TP.HCM tăng cường phòng chống virus Zika trong trường học

Ngày 13/04/2016 09:13 AM (GMT+7)

Chiều ngày 12/4, Sở GD&ĐT TP. HCM đã có công văn khẩn yêu cầu Trưởng phòng GD&ĐT, Hiệu trưởng các trường khẩn trương triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch bệnh do virus Zika trong trường học.

Nhằm mục đích nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng chống dịch bệnh cho học sinh, cán bộ, giáo viên và công nhân viên trong các trường học, Sở GD&ĐT đề nghị Phòng GD&ĐT phối hợp với ngành y tế quận, huyện tổ chức tập huấn, truyền thông các biện pháp phòng chống bệnh do virus Zika cho các đơn vị trường học trên địa bàn.

Nhà trường tổ chức truyền thông cho phụ huynh học sinh biết bệnh do virus Zika lây truyền chủ yếu qua muỗi đốt, không lây qua tiếp xúc hoặc qua đường hô hấp. Biện pháp tốt nhất để phòng chống bệnh do virus Zika là phòng chống muỗi đốt bằng những hoạt động thiết thực, đơn giản như: mặc quần áo dài tay, nằm ngủ mắc màn, sử dụng kem xoa chống muỗi.

Các trường cần chủ động diệt loăng quăng, bọ gậy bằng những hoạt động định kỳ hàng tuần như: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa, bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào chén nước kê chân giường tủ; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, vỏ xe cũ,... và tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

TP.HCM tăng cường phòng chống virus Zika trong trường học - 1

Nhà trường cần tăng cường phổ biến thông tin cho học sinh biết để phòng chống virus Zika trong trường học -  Hình minh họa

Tăng cường công tác vệ sinh, khử khuẩn trong lớp học như khử khuẩn đồ chơi, dụng cụ sinh hoạt và sàn nhà nơi trẻ sinh hoạt tại tất cả nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình trên địa bàn vào ngày cuối tuần để phòng ngừa các bệnh lây truyền qua tiếp xúc.

Hướng dẫn phụ huynh học sinh, cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong trường khi phát các trường hợp trẻ nghi ngờ hoặc được chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết và Zika, nhà trường cần thông báo ngay về trạm Y tế phường, Trung tâm Y tế Dự phòng quận, huyện để có hướng chỉ đạo và xử trí kịp thời.

Phòng GD&ĐT phối hợp với ngành y tế địa phương triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, tổ chức kiểm tra giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh tại các đơn vị trường học trong địa bàn.

Trước đó, ngày 8/4, lãnh đạo UBND TP. HCM đã công bố dịch virus Zika tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 sau khi trên địa bàn một phụ nữ mang thai dương tính với virus Zika.

Sở Y tế TP. HCM báo cáo người nhiễm virus Zika là một phụ nữ 33 tuổi, đang mang thai 8 tuần, hiện sống tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2. Khởi bệnh ngày 29/3/2016 với triệu chứng phát ban và sau đó xuất hiện tình trạng viêm kết mạc.

Trước khi khởi bệnh, bệnh nhân không đi đến vùng có dịch, không có quan hệ tình dục với người từ vùng dịch trở về và không tiêm chích hoặc truyền máu. Điều tra dịch tễ tại nơi bệnh nhân cư trú ghi nhận một vài trường hợp bị sốt trong tháng qua nhưng kết quả xét nghiệm không phát hiện virus Zika. Tại các điểm tầm soát khác, chưa ghi nhận ca bệnh do virus Zika. Hiện tại, các triệu chứng lâm sàng đã ổn. Bệnh nhân được nhân viên y tế tư vấn về việc theo dõi tình trạng thai nhi và các vấn đề liên quan đến bệnh do virus Zika.

Sở Y tế khuyến cáo người dân trên địa bàn TP tích cực cùng tham gia với ngành Y tế trong các hoạt động phòng chống Zika. Đặc biệt, người dân nên chủ động tự diệt muỗi và ngăn ngừa muỗi đốt tại nhà bằng những biện pháp gia dụng như bình xịt muỗi, nhang trừ muỗi, kem xua muỗi…Mọi người thực hiện diệt loăng quăng tại hộ gia đình, tại những nơi có nhiều vật chứa nước có khả năng phát sinh loăng quăng.

Văn Luận
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Virus Zika gây teo não