giới chơi đồ cổ đánh giá là “thiên hạ vô đối”. Chiếc sập này có tuổi đời hơn 300 năm và có nguồn gốc từ Trung  Quốc. “Từng có người trả giá 2 triệu USD nhưng tôi chưa bán” - ông Cường cho biết.

“Vua cổ vật Sài Gòn” hiến tặng gần hết tài sản cho biển đảo - 4

Bộ Cành vàng lá ngọc được làm rất tinh xảo với nhiều chi tiết khó bằng các loại chất liệu như ngọc, mã não, san hô, hổ phách từ đời nhà Thanh (Trung Quốc) có giá trị rất lớn được nhiều người chơi cổ vật say mê.

Tiếp nối truyền thống sưu tầm cổ vật của ông nội và cha, ông Cường đi khắp nơi trên đất nước để tìm mua cổ vật. Có khi ông ra tận nước ngoài để tìm mua. Thấm thoắt đã 46 năm.

Trong căn nhà 3 tầng ở quận 1, hàng trăm cổ vật được ông Cường trưng bày. Nhiều món có niên đại cả ngàn năm từ thời Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo… hay những cổ vật có niên đại trăm năm như các vật dụng của các thời vua chúa Nguyễn, thời Tây Sơn… Trong đó có nhiều cổ vật có giá trị “vô đối” chỉ có mình ông có được như chiếc sập 300 năm tuổi của một viên quan người Huế có giá trị khoảng 40 tỷ đồng. Hay chiếc long sàng của vua Dục Đức, hay bộ sưu tập 25 cây súng Nhật được chế tạo từ năm 1600 có báng súng được làm bằng ngà voi… Do số lượng cổ vật sưu tầm lớn nên ông Cường phải chia làm 3 nơi để trưng bày, một ở căn nhà trên và hai nơi còn lại ở quận 7 và quận 9.

Góp sức bảo vệ Biển Đông

“Vua cổ vật Sài Gòn” hiến tặng gần hết tài sản cho biển đảo - 5

Mã đáo thành công có chất liệu làm bằng ngà voi có từ thời Minh Mạng.

“Vua cổ vật Sài Gòn” hiến tặng gần hết tài sản cho biển đảo - 6

“Vua cổ vật Sài Gòn” hiến tặng gần hết tài sản cho biển đảo - 7

Ống đựng bút, sư tử bằng ngà voi cũng có từ thế kỷ thứ 18 với giá trị “khủng”.

Ông Cường cho biết, cổ vật gắn với cuộc sống hằng ngày của ông. "Từ lúc biết chơi cổ vật  đến nay đã 64 tuổi tôi chỉ biết mua cổ vật về để sưu tầm chứ không bao giờ bán" - ông chia sẻ. Bởi theo ông, mỗi cổ vật đều chứa linh hồn của những người đã từng gắn bó với nó thông qua dòng chảy thời gian. Chưa bao giờ ông nghĩ sẽ bán đi cổ vật hoặc tặng một người nào. Nhưng kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ông quyết định sẽ bán đấu giá số cổ vật hiện có để ủng hộ 70% tổng giá trị cho quỹ quốc phòng và quỹ hỗ trợ các ngư dân bám biển. Ông chỉ giữ lại 30% cho gia đình.

“Từ khi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông, tôi rất nóng lòng với thời cuộc. Các thành niên trong gia đình tôi cũng rất đồng lòng khi tôi đưa ra quyết định này vì đây là chuyện rất đáng làm vì chủ quyền của đất nước”, ông Cường chia sẻ.

Trong di chúc ông Cường tự tay viết có đoạn: “Toàn bộ tài sản bán ra, 70% hiến cho biển đảo, đồng bào ngư dân nghèo có tâm huyết vì biển đảo; hằng tháng, hằng năm bám biển nếu có sự cố hoặc tai nạn biển sẽ có số tiền ứng phó tiếp sức cho đồng bào ngư dân. 30% cho con cái và dòng họ, nội ngoại hai bên còn nghèo lắm, để xây từ đường hai bên nội ngoại. Đây là thông điệp thay lời di chúc”.

Hiện tại, ông Cường mong muốn các cơ quan chức năng sớm vào cuộc định giá số đồ cổ để thực hiện các bước tiếp theo.

“Vua cổ vật Sài Gòn” hiến tặng gần hết tài sản cho biển đảo - 8

Bộ sưu tập đồ cổ của ông Cường có đủ các kiểu dáng, lớn nhất vẫn là chiếc "Long sàng ấu Chúa" (giường dành cho con vua) có từ thời vua Tự Đức (thế kỷ 18) có giá trị hàng tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Đình Sáng - Trưởng ban Phong trào thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, tinh thần yêu nước vì biển đảo quê hương của ông Hoàng Văn Cường được đánh giá cao. Về trách nhiệm của MTTQ, ông Sáng cho biết Mặt trận sẽ hỗ trợ, giúp đỡ về mặt thủ tục để tài sản của ông Cường sớm được đưa ra đấu giá the nguyện vọng. Tuy nhiên, vì tài sản là cổ vật nên ông Cường cần phải liên hệ với các ngành chức năng để giám định.

Được biết, theo quy định của nhà nước về đấu giá tài sản là di vật, cổ vật, người sở hữu tài sản đó phải làm thủ tục đăng ký cổ vật, di vật và thông báo tới Sở VHTT&DL để thực hiện.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn - Giám đốc bảo tàng Lịch sử TPHCM, để đấu giá được những cổ vật này, ông Cường sẽ phải làm các thủ tục với những ngành có liên quan như văn hóa, tài chính, thuế và cần phải có ý kiến từ Cục Di sản Văn hóa. 

Theo Tạp chí Asia Life, giá trị kho đồ cổ của ông Cường lên tới 70 triệu USD. Nhiều tay chơi đồ cổ Sài Gòn cho biết, ông Cường có bộ sưu tập cổ vật lớn nhất Sài Gòn, nhiều cổ vật “độc nhất vô nhị”, nhiều người chơi cổ vật mơ mà không có.

Được biết, UBND TP đã có chỉ đạo Sở VH-TT-DL tìm hiểu về trường hợp hiến tặng gia sản của ông Hoàng Văn Cường  vì chủ quyền Tổ quốc và tham mưu cho UBND TP.HCM xử lý

Theo Dương Thanh (khampha.vn)
Nguồn:

Tin liên quan