Tết đầu tiên của người thoát chết nhờ ghép đa tạng

Ngày 25/02/2015 12:00 PM (GMT+7)

Tết năm nay có lẽ là cái tết đầm ấm nhất của Thượng úy Phạm Thái Huyên sau gần 15 năm mang trong mình căn bệnh tiểu đường. Bởi sau thời gian dài mang bệnh bị biến chứng suy thận nặng, anh đã được hồi sinh sau ca ghép đa tạng thận - tụy.

Suýt gặp tử thần vì bỏ dở điều trị 

Ngày 1/3/2014 không chỉ là ngày hồi sinh của người lính 44 tuổi đó mà còn là ngày đánh dấu bước tiến bộ vượt bậc của nền y học Việt Nam khi lần đầu tiên các bác sĩ trong nước thực hiện thành công ca ghép đa tạng thận-tụy. Bệnh nhân may mắn đó là người lính Thượng úy Phạm Thái Huyên, công tác tại Ban chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La.

Nhớ lại những ngày tháng dài dằng dặc trong suốt 15 năm chiến đấu chiến đấu với bệnh tật, anh Huyên vẫn không quên được những vất vả của bản thân và gia đình khi phát hiện ra bệnh. Đó là những ngày anh có thể ngất đi bất cứ lúc nào ở bất cứ đâu ở nhà hay đơn vị. Là những ngày anh thường xuyên phải nhờ người nhà đưa đi chạy thận nhân tạo tại bệnh viện.

Năm 2000, anh Huyên đang khỏe mạnh bỗng tự nhiên sút cân nhanh, người mệt mỏi dù chế độ ăn uống vẫn bình thường. Chỉ trong vòng gần 1 năm anh đã sụt đi 7kg. Đi khám tại Viện Quân y 6, bác sĩ chẩn đoán anh mắc bệnh tiểu đường.

Không tin mình còn trẻ mà đã mắc căn bệnh tiểu đường nên tôi đã xuống BV 103 dưới Hà Nội để kiểm tra lại. Tại đây, các bác sĩ lần nữa khẳng định tôi bị tiểu đường tuýp 1 khá nặng, bắt buộc phải tiêm insulin”, anh Huyên nhớ lại.

Sau khi điều trị một thời gian, tình trạng bệnh của anh Huyên có cải thiện rõ rệt, người đỡ mệt, đường huyết ổn định. Tuy nhiên, thêm một lần nữa nghĩ mình còn trẻ, anh chủ quan bỏ dở điều trị khi thấy sức khỏe khá hơn. Chính vì thế, chỉ số đường huyết của anh lại bất thường, nguy hiểm hơn bệnh tiến triển nặng gây biến chứng suy thận.

Năm 2009, anh Huyên tưởng không qua khỏi khi bệnh tiểu đường gây biến chứng sang thận  rất nặng. “Lúc được gia đình đưa xuống cấp cứu tại BV 103, lúc tỉnh táo hiếm hoi tôi nghĩ mình sẽ chết, không hi vọng gì. May mắn thế nào mà sau gần 1 tháng điều trị, tôi vượt qua được cửa tử”, anh Huyên nhớ lại.

Tết đầu tiên của người thoát chết nhờ ghép đa tạng - 1

Anh Huyên sau ca phẫu thuật thành công

May mắn đến sau 5 năm tìm nguồn tạng phù hợp

Nói về cơ duyên trở thành người đầu tiên tại Việt Nam được ghép đa tạng thận – tụy, anh Huyên bảo rất tình cờ. Tỉnh táo lại sau lần điều trị thập tử nhất sinh vào năm 2009, anh Huyên có nghe được thông tin BV 103 có chương trình ghép tạng nên đăng ký. Bản thân anh lúc đăng ký cũng chẳng dám nghĩ đến một ngày mình được ghép tạng vì biết rằng để có được nguồn tạng phù hợp là điều vô cùng khó, nhất là trong điều kiện khan hiếm nguồn tạng như ở Việt Nam.

"Gần 15 năm mắc bệnh, tôi không nhớ nổi mình đã bị ngất bao nhiêu lần. Tôi nghĩ và sợ một ngày nào đó mình ngất đi và không bao giờ tỉnh lại được. Các bác sĩ đã cứu sống tôi 2 lần, lần một vào năm 2009 và lần 2 là sau ca ghép đa tạng thành công vào năm 2014. Hiện tại, sức khỏe tôi khá tốt, tôi thấy mình khỏe gần như bình thường, giống những ngày chưa mắc bệnh. Tôi thấy mình là người quá may mắn, tôi luôn cảm ơn BV 103 và cả những đồng đội ở đơn vị của mình, không có họ chắc tôi không sống được. Với tôi sống thêm được ngày nào đã là điều hạnh phúc”, Thượng úy Phạm Thái Huyên.

Sau gần 5 năm đăng ký, vào một ngày cuối tháng 2 năm 2014, anh nhận tin mừng được chọn ghép tạng. Anh nhớ lại: "Ngày nhận được cuộc điện thoại của bệnh viện yêu cần là vào buổi chiều. Các bác sĩ bảo phải xuống luôn nhưng cũng không nói rõ có việc gì. Lúc đó, xe khách từ Sơn La xuống Hà Nội đã hết, đơn vị đã điều xe riêng đưa tôi xuống Hà Nội, xuống đến nơi đã nửa đêm. Vừa đặt chân xuống bác sĩ bảo tôi chuẩn bị vào phòng mổ luôn vì đã tìm được nguồn tạng phù hợp để ghép. Tôi khá bất ngờ”.

Bản chất là một người lính, quen với khó khăn nên anh không có cảm giác lo sợ khi vào phòng mổ. Anh bảo, năm 2009 anh tưởng mình sẽ chết nhưng các bác sĩ đã cứu sống anh. Anh đã sống được thêm gần 5 năm là hạnh phúc lắm rồi, giờ kết quả ghép tạng thế nào anh cũng chấp nhận. Xác định được điều đó nên anh vào phòng mổ với tâm lý hết sức thoải mái, không bị áp lực.

“Chuẩn bị vào phòng mổ mình mới biết được ghép tạng, gia đình không hề hay biết. Lúc đó, bác sĩ hỏi có muốn gọi điện cho gia đình nói điều gì không mình bảo không cần, mình không gọi điện về dặn dò gì người thân trong gia đình mà chỉ nhắn nhủ bác sĩ nếu mình không qua được ca ghép thì cho mình được hiến tạng, tạng nào còn khỏe, có thể cứu được những người bệnh không may mắn mình hiến hết, còn xác mình thì đem về quê nhà”, anh Huyên kể lại.

Hơn 150 người tham gia thực hiện ca ghép

Có lẽ ca phẫu thuật cho anh Huyên là một trong những ca phẫu thuật hao người, tốn của nhất của BV 103. Hơn 150 cán bộ của Học viện Quân y và BV 103 đã được huy động để tham gia tiến hành phẫu thuật.

Tết đầu tiên của người thoát chết nhờ ghép đa tạng - 2

Hơn 150 y, bác sĩ được huy động tham gia ca ghép đa tạng

PGS.TS Hoàng Mạnh An, Giám đốc BV 103 cho biết, ca phẫu thuật cho anh Huyên là ca ghép ca tạng thận –tụy đầu tiên của bệnh viện cũng như của Việt Nam. Mặc dù đã có kinh nghiệm của 22 năm ghép tạng (ca ghép thận đầu tiên của bệnh viện là vào năm 1992) nhưng ca ghép lần này cho anh Huyên là một thử thách rất lớn cho đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện.

“Ngay được đề tài cấp nhà nước do Bộ Khoa học Công nghệ giao cho BV 103 là phải thực hiện thành công ghép đa tạng chúng tôi đã thấy khó. Ghép đa tạng trong đó có ghép tụy lại càng khó hơn. Thế giới đã từng ghép tụy nhưng không nhiều. Tụy được coi là một tạng “quý phái” trong cơ thể, ghép tụy vô cùng khó nhưng nếu ghép thành công thì bệnh nhân tiểu đường không thể kiểm soát được tiểu đường bằng điều trị sẽ có cơ hội sống.  

Biết là khó khăn nhưng chúng tôi quyết tâm làm, mong được cứu sống người bệnh không chỉ anh Huyên mà có thể nhiều bệnh nhân hơn nữa. Nên ngay khi có nguồn tạng hiến của một người cho chết não, thấy phù hợp với các chỉ số của anh Huyên bệnh viện quyết định ghép luôn. Tuy nhiên, để có được quyết định này chúng tôi đã có thời gian dài chuẩn bị mọi tiềm lực. Từ năm 2012, bệnh viện đã cử cán bộ đi học tập tại các trung tâm thân –tụy lớn trên thế giới. Bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật thực nghiệm thành công trên nhiều cặp động vật thực nghiệm.

Thêm một khó khăn nữa cho bệnh viện là bệnh nhân Huyên đã có tiền sử bị tiểu đường 13 năm, có biến chứng suy thận. Đường huyết của bệnh nhân có thể hạ bất chợp lúc nào, thuốc không thể khống chế nổi. Nếu ghép thành công bệnh nhân có cơ hội cứu sống còn nếu không bệnh nhân sẽ thường xuyên phải nhập viện, chạy thận nhân tạo và có thể chết bất cứ lúc nào. Xác định được tất cả khó khăn đó nên bệnh viện chúng tôi vào ca mổ với quyết tâm không phải 100% mà 120%, vì nếu thất bại chúng tôi sẽ không thể ghép được ca thứ hai”, PGS.TS An chia sẻ.

Với quyết tâm đó, ngày 1/3/2014, BV 103 đã huy động cùng lúc 4 phòng mổ với 150 y bác sĩ. Sau 13 giờ, các bác sĩ của bệnh viện đã ghép thành công đồng thời thận – tụy cho bệnh nhân.

Tết đầu tiên của người thoát chết nhờ ghép đa tạng - 3

Đây là ca ghép đa tạng thận - tụy đầu tiên tại Việt Nam, mở ra hi vọng cứu sống nhiều bệnh nhân

2 ngày sau ghép sức khỏe của anh Huyên tiến triển tốt nhưng đến ngày thứ 3 xuất hiện diễn biến xấu: bệnh nhân bị viêm tụy cấp men tụy tăng tiết, màng bụng, khoang màng phổi có dịch. Bệnh viện phải phân công kíp trực lớn thường xuyên túc trực bên giường người bệnh, hội chẩn diễn ra dường như hàng ngày.

“Thời điểm 3 tháng sau hậu phẫu các bác sĩ làm việc rất căng, nếu chỉ cần một sơ suất nhỏ là bao công lao thực hiện ca ghép đổ xuống sông xuống bể, bệnh nhân có thể tử vong. Những ngày đầu sau phẫu thuật, xuất hiện biến chứng nhiều bác sĩ dường như phải túc trực 24h/24h bên cạnh bệnh nhân, có bác sĩ vất vả trực cả tuần ở viện, không còn thời gian về nhà nhìn vợ nhìn con. Rất may, sau bao vất vả, chúng tôi đã khẳng định được ca ghép đã thành công tốt đẹp. Lần kiểm tra sức khỏe gần đây nhất các thông số chức năng thận –tụy của bệnh nhân Huyên đều bình thường”, PGS.TS An nói.

Có lẽ người hạnh phúc nhất sau ca mổ là anh Huyên. Nhớ lại giây phút đầu tiên tỉnh dậy, anh bảo lúc mở mắt ra anh không thấy đau, chỉ có cảm giác khác ở vùng bụng.

“Tôi tưởng mình chưa được mổ nên thấy bác sĩ mặc áo trắng đứng cạnh giường bệnh, tôi hỏi bác sĩ mới biết mình đã được mổ thành công. Lúc đó, tôi mới biết mình đã được sống lần 2”, anh Huyên kể.

Hiện tại, anh Huyên nhận thấy mình khỏe gần như những ngày chưa phát hiện bệnh. Tinh thần anh thoải mái lên nhiều, ăn uống không phải kiêng khem, không bị ngất như lúc chưa được ghép. Cách một tháng anh lại xuống BV 103 kiểm tra sức khỏe và lấy thuốc uống theo chỉ định của bác sĩ.

Tôi khẳng định trình độ ghép tạng của các bác sĩ Việt Nam không thua kém gì các nước trên thế giới. Việt Nam đã ghép tim, thận, gan, tụy thành công và đến nay ghép đa tạng chúng ta cũng làm được. Tuy nhiên, do nguồn tạng khan hiếm nên số người bệnh được ghép vẫn vô cùng khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Số bệnh nhân được ghép tạng từ người cho chết não vẫn chỉ được đếm trên đầu ngón tay.

Để ghép được ca đa tạng thận –tụy cho bệnh nhân Huyên, BV 103 cũng phải làm công tác tư tưởng rất vất vả, thuyết phục đến tận đêm gia đình người chết não mới đồng ý hiến tạng. Một người chết não, không may nằm xuống nếu họ đồng ý hiến tạng có thể cứu sống được nhiều người suy tạng mà sự sống đang lay lắt như ngọn đèn dầu trước gió.

Tôi mong xã hội cởi mở hơn, hiểu được rằng hiến tạng là một việc làm hết sức nhân văn và cao cả, mang lại sự sống cho nhiều người không may mắc bệnh”, PGS.TS Hoàng Mạnh An, Giám đốc BV 103.

Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự